• Zalo

Quý I/2020, hàng loạt ngân hàng sụt giảm lợi nhuận

Tài chínhChủ Nhật, 03/05/2020 12:57:42 +07:00Google News
(VTC News) -

Báo cáo tài chính quý I/2020 của các ngân hàng Việt Nam cho thấy, lợi nhuận thấp hơn so với 2-3 năm trước.

Tình trạng sụt giảm lợi nhuận của các ngân hàng hầu hết đều do tăng trưởng thu nhập lãi thuần chậm vì giảm lãi suất, tăng trưởng tín dụng thấp và tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro.

Tổng lợi nhuận trước thuế của những ngân hàng này đạt gần 29.000 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2020, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng mức tăng trưởng này lại thấp hơn so với 2-3 năm trước.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 vừa được Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) công bố, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng sụt giảm 11,14% so với cùng kỳ, chỉ đạt 5.222 tỷ đồng.

Quý I/2020, hàng loạt ngân hàng sụt giảm lợi nhuận - 1

Lợi nhuận ngân hàng quý 1 năm 2020 sụt giảm do tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro.

Trong khi đó, nợ quá hạn tính đến 31/3/2020 tại Vietcombank đã vượt 11.250 tỷ đồng, tăng 2.886 tỷ đồng, tương đương 34,5% so với cuối năm 2019.

Trong bảng cơ cấu nợ, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) có tốc độ tăng mạnh nhất 2.498 tỷ đồng, lên gần 5.059 tỷ đồng, tức gần 97,6%. Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) giảm nhẹ từ gần 4.530 tỷ đồng xuống hơn 4.450 tỷ đồng.

Vietcombank cũng mạnh tay tăng dự phòng rủi ro cho vay khách hàng đến gần 40% so với thời điểm ngày 31/12/2019, từ hơn 10.416 tỷ đồng lên 14.548 tỷ đồng.

Tổng thu nhập hoạt động quý I của ngân hàng này chỉ tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ, đạt hơn 12.200 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng 12% lên 4.910 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh 43%, lên 2.152 tỷ đồng. Đây là những nguyên nhân chính kéo lùi lợi nhuận của ngân hàng trong quý I đầu năm.

Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), lợi nhuận trước thuế quý I/2020 sụt giảm 7% so với cùng kỳ, đạt 988 tỷ đồng, rời mốc lợi nhuận nghìn tỷ. Sau khi trừ thuế, lợi nhuận Sacombank trong quý này còn lại 785 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, lợi nhuận ngân hàng sụt giảm chủ yếu do lãi từ hoạt động khác giảm mạnh trong khi chi phí hoạt động lại tăng.

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2020, Sacombank  thu nhập lãi thuần đạt gần 2.840 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2019, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 12,3%, đạt 721 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 106%, đạt 233 tỷ đồng.

Sụt giảm mạnh đến 76,6% so với cùng kỳ, lãi từ hoạt động khác của ngân hàng này chỉ đạt 71 tỷ đồng. Trong quý I/2019, nguồn thu từ hoạt động khác chủ yếu đến từ việc xử lý nợ xấu.

Phân tích cho thấy, trong khi tổng thu nhập hoạt động quý I chỉ đạt 3.882 tỷ đồng, tăng 9,72%, thì chi phí hoạt động của Sacombank đã chiếm tới 2.477 tỷ đồng, tăng tới 20,84% so với cùng kỳ.

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý I của Sacombank giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ, xuống 417 tỷ đồng. Nợ xấu tính đến 31/3/2020 ở mức 6.045 tỷ đồng, tăng hơn 313 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay cũng tăng từ 1,94% lên 1,97%.

Trong bảng phân tích chất lượng nợ cho vay, nợ nhóm 2 của Sacombank tăng gần gấp đôi so với đầu năm, từ mức 826 lên 1.501 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính của VietinBank cho thấy, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong kỳ tăng mạnh tới trên 35,5%, từ 3.241 tỷ đồng lên 4.392 tỷ đồng.

Quý I/2020, hàng loạt ngân hàng sụt giảm lợi nhuận - 2

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong kỳ I/2020 của Vietinbank tăng mạnh tới trên 35,5%, từ 3.241 tỷ đồng lên 4.392 tỷ đồng.

MBBank chi phí trích lập dự phòng tăng vọt tới 117%, từ 964 tỷ đồng trong quý 1/2019 lên 2.092 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2020.

Dù sụt giảm lợi nhuận tuy nhiên top 10 ngân hàng có lãi cao nhất trong quý I/2020 vẫn là những cái tên quen thuộc, gồm: Vietcombank (báo lãi trước thuế riêng lẻ trong quý 1 năm nay đạt 5.119 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái), Techcombank (lợi nhuận trước thuế đạt 3.121 tỷ đồng), VietinBank (lợi nhuận trước thuế đạt 2.974,4 tỷ đồng, giảm 5,7% so với 3 tháng đầu năm 2019), VPBank (lợi nhuận trước trích lập đạt 4.288,2 tỷ đồng), ACB, BIDV (báo lãi trước thuế quý 1 ở mức 1.811 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ), HDBank (lợi nhuận trước thuế đạt 1.251 tỷ đồng).

Giới chuyên gia cho rằng, động thái mạnh tay trích lập chi phí dự phòng rủi ro khiến bảng xếp hạng về lợi nhuận ngân hàng có sự xáo trộn lớn. Đánh giá cũng cho thấy, nợ xấu của nhiều ngân hàng lại phình to.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong quý 1/2020 chưa bị tác động mạnh bởi COVID-19. Theo đó, lợi nhuận của các ngân hàng bị sụt giảm chủ yếu do các doanh nghiệp này chủ động tăng trích lập dự phòng rủi ro. Đây là giải pháp nhằm tăng nguồn lực đối phó với nguy cơ nợ xấu có thể phát sinh sau dịch COVID-19.

Tại hội nghị trực tuyến ngành ngân hàng mới đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, các ngân hàng đã tiến hành cho vay, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ với dư nợ gần 63 nghìn tỷ đồng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ với dư nợ hơn 12 nghìn tỷ đồng. Quy mô này dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng trong quý 2, khi Thông tư 01 thực sự đi vào thực tiễn (có hiệu lực từ 13/3).

Lãi suất tiết kiệm online bất ngờ tăng cao tới 8,76%/năm

Nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm online hơn lãi suất huy động tại quầy phổ biến từ 0,3-0,6%, thậm chí tới 1,1-1,2%. Hiện lãi suất gửi tiền online cao nhất thuộc về Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), với mức 8,76% ở kỳ hạn 18 tháng.

Theo bảng lãi suất huy động tiền đồng ở thời điểm ngày 2/5/2020, mặt bằng lãi suất tiết kiệm online ở các ngân hàng thương mại đang cao hơn từ 0,3-1,2 điểm % so với lãi suất huy động tại quầy cùng kỳ hạn.

Với kỳ hạn 6 tháng khi gửi tiền tiết kiệm online, mức lãi suất có sự chênh lệch đáng kể giữa các ngân hàng, dao động từ 5,1-8,3%.

Linh Phi
Bình luận
vtcnews.vn