Kỳ 3: Những tấm gương bất tử
Đứng giữa căn hầm mà 32 năm trước mình cùng đồng đội chốt giữ trên cao điểm 685 (Vị Xuyên, Hà Giang) chống lại cuộc xâm lược của quân Trung Quốc, cựu binh Phạm Xuân Thanh ngậm ngùi: “Hồi ấy, khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhưng tất cả không là gì. Đối với người lính, chỉ có 2 điều tâm nguyện: Tổ quốc và chiến thắng”.
Theo ông Thanh, điều khiến quân Trung Quốc khiếp sợ nhất chính là sự kiên cường, sức chịu đựng, và tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam.
Những ngày cuối năm 1984, ông Thanh được giao nhiệm vụ phục vụ Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356, lúc đó đang chốt giữ trên các mỏm E2, E5 của “Lò vôi thế kỷ” 685. Đây là 2 mỏm gần với vị trí Trung Quốc đóng quân nhất, tiếp giáp với đỉnh 772. Thời điểm ông lên, quân địch bắt đầu tràn sang lấn chiếm, ông cũng cầm súng tham gia chiến đấu.
“Ngày 14/1/1985, hỏa lực của chúng bắn cấp tập lên 685 và các sườn xung quanh hòng cắt đứt đường vận tải, ngơ ngẩn điếc hết cả tai. Đến 15h cùng ngày thì chúng từ mỏm E1 tràn sang. Tiểu đoàn trưởng Hồ Xuân Tuân (Quỳnh Lưu, Nghệ An) vừa mới ở hầm đi lên thì bị bộ binh địch ném nguyên 1 quả lựu đạn chày vào mặt. Lựu đạn nổ nhưng không hiểu sao anh Tuân may mắn thoát chết, chỉ bị 1 mảnh găm vào mắt, 1 mảnh xuyên má lên gần thái dương, ngất xỉu.
Tỉnh dậy, anh Tuân kiên quyết không lùi ra tuyến sau mà vẫn tiếp tục chỉ đạo đồng đội đánh trả. Bên phía mỏm E2, anh Hậu đại đội trưởng cũng bị trúng một mảnh vào bánh chè, sau khi băng bó lại tiếp tục chỉ huy đơn vị sẵn sàng chiến đấu bảo vệ cao điểm”, cựu binh Phạm Xuân Thanh chia sẻ.
Ông Thanh kể, suốt mấy ngày chiến đấu ròng rã, tuyến vận tải bị gián đoạn, đồng nghĩa với việc các chiến sĩ chốt giữ phải nhịn đói, nhịn khát. Ở chiến địa, súng nổ liên thanh, bụi bay mù mịt, không ai nói ra lời, chỉ nhìn mồm mà đoán ý đồ của nhau hoặc bằng cử chỉ. Đường dây hữu tuyến cũng bị đạn pháo cắt đứt, hoàn toàn mất liên lạc với Sở chỉ huy. Không ai biết tình hình chiến sự diễn ra như thế nào, chẳng có chi viện, nhưng các chiến sĩ vẫn nhất quyết không bỏ vị trí, tử thủ cho đến người cuối cùng trước sự tấn công của quân Trung Quốc.
Trong lần đi thực tế chiến trường xưa cùng các cựu binh mặt trận Vị Xuyên, tôi được gặp cựu binh Đặng Việt Châu (một sĩ quan cao cấp của Trung đoàn 876, Sư đoàn 356). Ông Châu năm nào cũng lặn lội tìm lên Thanh Thủy, để được sống lại với những ký ức hào hùng năm xưa. Gặp chúng tôi, ông vui vẻ ngồi tiếp chuyện, thỉnh thoảng lại rơm rớm nước mắt khi kể về những người đồng đội năm xưa của mình.
Ông kể, hồi ấy, tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ trẻ cao ngút trời, đó cũng là điều khiến ông tự hào nhất. Có đợt, một đơn vị chuẩn bị vào chiến đấu, lúc ông đến thăm và động viên anh em, thì bỗng thấy có nhiều binh lính đã cạo trọc đầu, cởi trần, lau chùi súng ống sáng quắc, khí thế ngùn ngụt, chỉ chờ xung trận. Chưa kịp có ý kiến, thì người đội trưởng đã vui vẻ: “Báo cáo, bọn em đã sẵn sàng, chỉ có nhất xanh cỏ, nhì đỏ lòng. Thủ trưởng cứ báo lên trên chuẩn bị huân chương cho anh em nhé, không thắng không về… ”.
