• Zalo

Vị Đại tướng và đội quân bí ẩn trong rừng già

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 05/10/2013 06:45:00 +07:00Google News

(VTC News) – Người cầm gậy vạch dưới nền đất, có đôi mắt hiền từ, nụ cười tươi đầy ấm áp chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

(VTC News) – Người cầm gậy vạch dưới nền đất, có đôi mắt hiền từ, nụ cười tươi đầy ấm áp chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Kỳ 1: Vị Đại tướng và đội quân bí ẩn

Ở Sơn La, có một cánh rừng rậm rạp, thâm u, hàng ngàn năm qua chẳng có bóng người, là nơi gấu ẩn, hổ rình. Thế nhưng, cách đây khoảng chục năm, cánh rừng giữa dãy núi trùng điệp ấy, bỗng có một người đàn ông dựng nhà trú ngụ.

Người đàn ông ấy làm một công việc kỳ lạ, ấy là tình nguyện trông giữ khoảnh rừng, và kể những câu chuyện bí ẩn về một vị Tướng, đã dừng chân ở cánh rừng ấy, để rồi làm nên một điều kỳ diệu mang tên Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

Chạy dọc Quốc lộ 37, từ Tân Sơn (Phú Thọ) đến tận Phù Yên (Sơn La), xuyên qua những dãy núi trơ trọi đá. Thi thoảng là những mảng màu xanh của ngô, sắn, hay những vạt núi cỏ dại, rừng tái sinh.

Nhưng đến vùng đất cuối cùng của huyện Phù Yên, thuộc địa phận xã Gia Phù, thì Quốc lộ 37 dốc dác dường như mất hút trong cánh rừng già rậm rạp, u tối và mát lạnh.

Đầu con dốc có tấm biển sắt ghi dòng chữ: “Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Vùng núi phía Bắc có vô số cánh rừng, với những cái tên đậm chất huyền thoại xa xăm, nhưng cánh rừng mang tên vị Đại tướng, niềm tự hào của dân tộc, quả thực rất lạ.

Võ Nguyên Giáp
Tấm biển chỉ dẫn vào khu rừng mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp 
Nhiều người tò mò về một khu rừng rậm, mang tên vị Đại tướng tài ba của dân tộc, muốn tìm hiểu, đều gõ cửa ngôi nhà gỗ nhỏ xíu, lấp ló sau tán rừng, để hỏi thăm. Ngôi nhà nằm bên mép suối Bùa thi thoảng mới mở cửa, bởi chủ nhân ngày ngày đi tuần trong cánh rừng rậm rạp ấy.

Tôi lang thang dọc con suối nước chảy róc rách, trong veo, đến chiều tà, thì gặp một người đàn ông trung tuổi lội suối từ rừng ra.

Ông là Đinh Quyết Tiến, người Mường, quê ở xã Gia Phù. Ông bảo, chỉ có mỗi mình ông ở đại ngàn này, nên ngoài ông ra, chẳng còn ai để mà hỏi.

Theo lời ông Tiến, cách đây khoảng 15 năm, khi ông còn là Chủ tịch UBND xã Gia Phù, có một đoàn gồm các nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử từ Hà Nội lên Gia Phù gặp các cán bộ xã.

Các nhà nghiên cứu đã ở Gia Phù nhiều ngày tìm hiểu Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến dịch Điện Biên Phủ, nghe nói là khảo sát lại tuyến đường vận chuyển quân lương, vũ khí lên Điện Biên Phủ.

Từ ngày còn nhỏ xíu, ông Tiến đã được bố mẹ, các cụ già trong bản kể cho nghe nhiều chuyện như thể huyền thoại về Bác Hồ, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhiều cụ già trong vùng đều khẳng định rằng đã được tận mắt Đại tướng, khi ông hành quân, nghỉ chân trong những cánh rừng thuộc xã Gia Phù, để chuẩn bị cho trận chiến Điện Biên Phủ.
Võ Nguyên Giáp
Ông Tiến vào rừng dựng nhà để trông nom, bảo vệ khu rừng mang tên Đại tướng 
Võ Nguyên Giáp
Ông Tiến dẫn phóng viên đi tìm nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng bộ đội trú ẩn trong rừng bản Nhọt 
Tò mò về vị Đại tướng nổi danh ấy, ông Tiến đã giao lại công việc cho cấp dưới, đích thân dẫn các nhà nghiên cứu đi tìm hiểu nhiều ngày, vừa giúp đỡ các nhà nghiên cứu, vừa là để hiểu hơn về vị Đại tướng bí ẩn Võ Nguyên Giáp.

