Trà xanh là một trong những loại trà ít chế biến nhất được làm từ lá chưa bị oxy hóa. Theo đánh giá của Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia (NCBI) năm 2010, tiêu thụ trà xanh cũng liên quan đến việc ngăn ngừa nhiều loại ung thư, bao gồm phổi, ruột kết, thực quản, miệng, dạ dày, ruột non, thận, tuyến tụy và tuyến vú.
Theo Tiến sĩ Parmeet Kaur, chuyên gia dinh dưỡng cao cấp, Bệnh viện Chuyên khoa Narayana, Gurugram, trà xanh cũng giúp tăng mức cholesterol tốt, và lượng chất chống oxy hóa cao giúp cải thiện chức năng não và giảm nguy cơ mắc tiểu đường loại 2 và các bệnh tim mạch.
Chia sẻ với Tờ The Indian Express, Tiến sĩ Pooja Thacker, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Bhatia Mumbai cho biết vì trà xanh là nguồn cung cấp catechin (71 mg/100 ml), epigallocatchingallate (126 mg/100 ml) và một số vitamin so với rượu vang và quả mọng, nên nó có thể ngăn ngừa lão hóa và cũng là chất bảo vệ thần kinh, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và mất trí nhớ, nhờ sự hiện diện của các chất phytochemical và polyphenol.
Lượng trà xanh nên tiêu thụ
Trong khi trà xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa và polyphenol, nó cũng chứa caffein. Có nghĩa là tiêu thụ trà xanh nhiều hơn ba lần một ngày có thể khiến bạn mất ngủ và cũng tiêu hao các yếu tố cần thiết của cơ thể bạn. Do đó, bạn chỉ nên uống 1 – 2 cốc trà xanh mỗi ngày.
Thời điểm tốt nhất trong ngày để uống
Thời điểm tốt nhất để thu được những lợi ích của trà xanh là giữa các bữa ăn và không phải lúc bụng đói. Bạn nên uống nó ít nhất 2 giờ trước và 2 giờ sau bữa ăn. Uống trà xanh ở những thời điểm này sẽ giúp đảm bảo các catechin (chất chống oxy hóa) không phản ứng với các casein có trong protein động vật hoặc sữa. Nếu bạn uống trà xanh trong bữa ăn sẽ làm giảm thiểu lượng chất dinh dưỡng và ức chế sự hấp thụ sắt và khoáng chất từ thực phẩm.
Ai nên tránh uống trà xanh?
Tiến sĩ Kaur khuyên những bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích và rối loạn tiêu hóa nên hạn chế uống trà xanh.
Bình luận