Một dịp khác, ông Châu lên thăm chiến địa, tiện thể báo với một người bạn tên Cường đang trấn giữ ở chốt, rằng cấp trên đã có lệnh điều động anh ấy về. Tuy nhiên, anh Cường đã thẳng thắn trả lời: "Báo cáo, cơ hội lập công đã đến sao lại về? Tôi từ chối…". Nghe đâu, chỉ vài ngày sau, người chiến sĩ ấy đã hi sinh anh dũng bên một lèn đá.
Video về chiến tranh biên giới 1979
Ông Châu và các cựu binh Vị Xuyên không bao giờ quên được tấm gương y tá Lê Trần Mãn. Anh Mãn được tăng cường lên chiến đấu ở Đại đội 7, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 153. Những ngày đầu năm 1985, Trung Quốc phát hiện ra ý định đánh lấn dũi của ta lên “Lò vôi thế kỷ”, tức khắc tổ chức đánh lại. Ở trận đánh trên mỏm E4, lính Tàu cậy đông, bố trí bắn yểm trợ, rồi tức khắc kéo người lên cắm cờ. Y tá Mãn đã bỏ vị trí, bất chấp các ổ bắn tỉa đang phục sẵn, chạy lên giằng lấy lá cờ Trung Quốc, tháo ra bỏ vào túi áo. Một loạt đạn bắn ra, anh Mãn gục xuống bên cán cờ trần trụi. Hình ảnh ấy đã trở thành niềm tự hào dân tộc trong tiềm thức của các chiến sĩ.
Câu chuyện về sự hi sinh của người chiến sĩ Nguyễn Viết Ninh (Phú Thọ) trên điểm cao 685 cũng luôn được các đồng đội nhắc đến, không chỉ vì lòng dũng cảm mà còn có lời thề khắc trên báng súng của anh. Lời thề đó đã trở thành kim chỉ nam cho các chiến sĩ trên mặt trận Vị Xuyên.
Một ngày giáp tết âm lịch 1985, lúc cánh lính trẻ trên chốt 685 ngồi kể cho nhau nghe về gia đình, về những lần đón tết, thì trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh cứ hì hụi khắc chữ lên báng súng, rồi bôi trắng dòng chữ "Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử". Người chiến sĩ vỗ lên báng súng, tuyên bố với đồng đội: “Quân Trung Quốc dù đông, nhưng đất của ta, ta quyết tâm giữ”.
Liền ngay hôm sau, quân Trung Quốc tấn công dồn dập, pháo bắn như vãi đạn và bộ binh hò hét xung phong. Nguyễn Viết Ninh dù đã bị thương nhưng vẫn tiếp tục chỉ huy trung đội đánh địch, bẻ gãy hàng chục đợt phản kích của bộ binh Trung Quốc.
Trưa hôm sau, anh tiếp tục bị đạn bắn vào chân, thương nặng. Đại đội trưởng Thái Khắc Ba bảo Ninh lên cáng về tuyến sau nhưng anh vẫn ôm chặt lấy khẩu AK, quyết “bám đá” đúng như lời thề trên báng súng. Đến chiều 29 tết âm lịch, Nguyễn Viết Ninh bị thêm một vết thương vào đầu và hi sinh.
Khi đồng đội mang thi thể anh về, anh chết trong tư thế vẫn ôm chặt khẩu súng AK trước ngực, khẩu súng với lời thề khắc ghi: "Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử". Thi thể chiến sĩ Nguyễn Viết Ninh được chuyển về tuyến sau và sau này đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang). Đến cuối năm 2014, theo nguyện vọng của gia đình, hài cốt của anh được đưa về an táng tại Phú Thọ, cạnh mộ phần của bố mẹ, giữa miền quê trung du bát ngát chè xanh ở quê nhà.
Còn tiếp…
Hải Minh – Lê Hồng
Bình luận