Trả lời câu hỏi này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho rằng, tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp. Doanh nghiệp và người dân đình trệ sản xuất kinh doanh, sẽ gây ảnh hưởng tình hình tài chính của tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, ngân hàng cũng là trung gian tài chính, nhận tiền gửi và cho vay lại. Khi khách không có nguồn thu thì ảnh hưởng tình hình trả nợ, làm gia tăng nợ xấu.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, nhiệm vụ của của các tổ chức tín dụng là vừa giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, vừa đảm bảo hoạt động của bản thân mình. Do đó, việc hạ chuẩn cho vay khiến tổ chức tín dụng đối mặt nguy cơ bất ổn trở lại như trước đây.
“Hệ thống ngân hàng bị ảnh hưởng sẽ gây hệ lụy cho nền kinh tế và ổn kinh tế vĩ mô”, bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Dẫn đề xuất phương án hạ chuẩn cho vay bằng việc thúc đẩy bảo lãnh của Chính phủ của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, Phó Thống đốc NHNN cho biết, những đề xuất này sẽ được Chính phủ xem xét.
Cũng tại cuộc họp báo Chính phủ Thường kỳ chiều nay, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam chưa thể mở hoàn toàn như trước đây.
Theo ông Trần Quốc Phương, hiện dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại trên 200 nước. Đánh giá của đại diện Bộ KH&ĐT cũng cho biết, trạng thái bình thường mới sẽ được cân nhắc trong xây dựng kịch bản phát triển kinh tế khi COVID-19 vẫn còn tồn tại. Các chính sách đề ra phải đạt được 2 mục tiêu, vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nêu ví dụ chính sách vận tải hàng không mới mở nội địa, nếu mở các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam phải thực hiện quy định về cách ly. Việc đảm bảo an toàn này lại hạn chế kinh doanh hàng không, khiến ngành này chưa thể nhộn nhịp như trước đây.
"Trong tương lai khi dịch kết thúc trên thế giới, Chính phủ sẽ tiến hành các chính sách đón đầu cơ hội', theo đại diện Bộ KH&ĐT.
Bình luận