Trung Quốc tham vọng xây dựng luật hàng hải, chuẩn bị cho cuộc chiến pháp lý

Tin tức Biển ĐôngThứ Năm, 11/03/2021 09:51:00 +07:00
(VTC News) -

Chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đặt tham vọng xây dựng luật hàng hải cơ bản trong kế hoạch 5 năm tới phản ánh mối quan ngại của nước này ngày càng tăng về Biển Đông.

SCMP đưa tin, kế hoạch 5 năm tới của Trung Quốc kêu gọi giảm thiểu rủi ro và chuẩn bị cho các cuộc chiến pháp lý về các tranh chấp trên biển, đồng thời thúc đẩy xây dựng luật hàng hải cơ bản. Kế hoạch này được nêu tại các phiên họp Quốc hội đang diễn ra ở Bắc Kinh.

“Phải nghiên cứu bối cảnh hiện tại, giảm thiểu rủi ro và chuẩn bị cho các cuộc đấu tranh pháp lý, đồng thời bảo vệ các lợi ích quốc gia trên biển”, SCMP trích dẫn nội dung kế hoạch 5 năm tới cho hay.

Đây là kế hoạch 5 năm đầu tiên của Trung Quốc kể từ khi nước này phớt lờ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) vào năm 2016 về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách phi lý của nước này ở Biển Đông. Theo phán quyết Tòa PCA, yêu sách của Bắc Kinh là không có cơ sở pháp lý.

Trung Quốc tham vọng xây dựng luật hàng hải, chuẩn bị cho cuộc chiến pháp lý - 1

Trung Quốc từ chối việc thực thi phán quyết của Tòa PCA về vụ kiện của Philippines năm 2016. (Ảnh: Weibo)

Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy xây dựng luật hàng hải cơ bản từ nhiều năm trước. Theo Wang Jiangyu - Giáo sư luật quốc tế tại ĐH Hong Kong, Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian để xây dựng khung khái niệm và các chi tiết của luật này.

“Trung Quốc đã phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Vì vậy, sẽ là vô nghĩa nếu luật hàng hải của nước này lặp lại các nội dung, điều khoản của Công ước Luật biển, đồng thời các điều khoản trong luật hàng hải của nước này sẽ khó có thể công khai trái với Công ước Liên hợp quốc”, ông Wang Jiangyu nói.

Theo ông Wang Jiangyu, việc nhấn mạnh tầm quan trọng của luật hàng hải không phải là điều mới đối với Bắc Kinh. Tuy nhiên, quyết định “thảo luận về vấn đề này trong một tài liệu cấp cao như vậy nói lên sự quan tâm của nước này đối với cuộc chiến pháp lý. Tuy nhiên, nước này sẽ cân nhắc trong việc quyết định mức độ tham gia đối với từng vụ việc liên quan đến tranh chấp lãnh hải", ông Wang Jiangyu nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia quan hệ quốc tế Đại học Nam Kinh Zhu Feng cho rằng, luật này rất phức tạp. “Nếu luật hàng hải Trung Quốc bao gồm các điều khoản cụ thể về tranh chấp chủ quyền, điều này sẽ khiến Trung Quốc vấp phải nhiều thách thức”, ông Zhu Feng nói.

Kế hoạch xây dựng luật hàng hải của Trung Quốc được đề ra sau khi nước này thông qua luật hải cảnh vào tháng 1, cho phép các tàu tuần duyên của họ bắn vào các tàu nước ngoài và phá dỡ các công trình được xây dựng trong vùng biển tranh chấp mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

"Luật hải cảnh vốn đã gây nhiều tranh cãi, vì vậy tôi nghĩ rằng cần thận trọng hơn với luật này", chuyên gia Zhu Feng cho hay.

Theo ông Zhu Feng, kế hoạch 5 năm mới không đề cập đến phán quyết Tòa PCA, song ngôn ngữ được đề cập trong nội dung kế hoạch cho thấy cảm giác khủng hoảng đang gia tăng trên Biển Đông. “Trung Quốc không muốn thấy một vụ kiện pháp lý khác, tuy nhiên, khả năng này còn bỏ ngỏ. Vì vậy, tôi nghĩ các vấn đề pháp lý đang được Bắc Kinh chuẩn bị”, ông Zhu Feng nói.

Kông Anh(Nguồn: SCMP)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp