Rau muống là giống cây thân thảo, mọc bò trên nước hoặc trên bùn đất. Rau muống chứa nhiều vitamin A, B, C, canxi, photpho cùng các chất dinh dưỡng khác, đặc biệt chứa hàm lượng sắt dồi dào.
Rau muống có thể chế biến thành các món luộc hoặc xào, nộm, canh, xuất hiện với tần suất cao trong mâm cơm hàng ngày của nhiều gia đình. Điều khiến một số người lo ngại là hiện tượng nước rau muống luộc có màu xanh đen, không biết liệu có phải rau kém an toàn hay không.
Vì sao nước rau muống luộc có màu xanh đen?
Nước rau muống chuyển màu xanh đen không có nghĩa là rau bị nhiễm hoá chất. Đây là hiện tượng bình thường do phản ứng của chất diệp lục với các ion kim loại trong nước dưới tác động của nhiệt độ. Hiện tượng này thường xảy ra khi ta luộc rau muống bằng nước có gốc kiềm như canxi, magie.
Để nói rõ về quá trình này, bạn cần biết rằng chất diệp lục chlorophyll có nhân Mg2+ khi bị tác động bởi nhiệt độ sẽ phản ứng với kiềm, axit và gây đổi màu. Nhân Mg2+ có thể được thay thế bằng các ion kim loại khác như nhôm, đồng, chì... trong loại nước gốc kiềm và tạo ra màu sẫm hơn.
Sau khi luộc rau muống, nếu bạn để nước luộc trong nồi quá lâu, các ion kim loại từ nồi nhôm và nồi inox có thể thay thế nhân Mg và khiến nước đổi màu xanh sẫm hoặc nâu đen.
Chất diệp lục khi phản ứng với axit (chẳng hạn khi bạn vắt chanh, dầm me, sấu vào nồi nước luộc rau muống) sẽ đổi sang màu vàng. Mọi người thường vắt chanh để nước rau sáng màu, ngon mắt hơn là vì vậy.
hoặc hơi đỏ sẽ biến đổi màu từ vàng đến hơi ngả đỏ nhẹ. Đó là lý do vì sao khi vắt chanh hoặc dầm sấu vào nước rau muống luộc lại thấy hiện tượng đổi màu thành nước trong, hanh vàng nhẹ.
Những lợi ích sức khoẻ của rau muống
Rau muống là một món ăn quen thuộc, được nhiều người lựa chọn trong bữa ăn hàng ngày. Bài đăng trên website của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã chỉ ra những lợi ích sức khoẻ khi ăn rau muống:
- Hỗ trợ điều trị thiếu máu: Loại rau này có hàm lượng sắt dồi dào nên nếu được dùng đúng cách và hợp lý sẽ hỗ trợ điều trị bệnh thiếu máu, giúp phụ nữ mang thai bổ sung đầy đủ chất sắt.
- Bảo vệ sức khoẻ tim mạch: Rau muống giàu vitamin A, C và beta-carotene, những chất chống oxy hoá này giúp giảm mức cholesterol toàn phần, hạn chế hình thành các mảng lipid lắng đọng gây xơ vữa động mạch vành, từ đó giảm nguy cơ hình thành các cơn đau tim, đột quỵ. Ngoài ra, rau muống còn chứa magie có tác dụng giảm huyết áp và bảo vệ sức khoẻ tim mạch.
- Ngăn ngừa ung thư: Việc ăn rau muống đúng và đủ lượng sẽ giúp cơ thể bạn hấp thụ đến 13 chất chống oxy hoá, từ đó giúp ngăn ngừa các yếu tố gây ung thư trực tràng, ung thư dạ dày, ung thư vú...
- Điều trị bệnh vàng da và các vấn đề về gan. Các chiết xuất dịch rau muống có công dụng hỗ trợ bảo vệ gan khỏi các tổn thương do hoá chất gây ra.
- Giúp mắt sáng khỏe: Rau muống có hàm lượng cao vitamin A và lutein - những dưỡng chất có lợi cho mắt, ngăn ngừa bệnh đục thủy tinh thể.
- Chống lão hoá và trẻ hoá da: Trong rau muống giàu chất oxy hoá giúp ngăn chặn sự tổn thương tế bào do các gốc tự do gây ra; từ đó tăng cường khả năng chống lại ảnh hưởng đối với da, giúp ngăn ngừa và đẩy lùi dấu hiệu loã hoá.
Những lưu ý khi ăn rau muống
Mặc dù rau muống đem lại nhiều lợi ích sức khoẻ nhưng khi ăn loại thực phẩm này, bạn vẫn cần lưu ý một số điều sau đây:
- Nấu rau muống chín kỹ: Rau muống có nhiều ký sinh trùng như sán lá ruột nên khi dùng, bạn cần ngâm rửa thật kỹ và nấu chín để tiêu diệt hết các ký sinh trùng gây bệnh cho cơ thể. Trước khi chế biến rau muống, bạn nên ngâm nó với nước muối loãng khoảng 30 phút rồi rửa sạch lại với nước và tiến hành nấu.
- Những người có thể trạng yếu, có vết thương hở không nên ăn rau muống.
- Nên ăn rau muống với lượng vừa phải, không quá 300gr/ngày.
Bình luận