Kỳ 1: Chuyện chưa kể về cuộc tử chiến với quân Trung Quốc ở 'Lò vôi thế kỷ' Hà Giang
Kỳ 2: Tử chiến ở 'Lò vôi thế kỷ': Dấu tích tàn khốc, đạn pháo la liệt trên núi
Kỳ 3: Tử chiến ở 'Lò vôi thế kỷ' Hà Giang: Xúc động lời thề sống bám đá, chết hóa đá
Kỳ 4: Tử chiến trên “Lò vôi thế kỷ” Hà Giang: Nã pháo diệt lính Trung Quốc như ngả rạ
Kỳ 5: Tử chiến ở “Lò vôi thế kỷ” Hà Giang: Đấu súng giành giật từng mét đất
Kỳ 6: Ký ức bi hùng
Nhắc lại thời điểm 27/12/1984 (âm lịch, giáp tết), trên đỉnh “Lò vôi thế kỷ” Hà Giang, bộ đội ta đồng loạt phản công, cựu binh Phạm Ngọc Quyền (Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356) xúc động kể lại:
“Đó là lần thứ 2 tôi rơi vào tình thế sinh tử, nhưng may mắn vẫn còn sống sót, để giờ đây kể lại mọi chuyện với các bạn. Lúc đấy, nhóm chiến đấu của tôi nhanh chóng tản ra, liều chết bám vào đường hào, tấn công ngược lên phía trước mỏm E2. Tôi phán đoán kiểu gì quân Trung Quốc sẽ còn ẩn nấp phía trước, cả nhóm liền bố trí chiến sĩ Bản nằm phục lại và kê súng, chỉ chờ chúng ló mặt ra là bắn, Danh và Kết luồn xuống dưới đánh thốc lên, còn tôi bò lên phía trên quan sát và chặn đường địch từ mỏm E3 rút sang .
Mới bò được một đoạn thì nghe thấy liên tiếp nhiều tiếng nổ đinh tai nhức óc ngay phía sau mình. Quay lại thì thấy Bản đã bị dính đạn, nằm thở dốc bên vách đá. Ở phía dưới, Danh cũng bị thương nhiều chỗ, trong đó có vết thương ngay sát cổ khá nặng, máu chảy đầm đìa thấm ướt hết cả áo. Tôi giật lấy cuốn băng từ tay anh Kết rồi quấn quanh vết thương nơi cổ Danh, nhưng không kịp nữa rồi, Danh đã tắt thở, không nói được câu nào, ánh mắt vẫn trừng trừng”.
Ngay lúc đó, lại một loạt đạn bắn tới tấp vào chỗ cả nhóm đang ẩn nấp, mọi người chỉ biết chúi vào khe đá tránh đạn mà không ngóc đầu lên quan sát nổi. Chỉ được một lúc, đạn ngừng, ông Quyền ngẩng đầu lên quan sát thì thấy ở gần đó, một nhóm chiến sĩ mới tiến lên đang bắn xối xả vào mấy ụ bắn tỉa.
Sau khi hội ý, tất cả cùng dội B40 vào trận địa của địch phía trước E2. Bản thân ông Phạm Ngọc Quyền cùng một chiến sĩ nữa tên là Cảnh vác súng lao sang bám sát vào vách đá núi. Một lúc sau, 2 người nhanh chóng phát hiện một cửa hầm bắn tỉa được ngụy trang rất kỹ, không bị ảnh hưởng bởi hỏa lực bắn thằng của ta. Ông Quyền một tay cầm khẩu AK, tay còn lại cầm gói bộc phá lớn, len lỏi gần sát cửa hang, giật kíp rồi ném thẳng. Chỉ nghe một tiếng nổ ùm, rồi một cột khói bốc lên màu vàng chóe.
“Tôi xách khẩu AK nhảy vào giữa đám khói, ai ngờ lòng hang cũng khá sâu và thẳng đứng làm tôi ngã bổ chửng. Cái thang dây của địch cũng bị bộc phá làm đứt, xung quanh chả có gì ngoài 7 cái xác cháy đen thui nằm vương vãi. Định trèo lên nhưng lại thêm 1 quả đạn pháo nổ ngay mép hang, sức ép lại làm tôi rơi tụt xuống, choáng váng một lúc mới tỉnh lại, đá đổ rào rào”, cựu binh Phạm Ngọc Quyền hồi tưởng.
Ở ngoài, đạn pháo vẫn nổ rầm rầm đinh tai nhức óc. Ông Quyền đoán rằng ở ngoài quân ta đang tấn công kịch liệt. Chứ nếu không, địch mà tràn xuống được thì kiểu gì chúng sẽ không quên thả xuống hang vài quả lựu đạn, khi chúng đã nhìn thấy mình ném bộc phá và nhảy vào hang. Suy nghĩ đó khiến ông Quyền cảm thấy phấn khích, liền nén đau khoác khẩu AK và lại bám đá tìm cách trèo lên cửa hang.
Trèo được một lúc, ông Quyền nhìn thấy ông Cảnh cùng mấy anh em nữa đang ở trước cửa hang. Mọi người ôm chầm lấy nhau ứa nước mắt. Vừa nghe tin quân mình đang hoàn toàn làm chủ trận địa, thì bỗng cả loạt đạn pháo của quân Trung Quốc lại thi nhau trút xuống, cả đỉnh núi rung chuyển.
Lúc đó đã quá trưa ngày 27 tháng chạp (âm lịch), Phạm Ngọc Quyền cùng các chiến sĩ chỉ biết nằm úp mặt xuống đất, núp sau những khe đá tránh mảnh pháo. Bên mỏm E5 chỗ đơn vị của ông Hồ Xuân Tuân chốt giữ cũng khói mù mịt đen ngòm, những cột lửa bốc lên, đất đá bay tứ tán. Bộ binh Trung Quốc ở một bên sườn núi lại thấy xuất hiện đông nghịt, thi nhau hò hét xung phong lên lấn chiếm.
Đến lượt pháo binh Việt Nam bắn thẳng vào đội hình tấn công của địch, những tiếng nổ liên hồi, những thân xác bị hất tung lên cao cùng đất đá, rơi xuống nằm im bất động. Tuy nhiên, một số lính Trung Quốc đi đầu đã thoát khỏi loạt đạn pháo, tiến gần đến các vị trí chốt giữ. Mọi người nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu.
Phạm Ngọc Quyền kê khẩu M79 lên khe đá, chưa kịp nhả đạn thì đã nghe thấy một tiếng nổ “đoành” ngay phía sau lưng. Ông quay ngoắt lại thì chỉ thấy có vết máu dính trên vách đá. Một người lính thông tin tên Quyết nằm chiến đấu cạnh mình đã không còn thấy ở đâu nữa. “Anh ấy đã dính trọn quả B40 của giặc”, người cựu binh già bật khóc.
Các chiến sĩ chia nhau chốt các đoạn giao thông hào và bắn trả. Những loạt đạn súng bộ binh cùng tiếng lựu đạn nổ như pháo, kèm tiếng nổ của hỏa lực B40 cùng M79. Những bóng người liên tiếp đổ gục. Khoảng nửa tiếng, pháo của ta lại bắn dữ dội hơn nữa. Quân Trung Quốc đoán chừng không thể xông lên phía trước, đành hô hào rút lui khỏi chiến địa.
“Chúng tôi nhận được lệnh không đuổi theo, bảo toàn lực lượng, đề phòng địch phản kích. Từ 4h chiều cho đến hết nửa đêm, chúng không xua bộ binh lên lấn chiếm lần nào nữa. Tính ra, trong ngày 27 tháng chạp, các chiến sĩ phối hợp cùng lực lượng pháo binh đã đẩy lùi 2 đợt tấn công tổng lực của quân xâm lược Trung Quốc, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch, giữ vững các trận địa”, cựu binh Phạm Ngọc Quyền thuật lại đầy vẻ tự hào.
Trời xẩm tối, anh em vận tải của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876 cũng vừa lên tới nơi, mang theo cơm nắm, lương khô, nước uống, bắt tay nhau “cố gắng nhé”. Những người lính chốt giữ ai cũng xúc động, ý chí dâng lên mãnh liệt. Đêm, Tham mưu trưởng Bùi Minh Đệ và Trung đoàn trưởng Cao Bá Hùng lại lên thăm hỏi động viên. Các thủ trưởng nhận định quân Trung Quốc sẽ lại tiếp tục tiến đánh.
Ông Phạm Ngọc Quyền tiếp tục nhận nhiệm vụ mới, dẫn theo 12 chiến sĩ trở lại dưới chân mỏm E4. 21h ngày 27 tết, cả nhóm lại gùi lựu đạn, bông băng thuốc men lầm lũi đi trong màn đêm đen ngòm về các vị trí đã được xác định, rồi nhanh chóng triển khai đào hào, công sự trận địa, sắp xếp đội hình chiến đấu phòng ngự.
Đến gần sáng mới xong mọi công việc. Ông Quyền cùng đồng đội vừa chợp mắt được một lát thì đã choảng tỉnh dậy vì tiếng vọng của pháo nổ, tiếng hỏa lực hòa lẫn với tiếng súng bộ binh, vang lên từ phía xa xa và càng lúc càng kéo đến gần.
Còn tiếp…
Hải Minh – Lê Hồng(Theo hồi ký Giữ đất đón xuân, và ký ức của cựu binh Phạm Ngọc Quyền cùng các đồng đội)
Bình luận