Thôn nghèo vui như có hội
Cả 2 thôn trên trước kia cùng chung một làng do nằm cạnh sông Ba (hay còn gọi là sông Đà Rằng). Tuy nhiên, thật khó mà người dân ở đây có thể nói đúng tên làng của mình bởi từ rất lâu rồi người ta đã không dùng đến nó, và vì nó cũng có nhiều tên gọi khác nhau qua từng bước thăng trầm.
Nhiều người dân sau khi được chúng tôi hỏi thì họ chỉ biết trả lời “nôm na” rằng là làng sông Ba và có chung đặc điểm là làng nghèo khó.
Mang cái tiếng là thành phố nhưng cuộc sống của người dân thôn Ngọc Phước chẳng khác gì thôn quê. Nhà cửa lụp xụp, những con đường nhựa, bê-tông được coi là “huyết mạch” của thôn cũng chỉ vừa đủ cho một chiếc xe tải hạng nhẹ lưu thông.
Đó là chưa nói mặt đường nham nhở, nước bùn tù đọng. Thậm chí, ngay tấm biển của nhiều quán xá chỉ được dựng sơ xài cho có… biển. Người dân ở đây phần lớn là công nhân, một số người còn vào trung tâm TP. Tuy Hòa để buôn báo dạo.
Những người trúng số phát gạo cho dân nghèo |
Tạt vào một quán nước bên đường, chị chủ quán cho biết: “Do mấy hôm nay trong thôn có người trúng số độc đắc nên nhiều người tụ tập bàn tán, chứ ngày thường thì họ đi làm cả, thôn xóm vắng teo”.
Cái sự tấp nập mà chị chủ hàng nước nói đấy là hình ảnh từng nhóm vài người ngồi đầu ngõ, hay dưới tán cây to để trò chuyện. Đa phần là những người già và trẻ em, vì những người khỏe mạnh đều đi làm cả.
Thậm chí, có nhiều người vì nặng gánh mưu sinh nên đến gần khuya mới về, có người gần trưa thì chạy về nhà lùa vội miếng cơm rồi tiếp tục công việc mà không hề có lấy vài phút nghỉ ngơi.
Ông Trần Khải nhà gần chợ Xéo ở thôn Đông Phước (khu chợ có bà Dư trúng 8 tờ vé số độc đắc), không giấu nỗi sự hân hoan: “Mấy hôm nay nhờ có cái vụ trúng số này mà cái thôn này được “nổi tiếng” chứ bình thường mà mấy ai để ý.
Nhờ vậy mà không khí trong thôn thay đổi hẳn, vui thiệt!”. Cũng theo ông Khải, ngoài những ngày lễ hội thì mấy ngày qua là những ngày nhộn nhịp hiếm có của thôn nghèo này.
Như người mất hồn vì… một bước lên tiên
Lúc chúng tôi ngồi ở quán nước vỉa hè, một anh bán vé số cho biết, toàn bộ số vé trúng giải đặc biệt trên đều được phân phối bởi một đại lí vé số trên địa bàn xã Hòa An. 30 tờ ấy được chia cho 5 – 6 người bán vé số dạo, đa phần những người này chỉ bán ở hai thôn Đông Phước và Vĩnh Ngọc. Đấy chính là lý do vì sao mà số lượng lớn vé trúng đặc biệt thuộc về người dân ở 2 thôn này.
Về 2 thôn này lấy thông tin, có một chuyện khá hài hước rằng, ban đầu, những người dân ở đây còn nghi ngờ phóng viên đến vì mục đích… “xin đểu”. Bởi thế, họ cảnh giác, giấu nhẹm chuyện trúng lộc lớn của mình.
Mãi cho đến khi biết chúng tôi là phóng viên đi lấy tin thì họ nhiệt tình kể tên những người trúng thưởng, thậm chí là còn chỉ nhà và cho biết người đấy trúng mấy tờ.
