Hôm 5/3, Thượng viện Mỹ bỏ phiếu nhất trí thông qua dự luật thắt chặt kiểm soát các trung tâm văn hóa do Trung Quốc tài trợ trong khuôn viên trường đại học (Viện Khổng Tử). Đây là dự luật mới nhất trong một loạt nỗ lực nhằm vào các trung tâm mà các nhà lập pháp Mỹ cáo buộc là công cụ tuyên truyền của Bắc Kinh.
Để trở thành luật, dự luật này phải thông qua Hạ viện và được Tổng thống Joe Biden ký thông qua. Hiện chưa rõ thời điểm dự luật này sẽ được gửi đến Hạ viện để bỏ phiếu.
Theo nội dung dự luật, Mỹ sẽ cắt giảm tài trợ của liên bang cho các trường cao đẳng hoặc đại học có Viện Khổng Tử, trừ khi các trường này đảm bảo có toàn quyền đối với Viện Khổng Tử, trong đó phải làm rõ được những khoản tài trợ mà họ nhận được cũng như danh sách những người làm trong các viện này.
Các quan chức Mỹ đã hối thúc đẩy chính quyền đóng cửa các Viện Khổng Tử. Hồi tháng 9 năm ngoái, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết, ông hy vọng tất cả các Viện Khổng Tử sẽ ngừng hoạt động vào cuối năm 2020.
Tuần trước, William Burns - người được Tổng thống Joe Biden đề cử làm Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, cho biết nếu ông là chủ tịch các trường cao đẳng hoặc đại học Mỹ, ông sẽ đề nghị đóng cửa các Viện Khổng Tử.
Theo cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, các Viện Khổng Tử là "thực thể thúc đẩy hoạt động tuyên truyền và ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh" và yêu cầu các viện này phải đăng ký như phái bộ nước ngoài, đồng nghĩa với việc họ phải báo cáo chi tiết thông tin nhân sự và kê khai tường tận tài sản ở Mỹ, dựa trên Đạo luật Phái bộ Nước ngoài năm 1982 (FMA).
Tính đến 2018, Trung Quốc thành lập 548 viện và gần 2.000 lớp học Khổng Tử ở 154 quốc gia, phần lớn nằm trong khuôn viên các trường đại học hoặc tổ chức ở nước ngoài. Mục tiêu của Viện Khổng Tử là giảng dạy ngôn ngữ, truyền bá văn hóa Trung Quốc. Đây được xem là một trong những phương tiện nhằm phát huy sức mạnh mềm của Bắc Kinh.
Bình luận