Số liệu của Bộ Tài chính Trung Quốc vừa công bố hôm 5/3 cho thấy, trong năm nay, chi phí quốc phòng của nước này dự kiến tăng 6,8%.
Mặc dù mức tăng này chỉ cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với năm 2020, đây là mức tăng chi tiêu quốc phòng lớn nhất ở châu Á.
Với mức tăng này, ngân sách dành cho quốc phòng của Trung Quốc sẽ ở mức hơn 1.355 tỷ NDT (khoảng 209 tỷ USD).
Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ tư Ðại hội đại biểu nhân dân Trung Quốc khóa 13, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh quân đội Trung Quốc sẽ tăng cường huấn luyện để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Nhiều quốc gia lo ngại trước tuyên bố này khi Trung Quốc đang vướng vào hàng loạt tranh chấp với Ấn Độ, Mỹ và một số quốc gia khác ở Biển Đông và eo biển Đài Loan.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc trước đó cho biết 1/3 ngân sách sẽ được chi cho các dự án xây dựng cho các cuộc tập trận. Phần còn lại dành cho vũ khí, trang thiết bị và lương cho quân nhân.
Trong khi nhiều nước đang phải vật lộn với đại dịch, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất báo cáo tăng trưởng dương trong năm 2020 nhờ kiểm soát tốt đại dịch.
Nhiều quốc gia châu Á phải cắt giảm chi tiêu quốc phòng, như Thái Lan giảm 3,6% trong năm 2021.
Tháng trước, New Delhi công bố chi tiêu quốc phòng 49,6 tỷ USD, tăng 3,4%. Gần 19% ngân sách đó dành cho việc mua vũ khí.
Ở Nhật Bản, mức tăng là 0,5%. Tokyo đang tìm cách phát triển các tên lửa tầm xa trong bối cảnh lo ngại các thách thức an ninh từ Trung Quốc.
Ngân sách của quân đội Trung Quốc trong năm nay cao gần gấp 16 lần ngân sách của Đài Loan (13.2 tỷ USD).
Các nhà quan sát nhận định việc Bắc Kinh tăng ngân sách quốc phòng sẽ gây lo ngại cho khu vực. Bất chấp đại dịch, Bắc Kinh vẫn tiếp tục các hành động gây bất ổn trong nhiều khu vực trong đó có Biển Đông. Trung Quốc tiếp tục bồi đắp các thực thể trái phép tại vùng biển này, thực hiện nhiều cuộc tập trận phi pháp.
Một số chuyên gia lo ngại khi được bơm thêm ngân sách, Bắc Kinh sẽ gia tăng các hành động trên.
Theo Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Inhofe, tăng chi tiêu quân sự có thể giúp Trung Quốc thu hẹp khoảng cách với Mỹ. Ông Inhofe chỉ ra rằng việc Bắc Kinh đầu tư bền vững vào quân đội và tăng đều ngân sách mỗi năm giúp nước này vượt trên Mỹ trong một số công nghệ quan trọng như trí tuệ nhân tạo, vũ khí siêu thanh.
Điều này giúp Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Collin Koh - nhà nghiên cứu tới từ Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), các nước láng giềng sẽ nhìn nhận việc Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng với cảm giác không chắc chắn.
"Các nước có vấn đề an ninh trực tiếp với Bắc Kinh sẽ nhìn vào điều đó với một sự bất an không nhỏ", ông Koh cho hay.
Trong những năm gần đây, quân đội Trung Quốc tập trung vào việc nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và phát triển các loại vũ khí mới. Năm nay, Bắc Kinh sẽ hạ thủy tàu sân bay nội địa thứ hai. Bốn tàu khu trục tàng hình mới cũng dự kiến được đưa vào hoạt động.
Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh cho rằng việc tăng chi tiêu quốc phòng ở mức vừa phải cho thấy giới chức lãnh đạo Trung Quốc nhìn nhận khó có khả năng xảy ra xung đột.
Bắc Kinh tuyên bố sẽ giữ chi tiêu quân sự ở mức khoảng 1,3% GDP hàng năm, nhưng con số này từ lâu bị nghi ngờ.
Andrei Chang, tổng biên tập của Tạp chí Quốc phòng Kanwa có trụ sở tại Canada cho biết có rất nhiều khoản chi tiêu ẩn không được đưa vào danh sách chính thức của Trung Quốc.
"Trung Quốc đang nghiên cứu và phát triển nhiều hệ thống vũ khí mới, bao gồm hàng không mẫu hạm thế hệ mới và thế hệ kế tiếp, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa... Nhưng không chi tiêu nào trong số này được tính vào ngân sách", ông này cho hay.
Bình luận