• Zalo

Việc rút tiền hàng loạt tại ngân hàng SCB tạo sức ép lên lạm phát

Tài chínhThứ Sáu, 10/05/2024 19:09:58 +07:00Google News
(VTC News) -

Việc rút tiền hàng loạt tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) là yếu tố làm gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.

Thông tin trên được Chính phủ đề cập tại báo cáo tổng kết về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ cho biết, áp lực mất giá của đồng Việt Nam rất lớn trong năm 2022 khi các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng mạnh lãi suất và đồng đô la tăng giá rất mạnh; vào thời điểm tháng 9 - 10/2022, đồng Việt Nam đã chịu áp lực mất giá lên đến 9 - 10%.

"Đồng thời, sự kiện rút tiền hàng loạt tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã là các yếu tố tổng hợp làm gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát", báo cáo nêu rõ.

Hoạt động giao dịch tại SCB. (Ảnh: Vietnam+)

Hoạt động giao dịch tại SCB. (Ảnh: Vietnam+) 

Theo Chính phủ, trong bối cảnh đầy thách thức với sức ép lớn đó, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành với mức tăng 0,8 - 2%/năm trong tháng 9 và 10/2022 nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn tăng từ 4%/năm lên 6%/năm; lãi suất tái chiết khấu tăng từ 2,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước tăng từ 5%/năm lên 7%/năm.

Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND tại các tổ chức tín dụng: đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng tăng từ 0,2%/năm lên 1,0%/năm, kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ 4%/năm lên 6%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND: tăng từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm.

"Việc tăng lãi suất là phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước cũng như bối cảnh quốc tế khi nền kinh tế của Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế", Chính phủ khẳng định.

Năm 2023, theo Chính phủ, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo cao, diễn biến lạm phát quốc tế khó lường; tăng trưởng kinh tế còn nhiều khó khăn; thanh khoản của các tổ chức tín dụng được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế; để tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, từ tháng 3/2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm.

Cụ thể, giảm 1,5%/năm lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu, giảm 2%/năm lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng; giảm 0,5 - 1,25%/năm lãi suất tối đa tiền gửi bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5%/năm mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp khác để phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ kiến nghị Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Chính phủ, trong số 272 dự án được giao kế hoạch vốn đầu tư của chương trình, hiện nay còn 107 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch vốn được giao, trong đó có một số dự án được giao kế hoạch vốn lớn nhưng tỷ lệ giải ngân còn thấp. Các dự án này khó có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn trong năm 2024 mặc dù đã được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 tại Nghị quyết số 110/2023.

"Do đó, để bảo đảm nguồn vốn thực hiện các dự án, tránh việc kéo dài thời gian thực hiện, đồng thời áp lực phải cân đối vốn trong kế hoạch giai đoạn 2026 - 2030, Chính phủ kiến nghị Đoàn Giám sát báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư của Chương trình đến hết năm 2025", Chính phủ kiến nghị.

Chính phủ cũng nêu rõ, số vốn đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đến hết năm 2025 của từng dự án cụ thể sẽ được Chính phủ tổng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8 vào cuối năm 2024.

Bình luận
vtcnews.vn