Sáng 8/3, xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, HĐXX tiếp tục phần xét hỏi đối với hành vi phạm tội của các bị cáo.
"Quà nghỉ việc" 20 tỷ đồng
HĐXX hỏi đến nhóm bị cáo thuộc nhóm bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó có cựu Trưởng ban kiểm soát Ngân hàng SCB Phạm Thu Phong.
Theo cáo trạng, bà Phạm Thu Phong làm việc tại Ngân hàng SCB cũ từ năm 2007, sau đó tiếp tục công tác tại SCB sau sáp nhập đến năm 2018. Đến tháng 4/2019, bà chính thức xin nghỉ.
Quá trình đảm nhận chức vụ, bị cáo Phong đã không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ quy định của Ban Kiểm soát và Trưởng ban Kiểm soát trong quá trình SCB cấp tín dụng đối với nhóm khách hàng thuộc nhóm Trương Mỹ Lan. Bị cáo Phong đã không phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có biện pháp xử lý đối với các sai phạm của SCB trong hoạt động cấp tín dụng này, dẫn đến các khoản vay còn dư nợ đặc biệt lớn, SCB không có khả năng thu hồi nợ.
Hành vi của Phạm Thu Phong gây thiệt hại cho SCB 90.000 tỷ đồng, sau khi trừ các tài sản đảm bảo.
Bị cáo Phong khai, dù đảm nhận trách nhiệm kiểm soát nhưng khi kiểm toán nội bộ không tiếp cận được hồ sơ, không có bằng chứng kiểm tra rõ ràng, không đánh giá được tình trạng tài chính SCB.
Bị cáo có trình bày với Chủ tịch HĐQT SCB giúp bản thân mình hoàn thành nhiệm vụ, còn không sẽ xin nghỉ. Tuy nhiên, vị chủ tịch lúc ấy nói hiện tại nhiều người xin nghỉ, động viên Phong gắng làm thêm 1 năm để hoàn tất thanh tra.
Trình bày về lý do nghỉ việc tại Ngân hàng SCB, Phong cho biết mặc dù ban kiểm soát theo quy định có các quyền hạn nhưng trên thực tế, các bộ phận của ngân hàng SCB không hợp tác nên không thể thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình nên nghỉ việc.
Chủ tọa: Khi xin nghỉ, bà Trương Mỹ Lan có thưởng gì cho bị cáo không?
Bị cáo Phong trả lời "thông qua tài xế của chị Lan, chị Lan có hỗ trợ quà nghỉ việc cho bị cáo là 20 tỷ đồng. Số tiền này bị cáo đã nộp lại toàn bộ trong quá trình điều tra".
Biết sai, vẫn làm
HĐXX thẩm vấn 7 bị cáo trong nhóm các công ty thẩm định giá liên quan hành vi phạm tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Quá trình thực hiện các khoản vay, theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, Nguyễn Phương Hồng (Giám đốc SCB Chi nhánh Sài Gòn) đã chỉ đạo Lê Anh Phương (nguyên Giám đốc SCB Chi nhánh Sài Gòn); Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó TGĐ Ngân hàng SCB) chỉ đạo Bùi Ngọc Sơn (Phó giám đốc Phòng tái thẩm định Ngân hàng SCB) và Lê Văn Chánh (Giám đốc Khối hỗ trợ kinh doanh - Ngân hàng SCB) phối hợp với Nguyễn Phương Anh.
Sau đó trực tiếp hoặc qua trung gian để liên hệ với các công ty thẩm định giá gửi thông tin về tài sản, mức giá cần thẩm định, ấn định ngày phát hành chứng thư thẩm định giá theo yêu cầu của SCB. Các công ty thẩm định giá và các cá nhân môi giới, trung gian biết rõ mục đích của việc phát hành chứng thư được sử dụng để vay vốn.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã không tuân thủ quy định của pháp luật, không tiến hành thẩm định giá mà chỉ ký phát hành chứng thư theo yêu cầu của SCB; không tuân thủ đúng các quy trình, quy định về định giá; các tài sản chưa đủ căn cứ pháp lý nhưng vẫn thẩm định giá theo yêu cầu của SCB.
Theo nội dung chứng thư, định giá theo yêu cầu của khách hàng là người vay vốn, nhưng trên thực tế SCB lại tổ chức thuê thẩm định giá và trả tiền thẩm định giá. Có 3 công ty không ký hợp đồng định giá mà chỉ ký phát hành chứng thư và nhận phí thanh toán bằng tiền mặt.
Như vậy, các thẩm định viên của các công ty thẩm định giá đã thông đồng qua trung gian hoặc trực tiếp với các cá nhân tại SCB để hợp thức thủ tục hồ sơ vay vốn gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 127.000 tỷ đồng.
Bị cáo Lê Huy Khánh (Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá Tầm Nhìn Mới) phát hành 2 chứng thư là 100 Hùng Vương và dự án Khu dân cư Long Phước (Đồng Nai) với chi phí 150 triệu đồng/chứng thư.
Ông Khánh khai, công ty mới hoạt động trải qua đợt dịch không có việc làm, nên mới nhận làm. Vì tồn tại của công ty nên bất chấp nhận làm để có phí trang trải cho công ty.
Nhận thức là cung cấp thẩm định bình thường cho SCB, không biết hành vi đã giúp sức để chiếm đoạt tiền của SCB, không hưởng lợi. Không nhận hết tiền phí thẩm định, mới tạm ứng một phần. Hợp đồng là 200 phí thẩm định, nhưng chỉ mới nhận 150 triệu đồng. Đã nộp 50 triệu đồng khắc phục hậu quả.
Đối với Công ty thẩm định giá Thiên Phú, theo hồ sơ, Trần Văn Nhị (Phó GĐ Công ty TNHH hãng kiểm toán và định giá ATC chi nhánh TP.HCM) chính là người môi giới Công ty thẩm định giá Thiên Phú cho SCB.
Theo cáo buộc, Trần Văn Nhị đã thống nhất với Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng Giám đốc SCB), Bùi Ngọc Sơn nhằm liên hệ, thỏa thuận để Trần Thị Kim Ngân phát hành 2 chứng thư thẩm định giá liên quan đến 2 dự án Mũi Đèn Đỏ, và dự án 100 Hùng Vương (Quận 5, TP.HCM).
Theo đó, 2 chứng thư này đều ghi lùi ngày, nâng khống giá trị tài sản để SCB đưa vào hợp thức hồ sơ thế chấp, hồ sơ vay vốn, giải ngân cho 65 khoản vay, rút tiền cho Trương Mỹ Lan sử dụng.
Tổng dư nợ các khoản vay trên tính đến ngày 17/10/2022 là 127.000 tỷ đồng. Hành vi của Trần Văn Nhị đã gây thiệt hại cho SCB 110.000 tỷ đồng.
Các bị cáo còn lại trong nhóm này cũng thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố.
Bình luận