Hãng tin RT ngày 2/8 dẫn lời ông Phó Thông, Cục trưởng Cục Kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng Mỹ nên rút toàn bộ vũ khí hạt nhân khỏi châu Âu và chấm dứt vệc triển khai vũ khí hủy diệt hàng loạt ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
“Mỹ nên rút toàn bộ vũ khí hạt nhân của họ khỏi châu Âu và chấm dứt việc triển khai vũ khí hạt nhân ở bất kỳ khu vực nào”, ông Phó Thông phát biểu tại Hội nghị rà soát Hiệp định không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) lần thứ 10.
Đại diện ngoại giao Trung Quốc cũng cho rằng cái gọi là “thỏa thuận chia sẻ hạt nhân” giữa các quốc gia “làm tăng nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân và xung đột hạt nhân”. Các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân nên ngừng “xúi giục chia sẻ hạt nhân hoặc các hình thức dàn xếp răn đe hạt nhân khác”, quan chức Trung Quốc nói thêm.
Ông Phó Thông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế “bác bỏ các tiêu chuẩn kép trong vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân”.
Theo RT, quan chức Trung Quốc đang ngầm ám chỉ đến hiệp ước an ninh AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia, nhằm trang bị cho Canberra các tàu ngầm tấn công hạt nhân, một ví dụ rõ ràng cho tiêu chuẩn kép trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Phía Trung Quốc cũng kêu gọi Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt “bất hợp pháp” đối với Iran nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mở đường cho Tehran quay trở lại tiến trình kiểm soát hạt nhân như trước năm 2018.
Phát biểu về tình hình "phức tạp và nghiêm trọng" xung quanh chương trình hạt nhân của Triều Tiên, ông Phó Thông nhấn mạnh rằng cần theo đuổi "cách tiếp cận song phương và nguyên tắc hành động theo từng giai đoạn và đồng bộ" nếu các bên liên quan muốn đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Đồng thời, ông Phó Thông nói rằng Trung Quốc không cạnh tranh với các quốc gia khác về số lượng vũ khí hạt nhân và cam kết thực hiện nguyên tắc không là bên sử dụng trước.
“Trong mọi trường hợp, Trung Quốc sẽ không phải là nước sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên”, ông Phó Thông cho hay và nói thêm rằng Bắc Kinh luôn duy trì kho dự trữ hạt nhân ở mức tối thiểu để đảm bảo an ninh quốc gia chứ không để cạnh tranh với các nước khác về số lượng và khả năng trong lĩnh vực này.
Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) là một thỏa thuận quốc tế quan trọng nhằm ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân và công nghệ, thúc đẩy hợp tác trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và tạo điều kiện giải trừ hạt nhân.
Kể từ khi được thành lập vào năm 1968, hiệp ước này đã có sự tham gia của 191 quốc gia, trong đó có 5 quốc gia chính thức sở hữu vũ khí hạt nhân gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc.
Bình luận