Theo PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, tạng Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, những năm qua chúng ta đã làm chủ được công nghệ ghép nhiều tạng, cứu sống nhiều người nhưng nguồn tạng hiến sau chết não trong cộng đồng và vận động tại các bệnh viện vẫn rất thấp.
Từ năm 1992 đến nay, cả nước có hơn 8.300 trường hợp được ghép tạng. Trong đó 94% nguồn tạng hiến ở nước ta từ người cho sống, chỉ 6% tạng hiến từ người chết não. Ngược lại với các nước phát triển là 40-90% tạng hiến từ người chết.
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 10 người chết não hiến tạng, tỷ lệ 0,1 trên 1 triệu dân, thấp nhất thế giới. Hàn Quốc có khoảng 11 người chết não hiến tạng - đây cũng là quốc gia được đánh giá có số người chết não hiến tạng cao nhất châu Á. Còn ở Tây Ban Nha là 50 (cao nhất thế giới), ở Mỹ là 49.
Vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng, truyền thông chưa hiệu quả, nhiều bệnh viện chưa thật sự quan tâm đến vấn đề vận động hiến mô tạng là những lý do dẫn đến nghịch lý trên.
“Nhiều gia đình bệnh nhân chết não chưa hiểu hết được ý nghĩa của việc hiến tạng và luôn mong muốn để người thân lúc chết giữ 'nguyên vẹn cơ thể'. Điều này liên quan đến tâm linh, nhận thức của mỗi người Việt”, bà Tiến nói.
Bên cạnh đó, những bất cập trong các quy định pháp luật hiện hành như điều kiện hiến tạng sau chết; tuổi hiến tạng, chế độ cho người hiến tạng và gia đình; cơ chế tài chính về chi phí, thanh toán cho vận động hiến, ghép và sau ghép cũng là yếu tố khiến nguồn tạng hiến tặng từ người chết não thấp.
Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, hiện cả nước có 27 bệnh viện được cấp phép lấy, ghép tạng nhưng mới 6 đơn vị thực hiện chẩn đoán chết não về hiến tặng mô tạng. Đây là một trong những lý do khiến tỷ lệ chết não hiến mô, tạng tại Việt Nam thấp và không tăng trong hơn 10 năm qua.
Theo quy định, khi lấy tạng của người hiến cần sự đồng ý của các thành viên trong gia đình. Chỉ cần một người không đồng ý thì việc hiến tạng sẽ không thể thực hiện.
Trung tâm từng gặp không ít trường hợp dù cha mẹ người hiến mô tạng đã đồng ý hiến tạng, nhưng khi chuẩn bị thực hiện, một thành viên khác trong gia đình họ không đồng ý, khi đó bệnh viện không thể lấy tạng hiến. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nguồn tạng hiến từ người cho chết não tại Việt Nam còn hạn chế.
Để người đăng ký hiến mô tạng được hiến tặng mô, tạng của mình sau khi chết, chuyên gia cho rằng cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về hiến mô, tạng. Đội ngũ vận động phải là người có chuyên môn, đào tạo về tâm lý tốt để tư vấn, vận động sao cho gia đình người bệnh chết não hiểu được ý nghĩa của việc hiến tặng mô, tạng.
“Bệnh viện cần phải tổ chức đào tạo, tập huấn cho chính nhân viên y tế - những người sẽ là cầu nối giữa gia đình người bệnh đến với các cơ sở cấy ghép mô, tạng”, ông Hệ nêu ý kiến.
Các hoạt động về vận động hiến mô tạng rất quan trọng trong phát triển chuyên ngành ghép tạng, nhưng hiện chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động này. Chuyên gia đề xuất cần chính sách động viên cụ thể với tổ tư vấn hiến tặng mô, tạng. Việt Nam cũng cần cơ chế rõ ràng về tài chính để tri ân gia đình người chết não hiến tạng, cũng như hương hoa cho người hiến.
Ghép mô, tạng là phương pháp cuối cùng trong chữa bệnh, với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục được như suy thận mạn, gan, tim, tủy, hỏng giác mạc. Việc thực hiện thành công các ca ghép tạng từ người cho chết não mở ra cơ hội cho nhiều bệnh nhân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển ghép tạng của ngành y tế.
Các chuyên gia y tế cũng nhấn mạnh thông điệp, thay vì vùi nguồn sống vào lòng đất hay hỏa táng đốt đi, người dân cùng chung tay thay đổi nhận thức, dùng chính nguồn mô, tạng của mình và người thân sau chết, chết não để cứu người. Mỗi bộ phận cơ thể người được hiến là để một cuộc sống khác được hồi sinh. Điều đó còn ý nghĩa đối với gia đình người hiến tạng khi có thể nghe được tiếng đập của con tim, hơi thở hay ánh mắt của người thân để lại.
Bình luận