Ông Nguyễn Thìn và tớ hóa đơn vừa đi nhận tiền về |
Để “củng cố” lòng tin của chúng tôi, ông còn chạy vô trong buồng để lấy hóa đơn nhận tiền cho chúng tôi xem. Qua hóa đơn này, chúng tôi biết được ông trúng 2 tờ độc đắc với tổng giải thưởng là 250 triệu, và số tiền mà ông thực lãnh là 227 triệu sau khi trừ 23 triệu tiền thuế. Đợi khách xem xong hóa đơn, ông làm một “lèo” cho chúng tôi nghe về những người có cùng niềm vui như ông.
Theo ông Thìn thì nhà ông sống chủ yếu dựa vào nghề buôn bán nhỏ. Thỉnh thoảng, ông mới mua vé số. Ông có thói quen là mua đúng 2 tờ ở một quán cà phê cách nhà không xa.
Ông kể: “Hôm đó, khi tôi đang ngồi cà phê sáng với mấy người bạn ở quán đó thì có một bà tới mời mua vé số. Nhìn thấy dãy số 06868 đẹp và nghe nói đó là số “phát lộc, phát tài” nên tôi mua lấy 2 vế để lấy hên nhưng không ngờ… hên thiệt! Khi biết mình trúng giải, tôi như muốn phát điên lên vì không ngờ đến gần cuối đời mình mới có được món tiền lớn đến thế!”.
Đã vài ngày trôi qua khi biết mình “bỗng dưng giàu” nhưng bà Lê Thị Đủ (70 tuổi) vẫn không kìm nén được sự vui mừng.
Những tờ vé số trúng giải đặc biệt |
Trong khi những người khác “chỉ” trúng được 1 hoặc 2 tờ thì bà Đỗ Thị Dư (45 tuổi) trúng đến 8 tờ đặc biệt. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến thì vợ chồng bà đã đưa nhau về thăm họ hàng 2 bên để loan báo tin mừng.
Được biết nhà bà rất khổ, chồng bà phụ hồ, bà thì bán thịt heo ở chợ làng, nhà lại đông con và phải nuôi cha mẹ già bệnh yếu nên cuộc sống luôn bấp bênh. Theo một số người dân ở gần chợ Xéo (gần nhà bà Dư), thì 8 tờ vé số đó bà mang đến tiệm vàng để đổi với số tiền gần 1 tỉ đồng sau khi trừ thuế và phí hoa hồng. Với số tiền lớn đó, công việc đầu tiên của bà là chuộc lại mảnh đất đã cầm cố trước đó do kinh tế khó khăn.
Giàu chẳng quên nghèo
Nói như ông Nguyễn Thìn: “Mình hưởng lộc trời thì phải san sẻ cho bà con nghèo khó thôi”. Đó chính là lý do vì sao mà ông và nhiều người trúng số khác đã tự mua gạo về phát cho dân nghèo, bên cạnh đấy họ còn cho những người rất khó khăn một ít tiền để trang trải. Cụ Nguyễn Thị Thi (69 tuổi), kể: “Hồi sáng tôi cũng được nhận gạo của ông Thìn, ổng tốt bụng thiệt, chắc vì vậy mà trời thương”.
Với số tiền có được, sau khi trả nợ nần, họ đều dành cả cho việc làm ăn. Vì vậy mà nhiều người vừa trúng số độc đắc vẫn đi làm bình thường, thậm chí khi chúng tôi đến nhà phải nhờ người thân hay hàng xóm ra đồng gọi về. Chồng bà Đủ chân chất: “Với số tiền này vợ chồng tui cho 5 đứa con mỗi đứa 20 triệu. Số còn lại dùng để trả nợ, bỏ vốn làm ăn và để dành dưỡng già”.
Trao đổi với phóng viên, ông Trương Văn Thạnh, Trưởng thôn Đông Phước, tâm sự: “Bản thân tôi rất vui vì nhiều người dân trong thôn trúng số. Vui hơn nữa khi họ biết dùng số tiền ấy cho việc giúp đỡ những người nghèo khó khác, cũng như biết để dành cho việc làm ăn”.
TheoBáo Gia đình và Cuộc sống
Bình luận