• Zalo

Vì sao những người lính hy sinh nằm dưới biển sâu Gạc Ma chưa về được đất mẹ?

Thời sựThứ Hai, 16/03/2015 12:47:00 +07:00Google News

Những cựu binh sống sót sau sự kiện Trung Quốc xâm lược đảo của Việt Nam ngày 14/3/1988 nói về những vong hồn đồng đội của họ còn nằm đâu đó ở Gạc Ma.

(VTC News) – Những cựu binh sống sót sau sự kiện Trung Quốc xâm lược đảo của Việt Nam ngày 14/3/1988 nói về những vong hồn đồng đội của họ còn nằm đâu đó ở Gạc Ma. 

27 năm đã qua đi sau sự kiện mãi mãi khắc ghi trong lòng người Việt qua hình ảnh ‘vòng tròn bất tử Gạc Ma’, mỗi người một số phận, một cuộc sống riêng nhưng từ sâu trong tâm trí họ, ký ức Hải chiến Trường Sa 1988 vẫn luôn hiện hữu.
Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên trận hải chiến Gạc Ma 14/3/1988 do Trung Quốc gây ra. (Ảnh Tuổi Trẻ) 
Có một điều khiến cho những người cựu binh ấy vẫn luôn khắc khoải, đó là ngoài những thương binh, tử sĩ…đã được tàu HQ-505 cứu, vớt trên biển, vẫn còn nhiều đồng đội của mình giờ vẫn đâu đó ở lòng biển phía Gạc Ma đang bị Trung Quốc chiếm đóng. 

Anh hùng Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng tàu HQ-505 kể lại thời điểm quân Trung Quốc nã đạn vào tàu HQ-604. Chỉ thoáng chốc, tàu HQ-604 bốc cháy như một bó đuốc, từ từ chìm sâu xuống biển. 

Video: Gạc Ma - Nỗi đau không bao giờ quên

Ông cùng đồng đội đưa thuyền nhỏ mở hết tốc lực hướng về phía Gạc Ma. Tuy nhiên, họ chỉ cứu được 45 đồng đội. Còn bao nhiêu người nằm lại ở Gạc Ma? 

Nhớ lại thời điểm ấy, cựu binh Phạm Văn Cương, y sĩ tàu HQ-505, kể lại với giọng đầy khắc khoải: “Đưa về tàu HQ-505, có anh em thì cụt chân, có anh em thì cụt tay, có người thì hy sinh rồi. Thực sự lúc ấy chúng tôi đau xót. Lúc đó, cái sự căm phẫn nhân lên gấp nghìn lần nữa. Đau xót!”. 

“Sau đó, được sự động viên của Quân chủng Hải quân, động viên của đất liền, chúng tôi củng cố lại lực lượng, sốc lại lại tinh thần anh em. Cũng có những người đau xót quá, căm phẫn quá, không nói được gì nữa, lả đi vì đói vì mệt, vì cái cảm giác căm phẫn nó dâng trào lên đến tột cùng”.

 

Vừa rồi tôi được đi thăm lại Trường Sa, tôi thấy Hải quân mình lớn mạnh, tinh thần các cán bộ chiến sĩ cũng rất phấn khởi. Các chiến sĩ có bảo với tôi, các bác cứ yên tâm, dù có phải hy sinh hết tất cả, chúng cháu cũng quyết tâm giữ bằng được quần đảo Trường Sa, mảnh đất thiêng liêng của tổ quốc mình. 
Anh hùng Vũ Huy Lễ
 
Năm 2008, tàu Thành Công 07 của ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) phát hiện một xác tàu chìm ở độ sâu hơn hai chục mét ở gần cụm đảo Cô Lin, Gạc Ma. 

Lặn xuống, họ nhận định đó là tàu quân sự, và vớt được một số hiện vật như súng đạn B41, cuốc chim, dép nhựa trắng Tiền Phong, số hiệu quân tư trang… cùng một số mảnh xương vụn khác. 

Những hiện vật  đã chứng tỏ đó chính là  tàu HQ-604 do thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy, đã bị chìm ngày 14/3/1988, bởi thủ đoạn ‘đánh trộm’ của quân Trung Quốc.

