Đổi mới công nghệ và nghiên cứu khoa học là chìa khóa của chiến lược phát triển Tầm nhìn 2035 được Trung Quốc công bố tại phiên họp Quốc hội nước này hôm 6/3. Tầm nhìn 2035 được Thủ tướng Lý Khắc Cường trình bày cùng với kế hoạch 5 năm tiếp theo.
Chiến lược Tầm nhìn 2035 vạch ra cách thức để Trung Quốc trở thành động lực đổi mới toàn cầu, bắt kịp mức thu nhập trung bình của các nước phát triển và cho thấy những thế mạnh hàng đầu thế giới về kinh tế, quản trị toàn cầu và quyền lực mềm, cũng như phát triển xanh.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Trung Quốc sẽ điều chỉnh lại chiến lược cải cách của nước này. Theo đó, sẽ chú trọng nhiều hơn vào chất lượng tăng trưởng trong tương lai, thay vì số lượng, trong đó với đổi mới công nghệ và nghiên cứu khoa học là chìa khóa.
Đáng chú ý, Trung Quốc sẽ ưu tiên, khuyến khích đổi mới, cũng như nhấn mạnh đến cách thức để thực hiện các đột phá trong chiến lược công nghệ quốc gia. Theo chiến lược này, Trung Quốc phải đạt được “những đột phá lớn trong công nghệ cốt lõi” vào năm 2035 và nâng cao thu nhập quốc dân trên đầu người lên mức trung bình của các nước phát triển.
Nguồn lực sẽ được Bắc Kinh tập trung vào các lĩnh vực khoa học như trí tuệ nhân tạo, thông tin lượng tử và mạch tích hợp… Đây là những lĩnh vực mà Trung Quốc đã “ngấm đòn” từ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Mục tiêu về thúc đẩy công nghệ mà Bắc Kinh vạch ra có thể sẽ khiến Mỹ và châu Âu phải dè chừng.
Một mục tiêu của chiến lược Tầm nhìn 2035 nêu ra là hướng đến việc Trung Quốc “cải thiện đáng kể” lợi thế của nước này trong hợp tác và cạnh tranh quốc tế. Trong đó, nhấn mạnh đến việc Trung Quốc nên tham gia sâu hơn vào việc thiết lập quy tắc toàn cầu trong các vấn đề hàng hải. “Chúng ta phải tham gia sâu hơn vào việc hoạch định và thực thi các quy tắc trong các cơ chế quản trị hàng hải quốc tế, và thúc đẩy một trật tự hàng hải quốc tế công bằng”, nội dung chiến lược nêu.
Trong khi đó, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, kế hoạch 5 năm không đề cập đến các mục tiêu tăng trưởng cụ thể, thay vào đó đặt tăng trưởng kinh tế của đất nước ở “phạm vi hợp lý” trước năm 2025. Điều này cho thấy, nước này chú trọng vào tăng trưởng chất lượng cao.
Các mục tiêu có tính ràng buộc được đặt ra đối với giáo dục, chất lượng không khí và giảm thiểu carbon. Trong khi đó, các mục tiêu không mang tính ràng buộc bao gồm đô thị hóa, việc làm và đầu tư nghiên cứu và phát triển. Trung Quốc cũng sẽ dành sự quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề sinh kế và môi trường.
Kế hoạch 5 năm cũng đề cập đến việc Trung Quốc đang đối mặt với “sự thay đổi sâu sắc so với các cường quốc toàn cầu”, cũng như những thách thức và cơ hội mới. Bắc Kinh cũng sẽ tích cực xem xét việc tham gia CPTPP và tìm kiếm các hiệp định thương mại khu vực tiêu chuẩn cao hơn. Theo dự kiến, kế hoạch 5 năm sẽ được thông qua vào tuần tới, vào cuối phiên kỳ họp Quốc hội lần này.
Sự thay đổi chính sách được công bố khi Bắc Kinh đang ráo riết chuẩn bị kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản vào ngày 1/7. Năm nay cũng có ý nghĩa đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, đây là cơ hội để vạch ra các kế hoạch dài hạn trước Đại hội Đảng lần thứ 20 vào năm tới.
Theo Steve Tsang, Giám đốc Viện Trung Quốc thuộc Trường nghiên cứu phương Đông và châu Phi (SOAS), ĐH London, việc thay đổi các số liệu tăng trưởng thô cho thấy Bắc Kinh thừa nhận rằng tốc độ tăng trưởng của những thập kỷ trước là không bền vững.
“Trước hết và quan trọng, điều này phản ánh sự thừa nhận thực tế của Trung Quốc. Nền kinh tế nước này đang thay đổi và không thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao của vài thập kỷ trước”, ông Steve Tsang cho hay.
Trong khi đó, Pang Zhongying, chuyên gia quan hệ quốc tế Đại học Hải Dương Trung Quốc ở tỉnh Sơn Đông, cũng cho rằng, sự điều chỉnh trong các kế hoạch cho thấy Bắc Kinh rất đề cao đến sự cạnh tranh công nghệ với Mỹ.
Bình luận