• Zalo

Nữ sinh bị bêu tên dưới cờ: Dùng quyền uy để dạy học là mông muội, phi giáo dục

Diễn đànThứ Tư, 09/12/2020 15:31:07 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo các chuyên gia, việc giáo viên dùng quyền uy để ép buộc học sinh phải nghe lời, đó là hành động của sự mông muội, phi giáo dục, cần xử lý thật nghiêm.

Dư luận những ngày qua rất bất bình trước sự việc nữ sinh N.T.N.Y (học sinh lớp 10, trường THPT Vĩnh Xương, An Giang) bị ngất, có biểu hiện uống thuốc tự tử ngay tại trường. Nguyên nhân được cho là trường thực hiện kỷ luật bằng hình thức bêu tên trước cờ, làm nữ sinh này uất ức.

Đòn tâm lý nặng hơn đòn roi

TS Lê Thị Thanh Nga, chuyên gia tâm lý giáo dục ở Hà Nội cho rằng, đó là sự việc đáng báo động trong tâm lý học đường hiện nay. Nhà trường không những làm sai nguyên tắc, sai quy định về dạy và học thêm mà còn dọa nạt, chế giễu, “bêu tên” học sinh trước cờ, khiến em ấy cảm thấy bị xúc phạm, dẫn đến hành vi cực đoan.

Trong môi trường giáo dục, thầy cô không phải ban ơn cho học sinh mà là dùng tình cảm, dùng kiến thức để cảm hoá, giúp học sinh nhận thức đúng, sai. Thầy cô muốn dạy học sinh tốt thì phải biết lắng nghe các em chia sẻ tâm tư, nguyện vọng. Giáo viên đừng bao giờ dùng quyền uy của mình để ép buộc người khác thực hiện, đó là hành động của sự mông muội, phi giáo dục.

Theo TS Nga, hành động tự tử của nữ sinh này được xem là sự phản kháng mạnh mẽ trước cách xử lý của thầy cô. Theo suy nghĩ của nữ sinh, thầy cô đang dùng quyền lực ép buộc, và vì không ép buộc được nên thầy cô tìm cách “trả thù”.

"Sự thiếu chuyên nghiệp của thầy cô khiến sự việc đáng tiếc xảy ra. Cần xử lý thật nghiêm, không cả nể, không nhân nhượng với những giáo viên như vậy", nữ chuyên gia nói.

Theo TS Nga, việc quan trọng lúc này là phải ổn định tâm lý, tinh thần cho nữ sinh. Nhà trường, thầy cô và cả gia đình, xã hội cần động viên, chia sẻ với nữ sinh để giảm được tối đa tổn thương tâm lý cho học trò. Đồng thời, trường cần thẳng thắn nhìn nhận lỗi sai và công khai xin lỗi học trò. Bởi muốn lấy lại niềm tin cho học sinh thì trước hết trường phải công bằng, chuẩn chỉ thay vì trốn tránh và đổ lỗi lẫn nhau.Nữ sinh bị bêu tên dưới cờ: Dùng quyền uy để dạy học là mông muội, phi giáo dục - 1

 Nữ sinh ở An Giang định tử tự sau khi bị giáo viên doạ bêu tên trước toàn trường.

Bức xúc trước cách hành xử của giáo viên ở An Giang, cô Nguyễn Thị Trà, trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng, trong điều lệ trường THCS và THPT có hiệu lực từ ngày 1/11/2020 quy định: "Giáo viên không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường và trong cuộc họp phụ huynh. Giáo viên sẽ đánh giá và tuỳ theo mức độ vi phạm, có thể thực hiện các biện pháp kỷ luật như nhắc nhở, hỗ trợ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm". 

Thông tư vừa có hiệu lực nhưng giáo viên vẫn vi phạm. Điều đó cho thấy phần nào việc một số thầy cô phê bình học sinh bằng những lời lẽ trách mắng trở thành căn bệnh rất khó bỏ. "Tôi đề nghị kỷ luật giáo viên ở An Giang thật nghiêm khắc để lấy lại niềm tin với học trò", cô Trà thẳng thắn nói. 

Cô cho rằng, tâm lý học sinh tuổi đang dậy thì rất dễ tổn thương, các em coi lòng tự trọng và hình ảnh cá nhân là trên hết. Do đó, khi bị cô giáo doạ nêu tên trước toàn trường, giống như đòn tâm lý đánh vào học sinh. Đòn này nặng gấp 10 lần đòn roi thông thường, khiến các em trốn tránh và tìm cách phản kháng là điều dễ hiểu.

Mong thầy cô lắng nghe nhiều hơn

Em Nguyễn Hồng Đăng, trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) bày tỏ, điều đó không hiếm gặp trong các trường phổ thông. Có đôi lúc chúng em nghịch ngợm ở trường nhưng mong thầy cô sẽ lắng nghe và chia sẻ nhiều hơn thay vì trách mắng, yêu cầu gọi phụ huynh hoặc bêu tên trước lớp mỗi lần vi phạm kỷ luật.

Theo Nguyễn Thu Trang, trường THPT Trần Hưng Đạo (Hà Nội) cho rằng, học sinh có tâm lý là càng bị quát mắng thì càng chống đối; ngược lại thầy cô nhẹ nhàng chỉ bảo thì học sinh sẽ nghe lời và sửa đổi dần. Trang hy vọng thầy cô sẽ lắng nghe và làm những người bạn đồng hành, chia sẻ cùng chúng em trong chặng đường phổ thông. 

Chị Trần Thị Quỳnh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, bên cạnh sự giáo dục từ gia đình, thì thầy cô là những người quan trọng giúp định hướng và hình thành nhân cách đạo đức cho học sinh. Các em sẽ nhìn vào hành động của thầy cô để sao chép lại.

Cho rằng học sinh có lỗi đương nhiên phải xử phạt để tiến bộ, nhưng chị Quỳnh cho rằng, giáo viên định xử phạt ở mức độ nào thì cần phải cân nhắc thật kỹ, dùng nghiệp vụ sư phạm để làm, không phải dùng "đòn roi". Nếu gặp khó trong việc kỷ luật thì giáo viên và gia đình có thể phối hợp để khuyên bảo nhẹ nhàng thay vì ép buộc học sinh, bêu tên trước toàn trường khiến chúng cảm thấy không phục, uất ức dẫn đến hành động tiêu cực.

Hà Cường
Bình luận