Các ngư dân đã gom những di cốt các chiến sĩ lại vào những bao tải để tìm cách chuyển về đất liền. Tuy nhiên, do vị trí tàu đắm quá gần với đảo Gạc Ma, quân Trung Quốc đã bắn pháo hiệu xua đuổi và cho tàu hộ vệ tên lửa uy hiếp.
Một bao tải chưa kịp đưa lên bờ, và rất nhiều di cốt khác chưa gom lại được, nằm đâu đó trong các góc khoang tàu HQ-604.
Qua những câu chuyện của các nhân chứng, những hiện vật lịch sử, qua xét nghiệm AND, danh tính 8 liệt sĩ đã được xác định, quê hương đón các anh trở về. 
Những di vật hiếm hoi được trục vớt đang được lưu giữ tại Phòng truyền thông Lữ đoàn Hải quân 125. Tháng 2/2009, Bộ Tư lệnh Hải quân có công văn gửi Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao cung cấp thông tin, đề nghị đàm phán với phía Trung Quốc để tiếp tục tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên tàu HQ-604. 
Tàu HQ-505 anh hùng đã ủi bãi sau khi bị Trung Quốc bắn cháy, thành công giữ được đảo Cô Lin của Việt Nam - Ảnh tư liệu 
Thế nhưng, những nỗ lực vì mục đích nhân đạo của Việt Nam đến nay vẫn chưa thể thực hiện. 27 năm đã trôi qua, xương máu, anh linh những người lính Hải quân Việt Nam vẫn còn đâu đó dưới lòng biển Gạc Ma. 
Những người lính hải quân quả cảm tham gia sự kiện tháng 3 năm đó ở Trường Sa nói với VTC News rằng họ luôn mong mỏi nhìn thấy những người đồng đội của mình được trở về với đất mẹ - mảnh đất mà họ đã không tiếc máu xương, hy sinh tuổi thanh xuân để bảo vệ chủ quyền.  
Anh hùng Vũ Huy Lễ vẫn đau đáu: “Tàu HQ-604 chìm, nhưng quân Trung Quốc không cho mình đến để trục vớt, tôi luôn mong Nhà nước có tiếng nói để hoàn thành tâm nguyện của anh em chiến sĩ Hải quân chúng tôi, cũng như là của nhân dân Việt Nam”.

Video: Chiến công giữ đảo Cô Lin của tàu anh hùng HQ-505

Trả lời phỏng vấn VTC News về số phận tàu HQ-604, Thiếu tướng Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, cho biết, từ đó đến nay, mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng chúng ta không tiếp cận được HQ-604 thêm lần nào vì xác tàu nằm gần khu vực Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép.

Theo tướng Lương, Bộ Quốc phòng đã nhiều lần có ý kiến với phía Trung Quốc, thế nhưng đến nay Bắc Kinh vẫn im lặng trước yêu cầu tìm cách trục vớt các xác tàu và hài cốt chiến sỹ của chúng ta.

Năm 1988, Trung Quốc bất ngờ tấn công hòng chiếm một số đảo ở Trường Sa tháng 3/1988, trong hoàn cảnh Việt Nam đang phải căng mình trấn thủ ở biên giới phía Bắc và giúp đỡ Campuchia.
Tàu HQ-604 của Việt Nam trước khi bị Trung Quốc xả súng bắn chìm ở Gạc Ma - Ảnh trên truyền thông Trung Quốc 
Sáng 14/3/1988, tàu chiến hiện đại Trung Quốc nã đạn dã man vào hai chiếc tàu vận tải chở công binh HQ-604, HQ-605 của Việt Nam đang đóng giữ ở Gạc Ma và Len Đao. Chiếc HQ-505 còn lại lao lên bãi cạn, trở thành công sự thép trấn giữ được đảo Cô Lin.

Các chiến sĩ trên tàu HQ-605 kịp thời đóng giữ được đảo Len Đao. Còn tại Gạc Ma, người Việt Nam sẽ không bao giờ quên được hình ảnh anh hùng của các chiến sĩ nắm tay tạo thành vòng tròn bất tử, thà chết chứ không chịu đầu hàng quân Trung Quốc. 

Thuyền trưởng, anh hùng Vũ Phi Trừ hi sinh theo tàu HQ-604, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ của tàu HQ-505 tiếp tục theo lực lượng hải quân và được phong anh hùng. 

Thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn của tàu HQ-605 bị thương nặng, phải vào bờ điều trị hai năm. Sau đó, ông Sơn chuyển ngành, trở về quê hương ở Thanh Hóa.
“Những chàng trai chân đất đầu trần một đời trung nghĩa, sống ngoan cường bất khuất trước bão giông. Người tử sỹ năm nào đã đi vào lòng biển, tấm thân gầy tuẫn tiết nợ nước non. Lính Trường Sa vượt thử thách gian nan, không quản ngại hy sinh xương máu. Anh ra đi và tạc vào biển mẹ, những dòng chữ vàng son, giữ cơ đồ ngàn năm tiên tổ....

Người chiến sĩ Trường Sa cảm tử, noi gương anh giữ vững ngọn cờ, trong giờ phút hiểm nguy, ngăn tàu địch ngông cuồng xông tới. Căng lồng ngực máu trào nóng hổi, anh ra đi trong tư thế hiên ngang. Trừng mắt trước kẻ thù lòng hướng tới giang san, anh ngã xuống mà mắt rơi dòng lệ đỏ. Những cái tên anh Phương, anh Thông, anh Đệ, anh Hoành... dũng cảm quên mình, cùng 60 CBCS đã đi vào lịch sử....” (trích nội dung tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma trong buổi họp mặt truyền thống tàu HQ-505 tại Hải Phòng ngày 14/3/2015)

Hải Minh – Minh Khang – Tùng Đinh
Bình luận
vtcnews.vn