Theo South China Morning Post, có hai nguyên nhân khiến tình trạng lũ lụt diễn biến vô cùng phức tạp trong mùa mưa năm nay ở Trung Quốc: Đó là biến đổi khí hậu và các dự án phát triển đất đai làm thu hẹp các diện tích mặt nước.
Mùa hè năm nay, cuộc sống hàng chục triệu người trên khắp Trung Quốc đã bị đảo lộn bởi những cơn mưa xối xả gây ra lũ lụt và lở đất tại nhiều thành phố và làng xã.
Đây được coi là trận lụt tồi tệ nhất xảy ra ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Mưa lớn diễn ra trên 27/31 tỉnh kể từ tháng 6, theo Bộ Quản lý Khẩn cấp. Thiệt hại kinh tế cho tới này ước tính vào khoảng 86 tỷ nhân dân tệ (12,3 tỷ USD).
Lũ kỷ lục trong hàng thập kỷ
Những cơn lũ bắt đầu sớm nhất ở phía nam, tại khu tự trị của người Choang ở tỉnh Quảng Tây và tỉnh Quý Châu từ tháng 6. Mưa lớn cũng kéo dài tại nhiều vùng của đất nước, từ Giang Tây ở phía đông, An Huy ở phía đông nam và Hồ Bắc ở trung tâm. Cảnh báo lũ ở một số nơi được nâng lên mức cao nhất.
Theo Bộ Thuỷ lợi Trung Quốc, mực nước tại 433 con sông trên khắp đất nước đã vượt mức báo động kể từ tháng 6, trong đó có 33 con sông ghi nhận mức nước cao kỷ lục.
Tại một số khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất ở tỉnh Giang Tây, nhiều đoạn đê bị vỡ và nhà cửa bị phá huỷ, khiến người ta nhớ lại trận lũ lịch sử năm 1998 khiến hơn 3.000 người thiệt mạng và 15 triệu người mất nhà cửa.
Trung Quốc vẫn ghi nhận tình trạng lũ lụt vào mùa hè, nhưng sự kết hợp giữa biến đổi khí hậu và các hành động của con người được cho là đã góp phần làm thời gian mưa kéo dài hơn bình thường, cũng như mưa liên tục ở một số khu vực.
"Hệ thống áp suất cao cận nhiệt trên vùng biển tây bắc Thái Bình Dương hoạt động rất mạnh năm nay. Sự giao thoa của nó với khối khí lạnh tạo ra lượng mưa lớn liên tục trên lưu vực sông Trường Giang", ông Song Lianchun, nhà khí tượng học từ Trung tâm Khí hậu Quốc gia Trung Quốc, nhận định.
Ông Song cho rằng sự nóng lên toàn cầu đóng góp vào hình thái thời tiết cực đoan năm nay.
"Chúng ta không thể nói một sự kiện thời tiết cực đoan cụ thể được gây ra trực tiếp bởi biến đổi khí hậu, nhưng nhìn dài hạn, nóng lên toàn cầu dẫn tới sự gia tăng về tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan", ông Song nói.
Trong giai đoạn 1961 tới 2018, đã có một sự gia tăng của "những trận mưa cực lớn" tại Trung Quốc, theo Sách Xanh về Biến đổi Khí hậu mà nước này công bố năm 2019. Từ giữa những năm 1990, tần suất xảy ra những cơn mưa lớn đã tăng lên đáng kể.
Ông Song nói răng trong 60 năm qua, số ngày có mưa lớn đã tăng thêm 3,9% mỗi thập kỷ.
Bên cạnh lượng mưa gia tăng, các hành vi của con người cũng góp phần làm cho mưa lũ ở Trung Quốc thêm nghiêm trọng. Ông Fan Xiao, nhà địa chất từ Cục Địa chất và Khoáng sản Tứ Xuyên, cho biết nhiều thập kỷ san lấp và xây đập trên các con sông ở khu vực xung quanh đã khiến diện tích và thể tích của hồ Bà Dương - hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc tại tỉnh Giang Tây - giảm đáng kể.
Từ năm 1954 đến 1988, khoảng 1.300 km2 đất đã được cải tạo để sử dụng ở hồ Bà Dương, khiến diện tích mặt nước của hồ giảm từ 5.160 km2 xuống còn 3.860 km vuông, theo nghiên cứu nhà địa chất học David Shankman từ Đại học Alabama.
Những con đập trở nên vô dụng?
Kể từ khi nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949, đã có hai trận lụt lịch sử diễn ra. Lần đầu tiên vào mùa hè năm 1954 khi lũ lớn xảy ra dọc lưu vực sông Trường Giang, khiến hơn 30.000 người thiệt mạng và làm ảnh hưởng đến 18 triệu người.
Lần thứ 2 là trận đại hồng thuỷ 1998, không chỉ diễn ra dọc sông Trường Giang mà còn ở phía nam và phía bắc đất nước, khiến hơn 3.000 người thiệt mạng, 15 triệu người mất nhà cửa và thiệt hại kinh tế vào khoảng 24 tỷ USD.
Ông Song Lianchun, người đứng đầu Trung tâm Khí hậu Quốc gia, nói tình hình mưa lũ năm nay không nghiêm trọng bằng những gì xảy ra hồi năm 1998.
"Trận lụt năm 1998 có tác động đến toàn bộ lưu vực sông Trường Giang, nhưng mưa lớn năm nay phần lớn chỉ ảnh hưởng đến trung và hạ lưu của con sông, vì vậy diện tích bị lũ lụt là ít hơn", ông Song nói.
Sau thảm hoạ năm 1998, Bắc Kinh đã đẩy nhanh các dự án chống lũ. Trong 5 năm kể từ 1998, đầu tư của nhà nước vào các công trình thuỷ lợi nhiều hơn cả mức chi trong giai đoạn 1949-1999, theo ông Cheng Xiaotao, thành viên trong hội đồng chuyên gia của Uỷ ban Giảm nhẹ Thiên tai Quốc gia.
Ông Cheng cho biết các hồ chứa được xây dựng trên những con sông lớn của Trung Quốc sau năm 1998, bao gồm đập Tam Hiệp khổng lồ, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lũ cho vùng hạ lưu sông Trường Giang.
Tuy nhiên, các chuyên gia đã đặt câu hỏi về tính hiệu quả của những con đập khổng lồ trong việc kiểm soát lũ lụt trên con sông lớn nhất châu Á hay không. Ông Fan, nhà địa chất học từ Tứ Xuyên, cho rằng đập Tam Hiệp có thể ngăn chặn một phần lũ lụt ở thượng nguồn, nhưng nó chỉ có tác dụng hạn chế đối với việc kiểm soát lũ ở trung và hạ lưu sông Trường Giang.
Ông Peter Gleick, nhà nghiên cứu khí hậu thuỷ văn, thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, cho rằng một trong những bài học rút ra từ Tam Hiệp là không có con đập nào - dù lớn đến đâu - có thể ngăn chặn lũ lụt tồi tệ nhất xảy ra.
Nhưng ông Gleick cũng nói thêm rằng không thể kết luận lũ ở Trung Quốc sẽ giảm đi hoặc nghiêm trọng hơn nếu không có con đập.
"Điều quan trọng là những mối đe doạ ngày càng tăng của biến đổi khí hậu do con người gây ra sẽ làm tồi tệ hơn những sự kiện mưa lũ cực đoan, và điều đó sẽ làm cho đập Tam Hiệp không thể ngăn chặn những cơn lũ lớn nhất trong tương lai", ông Gleick cho hay.
Bình luận