Có nên kiểm điểm học sinh trước toàn trường?
Vụ việc một nữ sinh Trường THPT Vĩnh Xương (An Giang) tự tử vì bị kiểm điểm dưới cờ gây xôn xao dư luận mấy ngày qua, nhiều người cho rằng hình thức kỷ luật này không phù hợp, gây ảnh hưởng tâm lý học sinh rất
Trả lời VTC News về hình thức kỷ luật học sinh của Trường THPT Vĩnh Xương, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TPHCM) cho rằng, mặc dù từ ngày 1/11, Thông tư 32/2020 quy định giáo viên không được phê bình học sinh THCS, THPT trước lớp, trước trường và trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh, song tình trạng này chưa chấm dứt ở một số trường. Và sự việc em Y. của Trường THPT Vĩnh Xương (An Giang) tự tử là đáng tiếc khi trường áp dụng hình thức kỷ luật này.
Thầy Phú cho rằng, học sinh vi phạm có nhiều cách xử lý trên tinh thần văn minh. Giáo dục là làm cho con người hướng tới chân, thiện, mỹ thì chúng ta phải dùng biện pháp tâm lý, phối hợp để làm sao vi phạm của các em “dữ thành hiền”, “lớn thành nhỏ”, để rồi các em nhận ra cái sai, người lớn chúng ta tha thứ.
Cũng theo thầy Phú, việc bêu xấu học sinh trước toàn trường sẽ tạo tâm lý hoang mang, mặc cảm, uất ức. Sự việc xảy ra rồi, người lớn phải chịu trách nhiệm, bình tĩnh, phê bình các em trước trường, trước lớp là sai.
"Đã là con người, hỉ nộ ái ố đều có, các em bộc lộ cảm xúc là bình thường, giáo viên phải tìm hiểu nguyên nhân, thông cảm và chia sẻ. Việc chúng ta phê bình học trò trước trường là việc làm không nhân văn và rất tàn nhẫn, không được làm. Chúng ta phải tuyên dương, khen thưởng chứ không nên làm việc này. Phê bình trước một tập thể rất đau đớn, chúng ta sẽ làm ảnh hưởng nhân phẩm của một con người. Giải quyết xong rồi các em hiểu và sửa chứ không phải ấm ức, thù hằn”, thầy Phú nói.
Hướng đến kỷ luật tích cực
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn sức khỏe và Phát triển Cộng đồng CFC Việt Nam cho biết, ở tuổi học sinh cấp 2 và 3, tâm sinh lý không ổn định, rất dễ bị kích động và suy nghĩ tiêu cực. Việc bị bêu xấu trước toàn trường là rất kinh khủng đối với nhiều em, tác động mạnh đến tâm lý trẻ.
“Bố mẹ, thầy cô than phiền và chê bai học sinh rất nhiều, ngôn ngữ tích cực, khích lệ thì không được nghe nhiều, cần trao những thông tin, lời nói tích cực để khích lệ học sinh sẽ tạo tâm lý tốt hơn là kỷ luật, quát mắng. Trước đây việc các trường có hình thức kỷ luật trước toàn trường, trước lớp rất dễ gây tâm lý xấu hổ, mặc cảm, tự ti cho các em, khiến các em rơi vào tình trạng bi quan, sợ hãi”, bà Hoàng Anh cho biết.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam, giáo dục hiện đại là hướng tới “kỷ luật tích cực”. Chúng ta phải làm cho học sinh vào kỷ luật trong một bầu không khí tích cực, sử dụng những biện pháp sư phạm để làm cho học sinh nhận ra được hành động sai? Và khi học sinh sai thì phải có thái độ hối lỗi.
Kỷ luật tích cực là dạy và cung cấp cơ hội để cho những đứa trẻ học được nhiều kỹ năng hành vi mới, và để lần sau các em sẽ tự giác hành động và đưa mình vào kỷ luật.
“Kỷ luật tích cực sẽ chỉ tập trung vào việc làm thế nào để tôn trọng quyền lợi tốt nhất, khuyến khích khả năng lựa chọn của học sinh, không xâm phạm, xúc phạm về mặt thân thể, nhân phẩm và coi lỗi lầm đó là một cơ hội để học sinh thay đổi”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Bình luận