Quê tôi ở Mê Linh, cùng với Tây Tựu là hai vựa hoa chính của Hà Nội. Cây hoa hồng Pháp du nhập vào Mê Linh từ quãng gần 30 năm trước bằng cách ghép mắt của cây hồng Pháp vào cây tầm xuân. Hoa lúc đó được giá, vài bông có thể mua 1 cân đậu, tôi vẫn nhớ cái so sánh của trẻ con thời đó.
Rất nhanh chóng, hoa hồng được trồng đại trà thay thế cây lúa, hoa màu cho đến mãi năm 2008 khi sáp nhập Mê Linh vào Hà Nội, cơn sốt đất dự án biến nhiều cánh đồng màu mỡ thành các dự án bỏ hoang đến tận giờ.
Những năm trước khi sáp nhập, nhờ cây hoa mà đời sống nhà nhà khá lên, tất nhiên là đi kèm là cái giá phải trả rất đắt về môi trường.
Những con mương dần đen kịt, tôm cá vắng bóng vì sử dụng quá nhiều thuốc hóa học: Thuốc kích thích mầm cây nảy nhanh, thuốc chấm vào đầu bông hoa giúp chúng luôn đỏ tươi, thuốc diệt sâu bệnh các loại ....Trong đó nổi danh nhất là loại thuốc diệt cỏ mà người dân quen gọi là thuốc cỏ cháy, sau khi phun thì cỏ hay bất cứ loại cây trồng nào đều bị khô cháy lá rồi chết.
Lúc đó còn là học sinh tôi chưa để ý đến sự biến mất tôm cá, ếch nhái mà chỉ ám ảnh đến tận giờ là thỉnh thoảng lại có một bạn do có mâu thuẫn với gia đình hoặc nhà trường, bạn bè mà uống thuốc cỏ cháy để tự tử. Có trường hợp cứu được, trường hợp không qua khỏi. Mỗi lần như vậy gây choáng váng cả vùng quê nhỏ vốn có nhiều mối liên hệ với nhau.
Nhiều bố mẹ kể lại chi tiết những việc đó với ý định là ngăn con cái làm điều dại dột nhưng vô tình lại làm những lan rộng ra tất cả học sinh và chuyện đau lòng vẫn tiếp diễn. Đơn giản vì nhiều nhà trồng hoa dùng đến thuốc cỏ cháy cho đỡ công làm cỏ, nếu ai có ý định quyên sinh thì có thể lấy dễ dàng.
Kể dông dài lại câu chuyện cách đây mấy chục năm ở quê tôi khi dư luận đang dậy sóng với trường hợp của em nữ sinh An Giang tự tử.
Thế hệ 7x, 8x chúng ta đi học cũng nhiều hiện tượng bắt nạt, trấn lột, đánh nhau, có trường hợp gây tử vong. Bên cạnh đa số thầy cô tâm huyết cũng có những thầy cô miệt thị học sinh trước lớp, thậm chí vụt thước, ném phấn, ném giẻ lau vào học sinh.
Có điều hiện nay mạng xã hội phát triển, bất cứ câu chuyện nào xảy ra cũng dễ dàng, nhanh chóng được lan truyền rộng khắp gây nên cảm tưởng giáo dục bây giờ tệ hơn thì phải. Là giáo viên tôi muốn chia sẻ rằng những góc tối ở trường học thời nào cũng có, chỉ có điều mọi người có biết hay không mà thôi.
Thực ra việc xử lý phần ngọn sự việc ở An Giang chúng ta có thể dự đoán được. Đó là dưới sức ép của công luận, cơ quan quản lý có thể kỷ luật nhà trường, giáo viên, đồng thời ra các văn bản nghiêm cấm giáo viên miệt thị học sinh, bắt ép học sinh học thêm giống như năm nào cũng nghiêm cấm lạm thu đầu năm nhưng vẫn xảy ra.
Nhưng điều quan trọng là cần hiểu và xử lý nguồn gốc sâu xa của những bất ổn trong trường học để những chuyện đau lòng đó không còn xảy ra nữa. Đó là trả lương giáo viên quá bèo bọt.
Quê tôi học sinh tốt nghiệp cấp 3 làm công nhân, lương ít nhất 5 - 6 triệu, cao hơn lương giáo viên trường công sau mấy năm học đại học và thi trầy da tróc vẩy để vào biên chế. Đãi ngộ như thế thì làm sao hút được những người có năng lực, tâm huyết vào sư phạm.
Những người đang gắn bó với nghề giáo đành phải làm thêm đủ nghề khác để đủ sống hoặc như trường hợp ở An Giang là ép buộc học sinh học thêm. Lương thấp, giáo viên lại bị đánh giá trên những tiêu chuẩn đạo đức cao nhất, phải giảng bài, quản lý 40 - 60 học sinh mỗi lớp đang tuổi ăn, tuổi lớn, ngoan cũng có, ngổ ngáo cũng nhiều.
Tiêu chuẩn xét thi đua hàng năm là các con phải tiến bộ cả về học tập, đạo đức. Bao nhiêu năm cải cách chỉ nhắm vào thi cử và thay đổi chương trình, sách giáo khoa trong khi lương giáo viên vẫn ở mức chưa bằng công nhân, áp lực chỉ tăng chứ không giảm. Có khác chăng chút thời gian ít ỏi nghỉ cuối tuần dành cho gia đình lại phải chia sẻ khá nhiều cho tập huấn, đào tạo, thi nâng hạng...
Giáo dục hiện nay giống như quả bóng bị bơm quá căng, nén chỗ này sẽ phình chỗ khác. Những bức bối kể trên nếu không được xử lý sẽ tích tụ năm này qua năm khác dồn nén vào giáo viên, đến khi không chịu được nữa giáo viên lại dồn sang chính con em chúng ta, những đứa trẻ vô tội.
Chỉ đến khi nào giáo viên có thể sống được bằng lương, tuyển dụng dựa trên năng lực, lớp học bớt đông thì sẽ có được đội ngũ thầy cô giỏi, tâm huyết, môi trường học đường trở nên nhân văn đúng nghĩa. Khi đó mới ít dần những chuyện buồn như ở An Giang.
Bình luận