• Zalo

Vì sao món cà bung của miền Bắc luôn có mẻ và mắm tôm?

Gia đìnhThứ Hai, 02/09/2024 11:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Mặc dù có nhiều cách chế biến món cà bung nhưng mẻ và mắm tôm luôn là nguyên liệu không thể thiếu trong món cà bung của miền Bắc.

Mỗi vùng miền thường có những nét  riêng trong việc sử dụng nguyên liệu và gia vị, điều này tạo nên sự đa dạng về ẩm thực, một món ăn có nhiều cách nấu với công thức khác nhau, đem lại nét khác biệt tinh tế.

Món cà bung ở miền Bắc luôn có mẻ và mắm tôm

Món cà bung của miền Bắc có hai thành phần đặc biệt không thể thiếu là mẻ và mắm tôm. Hai loại gia vị này giúp món ăn có hương vị hấp dẫn với sự cân bằng giữa các vị chua, ngọt, và mặn, đồng thời phản ánh sự tinh tế và nghệ thuật sử dụng gia vị trong ẩm thực của người miền Bắc.

Vị chua của mẻ giúp cân bằng các hương vị khác trong món ăn, làm tăng sự hấp dẫn và làm giảm cảm giác ngán khi ăn. Mẻ cũng giúp làm mềm thịt và các nguyên liệu khác.

Việc sử dụng mắm tôm trong cà bung giúp món ăn dậy mùi hơn. Mắm tôm không chỉ làm tăng hương vị mà còn giúp món cà bung của người miền Bắc có phong cách đặc biệt ấn tượng. Món cà bung ở miền bắc luôn có mẻ và mắm tôm nên rất đa dạng về hương vị, lại đảm bảo sự cân bằng và hài hòa, không quá ngọt cũng không quá mặn, không nhạt nhòa nhưng không quá gắt.

Vì sao món cà bung của miền bắc luôn có mẻ và mắm tôm? (Ảnh: Beezzly)

Vì sao món cà bung của miền bắc luôn có mẻ và mắm tôm? (Ảnh: Beezzly)

Cách nấu món cà bung theo kiểu miền Bắc

Nguyên liệu bạn cần chuẩn bị:

- 3 quả cà tím

- 2 bìa đậu phụ

- 300gr thịt ba chỉ

- 1 thìa mẻ

- 1 thìa mắm tôm

- 1 củ nghệ, hành tím, tỏi

- Hành lá, lá lốt, tía tô, hạt nêm, muối, đường.

Trước tiên, bạn cắt cà thành những miếng vừa ăn, ngâm nước muối loãng trong khoảng 15-20 phút để ra bớt nhựa rồi vớt ra rửa sạch, để ráo. 

Thịt ba chỉ rửa sạch, thái con chì, để ráo rồi đem chiên hoặc đảo qua cho hơi vàng mặt. Đậu phụ cắt miếng vuông nhỏ, rán vàng già hai mặt (không nên rán mềm quá vì lúc nấu sẽ nát đậu).

Hành lá, tía tô, lá lốt thái nhỏ. Nghệ xay cùng với mẻ. Hành, tỏi đập dập, băm nhỏ. Mắm tôm lọc lấy nước.

Bạn bắc nồi lên bếp, phi thơm hành tỏi băm rồi cho thịt ba chỉ vào xào, nêm một chút nước mắm rồi cho 1 bát nước lọc vào om nhừ. Cho đậu phụ và cà tím vào đảo nhẹ tay. Tiếp đến, bạn thêm 1 thìa hạt nêm, nước nắm tôm đã chuẩn bị cùng phần nước mẻ xay với nghệ đã lọc sẵn sao cho nước có vị chua nhẹ. Đảo đều và nêm nếm cho vừa miệng, thêm chút đường cho mềm vị.

Cuối cùng, bạn thêm nước sôi xâm xấp hoặc nước hầm xương vào nồi cà, ninh cho cà mềm, khi cà chín thì cho rau tía tô, hành lá, lá lốt đảo đều, tắt bếp, múc ra bát và ăn nóng. Món này ăn cùng cơm trắng hay bún đều ngon.

Những người không nên ăn cà tím

Theo các chuyên gia Đông y, người mắc bệnh dạ dày cần lưu ý khi ăn cà tím bởi cà tím tính hàn, ăn nhiều dễ làm cho dạ dày cảm thấy khó chịu, có thể gây tiêu chảy.

Bên cạnh đó, những người yếu mệt hoặc bị thấp khớp, đau nhức khi trời lạnh không nên ăn cà tím nhiều và thường xuyên, đặc biệt là cà tím chiên rán vì chứa quá nhiều dầu, có thể gây viêm tấy…

Người bị hen suyễn, mắc bệnh thận cũng không nên ăn cà tím bởi loại quả này chứa nhiều oxalate - loại axit trong thực vật mà nếu ăn quá nhiều sẽ dễ gây sỏi thận.

Khi chế biến cà tím, không nên phối hợp với thức ăn lạnh khác mà còn nên thêm vài ba lát gừng để giảm tính lạnh. Về cuối thu sang đông, quả cà có vị hơi chát, đắng nên thiên về tính hàn, những người có thể chất hư hàn tránh ăn nhiều, nhất là người đang hay đi ngoài lỏng.

NGUYỆT ÁNH(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn