Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, từ năm 2018 đến nay, tại Hà Nội ghi nhận có gần 2.800 sản phẩm cao cấp được giao dịch thành công, còn tại TP.HCM là hơn 12.000 sản phẩm. Riêng năm 2019, Hà Nội có 1.597 sản phẩm cao cấp giao dịch thành công, TP.HCM là gần 5.000 sản phẩm.
Gần đây, nguồn cung sản phẩm bất động sản giảm mạnh, trong đó sản phẩm hạng sang cũng không ngoại lệ, tuy nhiên lượng giao dịch thành công lại đạt 81%, chiếm 25% tổng lượng hàng bất động sản trên thị trường. Điều đó cho thấy nhu cầu bất động sản cao cấp vẫn còn rất lớn.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, các đây 10 năm, các nhà phát triển bất động sản phát triển sản phẩm cao cấp nhưng chưa chú trọng đến đúng tiêu chí của cao cấp nên lượng tồn khá lớn. Từ sau năm 2014, khi thị trường bất động sản phục hồi, một số nhà đầu tư tập trung vào phân khúc bất động sản hạng sang nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau.
Ông Võ lý giải vì sao các nhà phát triển bất động sản Việt Nam thích đầu tư vào phân khúc hạng sang: "Hiện nay, việc tiếp cận đất đai khó, nên đầu tư sao cho mật độ vốn đầu tư trên một mét vuông đất càng cao càng có lợi. Bên cạnh đó, một dự án đầu tư có vốn đầu tư lớn luôn có lợi nhuận kỳ vọng cao hơn. Ngoài ra, nguồn cầu hiện nay có thể còn thấp nhưng sẽ tăng mạnh trong tương lai cùng với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ngày càng cao".
Cùng quan điểm, ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), dẫn số liệu trong báo cáo của Knight Frank cho biết, Việt Nam hiện đang có 12.327 triệu phú USD vào năm 2018, tăng 23% so với cách đây 5 năm. Dự báo đến năm 2023, số lượng triệu phú USD của Việt Nam sẽ tăng lên 15.776 người. Nhu cầu và sự sẵn sàng chi trả của tầng lớp này ngày càng cao, đặc biệt là với chốn an cư. Đây chính là nguồn cầu cho sản phẩm bất động sản hạng sang tăng mạnh trong tương lai.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cầu của phân khúc cao cấp ngày càng lớn, bởi một chuyên gia của Singapore đã dự đoán đất ở Hà Nội và TP.HCM thời gian tới sẽ đắt hơn ở Singapore. Nguyên nhân là diện tích Singapore nhỏ bé, không có dân nhập cư, trong khi người nhập cư tại các thành phố lớn của Việt Nam đến từ các tỉnh trong cả nước ngày một nhiều. Đặc biệt là những trường hợp người nhập cư ở các tỉnh có quá nhiều tiền, "không sống được" ở các tỉnh nên phải về Hà Nội và TP.HCM.
GS. Đặng Hùng Võ nhìn nhận Việt Nam có nhiều cơ hội về bất động sản hạng sang. Thứ nhất, đời sống của người dân ngày một cao, nên chỗ ở cũng đòi hỏi cao và ngày càng tăng dẫn đến nhu cầu ngày càng tăng về nhà ở hạng sang.
Thứ hai là dòng vốn FDI và lượng người nước ngoài có thu nhập cao tới làm việc ở Việt Nam ngày càng nhiều. Trong tương lai gần, 2 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là CPTPP và EVFTA sẽ đưa nhiều doanh nghiệp lớn từ châu Âu và châu Mỹ tới Việt Nam. Hầu hết lao động nước ngoài có thu nhập cao nên họ có yêu cầu về các BĐS nhà ở hạng sang theo chuẩn quốc tế.
Thứ ba là chủ trương phát triển gắn với hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã trở nên ngày càng chuyên nghiệp, thành hướng đi của cộng đồng doanh nghiệp. Quá trình này đã tạo cho Việt Nam rất nhiều tập đoàn đầu tư đủ sức cạnh tranh quốc tế. Môi trường đầu tư cũng được cải thiện nhiều, thủ tục thuận tiện hơn, chính sách phát triển thị trường tài chính hiệu quả hơn.
“Cả ba cơ hội trên tạo nên một tổng thể có tính chuyên nghiệp cao để phát triển phân khúc BĐS hạng sang. Lúc này, rất cần tính chuyên nghiệp của thị trường BĐS, của nhà đầu tư dự án, của thị trường vốn và của pháp luật đất đai... Khi thiếu tính chuyên nghiệp thì chúng ta sẽ bỏ lỡ thời cơ”, ông Võ nói.
Bình luận