Trong số rất nhiều nhân chứng, là các cụ già đã ở tuổi gần đất xa trời, có vụ Hoàng Văn Ưu, sống ở bản Nà Khằm, là người nắm được nhiều chuyện nhất về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cánh rừng bản Nhọt.

Ông Hoàng Văn Ưu kể rằng, một ngày, vào năm 1953, khi mới 16 tuổi, Ưu vác nỏ vào rừng săn bắn. Cánh rừng bản Nhọt mênh mông, rậm rạp, vô số thú dữ, đặc biệt là lợn lòi, gấu ngựa, báo đá. Lần nào vác nỏ vào rừng, đem bẫy rải bên mép suối, cũng kiếm được vài con thú hoang.

Thấy những bụi cây phía trước động đậy, Ưu nép vào hốc cây rồi kéo tên giương nỏ. Thế nhưng, nhìn kỹ lại thì không phải thú rừng, mà toàn… bộ đội.

Bò lại gần, thấy ai nấy với súng ống tua tủa, đeo lá ngụy trang, nằm im trong những bụi cây, hốc đá. Hoảng quá, Ưu tính đường tháo chạy, thì bỗng giật nảy mình, khi một người đứng sau lưng vỗ vào vai. Một đồng chí bộ đội đeo súng trên vai, nhìn anh chàng Ưu với nụ cười hiền, mời cậu đi theo.

Mặc dù rất sợ hãi, nghĩ mình có thể mất mạng, nhưng anh chàng Ưu buộc phải đi theo anh bộ đội này. Ưu chỉ có chiếc cung tên, còn bộ đội ẩn mình trong rừng thì vô số súng đạn.
Võ Nguyên Giáp
Con đường hành quân, kéo pháo xuyên qua rừng bản Nhọt lên Điện Biên Phủ 
Đi sâu vào trong rừng, Ưu còn thấy cả những khẩu pháo hạng nặng được phủ kín bởi lá ngụy trang, nằm bên con đường mòn nhỏ, dường như mới được mở. Ưu nghĩ, thế là toi mạng rồi!

Anh bộ đội dẫn Ưu đến một gốc cây, ẩn sau vách đá. Chỗ đó, có mấy người đang ngồi quây tròn. Một người cầm gậy vạch những đường nét dưới mặt đất. Anh bộ đội giới thiệu với Ưu rằng, người cầm gậy vạch dưới nền đất đó chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi đó, Đại tướng mới ngoài 40 tuổi, đôi mắt hiền từ, nụ cười tươi đầy ấp áp.

Nghe anh bộ đội giới thiệu người đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh chàng ưu đứng như trời trồng, mãi chẳng thốt được nên lời. Vị tướng vốn được ông bà, cha mẹ, các cụ già trong bản kể như vị Thánh lại hiển hiện trước mặt Ưu, giữa khu rừng Ưu thường vào săn bắn. Bất thần, chàng thanh niên Hoàng Văn Ưu quỳ phục xuống đất xin Đại tướng cho đi theo đánh giặc, giải phóng nước nhà.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến bên, ân cần đỡ anh chàng Ưu dậy. Ông xoa đầu chàng trai nhỏ thó, cười hiền lành bảo: “Cháu còn nhỏ, chưa đi đánh giặc được. Cháu cứ ở nhà học hành, tham gia lao động sản xuất cho giỏi nhé!”.

Thế là, mấy ngày liền, Ưu ở lại trong rừng phục vụ bộ đội cụ Hồ. Hàng vạn bộ đội hành quân, kéo pháo, đào hầm trú ẩn trong rừng mà không hề phát ra tiếng động.

Một sáng, sau khi thức dậy, Ưu dụi mắt nhìn quanh, nhưng tịnh không có một bóng người. Khu rừng trở nên yên ắng lạ thường. Đại tướng cùng cả vạn bộ đội đã biến mất tự lúc nào…

Ông Đinh Quyết Tiến kể: “Đi theo các nhà nghiên cứu tìm hiểu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi thấy cảm phục Đại tướng lắm. Nhưng sau này, các cụ già mất đi, thì chẳng có ai kể cho bọn trẻ về Đại tướng nữa.

Nghĩ vậy, khi thôi chức Chủ tịch UBND xã, tôi quyết định vào khu rừng ở, thu thập những tư liệu về Đại tướng với những cánh rừng Sơn La, để kể chuyện cho đồng bào nghe. Cánh rừng này, nhiều huyền bí lắm”.

Còn tiếp…

Phong Bình

Bình luận
vtcnews.vn