Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động nhằm hợp pháp hóa cái gọi là “TP.Tam Sa” mà nước này ngang ngược lập ra cách đây hơn một tháng.
Bắt đầu từ tháng này, giới chức tỉnh Hải Nam sẽ tăng số chuyến của tàu tiếp tế Quỳnh Sa 3 đến đảo Phú Lâm từ 2 lên 4 chuyến/tháng, theo Tân Văn xã, hãng thông tấn lớn thứ hai của Trung Quốc. Đảo Phú Lâm, thuộc Hoàng Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và đặt trụ sở hành chính cho “TP.Tam Sa”.
Tàu Quỳnh Sa 3 khởi hành tới đảo Phú Lâm của Việt Nam - Ảnh: Nhân Dân nhật báo |
Tàu Quỳnh Sa 3 chuyên cung cấp nhu yếu phẩm cho quân đồn trú và ngư dân sống trái phép ở Phú Lâm. Tàu có khả năng chở 200 người và 750 tấn hàng hóa, chạy mất 15 giờ từ Hải Nam đến Phú Lâm. Chuyến đi gần đây nhất của Quỳnh Sa 3 khởi hành vào lúc 18 giờ ngày 24/8.
Ngoài ra, Tân Hoa xã đưa tin sáng 25/8, giới chức “TP.Tam Sa” cho khởi công xây dựng hệ thống xử lý nước thải cùng cơ sở tập kết, xử lý rác trên đảo Phú Lâm.
Đây được coi là dự án hạ tầng đầu tiên kể từ khi “TP.Tam Sa” được thành lập phi pháp hồi tháng 7, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Những động thái trên cho thấy Trung Quốc đang tăng cường hợp pháp hóa cái gọi là “TP.Tam Sa”, qua đó củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý trên biển Đông.
Bên cạnh đó, báo South China Morning Post dẫn lời đại tá Lý Kiệt tại Học viện Quân sự thuộc hải quân Trung Quốc dự đoán tàu sân bay đầu tiên của nước này “có thể đi vào hoạt động từ ngày 1/10” và “đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp”.
Cựu Ngoại trưởng Thái Lan cảnh báo Trung Quốc
Cựu Ngoại trưởng Thái Lan Surakiart Sathirathai đề nghị Trung Quốc tránh gây mâu thuẫn với ASEAN nếu không hiệp hội sẽ mất lòng tin với Bắc Kinh, theo báo Bangkok Post ngày 26/8.
Ông Sathirathai còn kêu gọi Trung Quốc cởi mở đối thoại trực tiếp với Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan về việc hợp tác quản lý nguồn tài nguyên nước.
Cựu ngoại trưởng cũng cho hay nhiều cựu quan chức và học giả trên thế giới sẽ tham dự một diễn đàn ở Bangkok từ ngày 4-5/9 để thảo luận kế hoạch lập Hội đồng Hòa giải và hòa bình châu Á với mục đích hỗ trợ các nước trong khu vực giải quyết mâu thuẫn, trong đó có tranh chấp biển Đông.
TheoMinh Trung - Văn Khoa/ Thanh Niên
Bình luận