• Zalo

Trung Quốc toan tính gì với tên lửa hành trình?

Thế giớiThứ Sáu, 28/02/2014 08:05:00 +07:00Google News

(VTC News) -Chuyên gia quân sự Nga lên tiếng về tính năng tên lửa hành trình Trung Quốc dựa trên nguyên mẫu từ thời Liên Xô và những toan tính của Bắc Kinh trong việc tấn công phủ đầu.

Truyền thông Nga nói Trung Quốc hiện sở hữu khoảng 500 tên lửa hành trình CJ-10 trên đất liền. 
Nếu ước tính này là đúng thì tên lửa hành trình của Trung Quốc đang biến thành một trong những yếu tố quan trọng tác động đến bối cảnh quân sự trong khu vực, - như đánh giá của chuyên viên Nga Vasily Kashin từ Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ.

Tên lửa Đông Phong của Trung Quốc


Đánh chặn loại tên lửa như vậy là việc khó khăn do không thể tiên đoán quỹ đạo bay của nó. Trong cuộc tấn công đồng loạt sử dụng nhiều tên lửa, hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm chiếc, chỉ một phần nhỏ trong số đó sẽ bị hệ thống phòng không triệt hạ. Trong khi đó, sự phá hoại cơ sở hạ tầng mà những tên lửa này gây ra sẽ rất lớn.

Các nước láng giềng của Trung Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân ngay từ bây giờ đã phải tính đến rằng Trung Quốc có thể sử dụng tên lửa hành trình vào những cuộc tấn công có độ chính xác như là “ca phẫu thuật”. Đối với Ấn Độ, khi suy xét khả năng tiềm ẩn này, cần bố trí các tên lửa đạn đạo mà họ không có nhiều ở phía nam bán đảo Indostan (để tăng phạm vi tầm bay xa), đồng thời tăng cường đầu tư cho lực lượng hạt nhân chiến lược của hải quân. Cả hai động thái đều tốn kém. Về Nhật Bản, cũng có thể giả định rằng đến khi nào đó Tokyo kiên quyết phấn đấu có được vũ khí hạt nhân của riêng mình, thì tên lửa hành trình sẽ là công cụ hiệu quả của người Trung Quốc để thực thi cuộc tấn công phủ đầu phi hạt nhân.

Trung Quốc 'khoe' tên lửa trong một cuộc duyệt binh


Phương tiện mang quan trọng đối với tên lửa hành trình là khu trục hạm thuộc series 052D, trên đó có thể bố trí các loại tên lửa khác nhau – phòng không, chống tàu ngầm, chống tàu nổi và chống tên lửa hành trình của đối phương. Có cả khả năng lắp đặt tên lửa cả cho tàu ngầm. Nhìn chung, Trung Quốc tự tin tiến lên vị trí thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ về cơ số tên lửa hành trình và sự đa dạng của các phương tiện mang. Thêm nữa là lực lượng Mỹ phân tán trên khắp thế giới, còn tên lửa hành trình của Bắc Kinh hiện nay tập trung tất cả trên lãnh thổ Trung Quốc, dưới sự chỉ huy quản lý thống nhất.

Câu hỏi đáng chú ý nhất là phương án tên lửa hành trình Trung Quốc mang đầu đạn hạt nhân. Hiện hữu khả năng như vậy. Kết cấu của tên lửa hành trình Trung Quốc dựa theo mẫu của tên lửa Liên Xô X-55, mà vào đầu những năm 2000 Trung Quốc đã mua một số của Ukraina – quốc gia kiểm soát xuất khẩu hoạt động rất kém và do vậy cũng là nơi trước đây Trung Quốc đã biết tranh thủ kịp mua các vật liệu nhạy cảm liên quan đến chế tạo tên lửa. Mà tính năng của X -55 là mang được vũ khí hạt nhân.

Trong hàng loạt nghiên cứu của Trung Quốc về tên lửa CJ- 10 có tính đến tiềm năng mang loại loại vũ khí như vậy, nhưng hiện thời chưa có bằng chứng nào về việc lắp đặt đầu đạn hạt nhân cho tên lửa. Nếu có, hẳn khó lòng tránh khỏi sự nhận biết của tình báo vũ trụ Mỹ. Có thể giả định rằng việc nâng cấp tái trang bị như vậy sẽ diễn ra trong tương lai, khi chế tạo những mẫu tên lửa hành trình mới có tầm bay xa lớn hơn và giảm sự nhận biết với radar, cũng như sau khi Không quân Trung Quốc có máy bay ném bom tầm xa và khả năng tiếp nhiên liệu trên không.

Năm 2012, Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) tranh cãi gay gắt với ước tính của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc Trung Quốc đang sở hữu bao nhiêu đầu đạn hạt nhân.

Trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Trung Quốc đang có khoảng 300 – 400 đầu đạn hạt nhân, CIA nói Bắc Kinh đang cất giấu số lượng đầu đạn hạt nhân lớn hơn thế nhiều trong các hầm chứa chôn ngầm dưới lòng đất.
Lâu nay, Bắc Kinh luôn khẳng định “vũ khí hạt nhân không phải là lựa chọn đầu tiên, chỉ trừ khi Trung Quốc phải hứng chịu sự tấn công hạt nhân của đối thủ.
CIA cho rằng, chính sách “không sử dụng vũ khí hạt nhân trước” dựa trên cơ sở là nước này chưa đủ tiềm lực hủy diệt hoàn toàn đối thủ cho dù có sử dụng vũ khí hạt nhân trước.

Tên lửa hành trình CJ-10 của Trung Quốc, ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh luôn bị cho là không minh bạch


Tuy nhiên, với việc thử hai loại tên lửa phóng từ mặt đất là Đông Phong – 41 và tên lửa phóng từ tàu ngầm Cự Lãng – 2, CIA nói có lẽ “Trung Quốc sẽ thay đổi chiến lược hạt nhân”.

Trong diễn biến khác, tờ Bưu điện Washington dẫn lời quan chức CIA nói “công nghệ hạt nhân đã được Trung Quốc đẩy mạnh từ 15 năm trước, nhưng việc này không được Mỹ và các nước sở hữu vũ khí hạt nhân chú ý nhiều”.

“Tuy nhiên, cũng cần khẳng định là cho dù Đông Phong – 41 có thể mang được nhiều đầu đạn thì khoảng cách công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn là vài chục năm”, nguồn tin CIA của tờ Bưu điện Washington nói thêm.



Bình luận
vtcnews.vn