• Zalo

Tử chiến ở “Lò vôi thế kỷ” Hà Giang: Đấu súng giành giật từng mét đất

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 20/06/2016 06:55:00 +07:00Google News

Bộ binh Trung Quốc sau những loạt đạn bắn mở đường, đã thi nhau xung phong lấn chiếm những cứ điểm mà mình đang trấn giữ.

Kỳ 5:  Đấu súng như phim

Trong ký ức của cựu binh Đặng Việt Châu cùng một số đồng đội khác, trên 'Lò vôi thế kỷ 685', đã diễn ra hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, vô cùng khốc liệt. Khốc liệt nhất vẫn là cuộc đấu pháo 6 ngày, từ ngày 13 đến ngày 19/1/1985. 3 ngày cuối cùng của cuộc đấu pháo đó chính là thời điểm gian khổ nhất, khi bộ binh Trung Quốc sau những loạt đạn bắn mở đường, đã thi nhau xung phong lấn chiếm những cứ điểm mà mình đang trấn giữ.

“Chúng định lấy thịt đè người, xua quân từ mỏm E1 ồ ạt lấn chiếm, nhưng đến ngày 19, đôi bên dừng bắn bởi địch chết nhiều quá, phải thu dọn chiến trường. Lúc đó, vận chuyển đạn pháo khó khăn, bên mình cũng cạn kiệt đạn. Với một lực lượng đông hơn hẳn nhưng chúng không thắng nổi ý chí quyết tử của ta”, cựu binh Đặng Việt Châu cho biết.

Những cựu binh từng trực tiếp tham gia trận chiến kinh hoàng trên điểm cao 685 giờ cũng không còn được mấy người. Cựu binh Phạm Ngọc Quyền, Phạm Xuân Thanh là một trong số những nhân chứng sống ít ỏi đó.

Đó cũng là lý do mà những cựu binh này nhất quyết phải đưa bằng được chúng tôi lên 685 nhằm chứng thực lại những câu chuyện năm xưa.

DSC_1537

 Một quả đạn còn găm nguyên trên vách đá 

DSC_1593

 Một trong những dấu tích tàn khốc của cuộc chiến trên Lò vôi thế kỷ

Cựu binh Phạm Ngọc Quyền vốn là chiến sĩ thuộc Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356, tham gia cuộc chiến Vị Xuyên 32 năm trước.

Theo ông Quyền, lúc đó sau khi Trung đoàn 153, Sư đoàn 356 tổ chức đánh lấn dũi trên 685, thì khả năng quân Trung Quốc sẽ tổ chức phản công là rất cao. Đại đội 6 được giao nhiệm vụ lên “Lò vôi thế kỷ” đánh phản kích trên mỏm E2, sau đó nếu đủ thời cơ sẽ phát triển chống địch xâm lấn ở mỏm E4, và kết hợp với lực lượng của Trung đoàn 153 đánh lên mỏm E1.

“Công sự, hầm hào của ta nhiều chỗ đã bị hỏa lực địch tàn phá, chủ yếu dựa vào địa hình tự nhiên để thực hành tác chiến. Giáp tết, thay vì bánh chưng, thịt lợn dưa hành, thì quà lên điểm cao 685 cho chúng tôi là hàng ngàn quả lựu đạn các loại, đạn M79, B40, B41, cùng các loại đạn dược khác. Đó là những món quà quý giá nhất cho người lính trong trận tuyến này”, cựu binh Phạm Ngọc Quyền cho biết.

IMG_5594

 Cựu binh Lê Hồng Mai, Phạm Ngọc Quyền đi tìm lại  ký ức năm xưa trên đỉnh 685

Đêm 26 tháng chạp, pháo bắn liên hồi, mặt đất rung chuyển. Các chiến sĩ trên điểm chốt đều sôi sục ý chí quyết tử. Một số anh em làm nhiệm vụ vận tải cũng xin được trực tiếp cầm súng chiến đấu.

Nửa đêm, tiếng pháo không ngớt mà còn gia tăng tần suất. Hai bên đều bắn phong tỏa đường tiếp viện của nhau. Quân Trung Quốc khi tràn sang, bị pháo Việt Nam bắn chết như ngả rạ, chúng có ý rút về mỏm E1.

“Tôi đang nép mình bên vách núi, lăm lăm khẩu AK báng gập định nhả đạn thì một sĩ quan đại đội đến và giao nhiệm vụ cùng 2 đồng đội tên là Bản và Kết vòng xuống phía tây nam của mỏm E2 chặn địch.

Ba anh em lao nhanh về hướng chân của mỏm E2, vừa ép sát được một mô đá tai mèo thì một quả B40 bay vèo tới, sượt qua đầu táng thẳng vào vách đá phía sau, may mà không ai bị làm sao”, cựu binh Phạm Ngọc Quyền thuật lại.

linh-vi-xuyen-1455670396

 Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của các chiến sĩ trên Mặt trận Vị Xuyên   (Ảnh tư liệu)

Trong đêm tối, lợi dụng ánh sáng của đạn pháo, nhìn thấy 2 lính Trung Quốc đang dìu một gã bị thương về trận địa, ông Quyền tức khắc kê khẩu AK, điểm xạ diệt gọn cả 3 tên. Vừa dứt tiếng súng thì địch ở mỏm E1 đã phát hiện, trút đạn như mưa về vị trí nhóm chiến sĩ đang ẩn nấp.

Đến giữa đêm, nhóm chiến đấu của ông Quyền được bổ sung thêm một chiến sĩ bộ binh tên Danh. Cả nhóm chia đội hình phối hợp, bắn trả lại những ụ bắn tỉa của quân Trung Quốc trên E1 bắn xuống. Đêm ấy, suốt mấy tiếng đồng hồ đấu súng kinh hoàng, nhưng phía tây nam mỏm E2, ông Quyền cùng những người đồng đội của mình vẫn giữ vững vị trí, đạn giã cả băng, lựu đạn quăng cật lực. Và càng về gần sáng, pháo của ta và địch lại càng bắn dữ dội hơn nữa.

Trong ánh sáng lờ mờ, ông Phạm Ngọc Quyền bỗng phát hiện hai, rồi ba, bốn toán địch đang lom khom trên đoạn giao thông hào giữa mỏm E2 và E1 trên “Lò vôi thế kỷ”, có vẻ chúng đang tìm cách rút về E1. Ngay tức khắc, các chiến sĩ ra hiệu, lặng lẽ trườn đi tìm các vị trí khóa đầu khóa đuôi, nằm phục sẵn.

Tưởng được an toàn, toán lính Trung Quốc nào ngờ ăn ngay quả lựu đạn cầu trúng giữa đội hình, nổ tan xác. Liền sau đó, ông Quyền cùng đồng đội lia cả băng đạn AK vào cái đám nhốn nháo phía trước. Bóng người liên tiếp đổ gục. Vài phút sau, nghe thấy tiếng hô gọi pháo, bốn anh em lại rút về ẩn nấp sau những vách đá dựng đứng, mặc cho hỏa lực của địch điên cuồng dội xuống trả đũa.

Tầm 6h 30 phút sáng ngày 27 tháng chạp (âm lịch), các chiến sĩ chốt giữ trên “Lò vôi thế kỷ” đồng loạt tiến hành phản kích. Phạm Ngọc Quyền cùng 3 đồng đội của mình cũng nhận nhiệm vụ mở một mũi tiến công địch đang nấp trong công sự trước mỏm E2 từ cánh trái, theo hướng tây nam.

Trên đỉnh ngọn núi nhỏ, tiếng hô “xung phong” vang lên ầm ầm từ những bóng người nhỏ bé thoắt ẩn thoắt hiện, chìm trong những cột khói mịt mù. Trên tất cả các hướng tiến công, bộ đội ta thi nhau trút đạn, pháo, hỏa lực sang các mục tiêu đã được xác định.

Những toán lính Trung Quốc mò sang xâm lấn hốt hoảng kháng cự yếu ớt, tìm mọi cách tháo chạy về mỏm núi E1, trên đỉnh “Lò vôi thế kỷ”.

Còn tiếp…

Hải Minh – Lê Hồng(Theo hồi ký Giữ đất đón xuân, và ký ức của cựu binh Phạm Ngọc Quyền cùng các đồng đội).

Bình luận
vtcnews.vn