Trung Quốc lên án nước giàu trữ vaccine COVID-19

Thời sự quốc tếThứ Năm, 18/02/2021 20:30:14 +07:00
(VTC News) -

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cáo buộc các quốc gia phát triển dự trữ một lượng lớn vaccine COVID-19, khiến nguồn cung không đủ cho các nước nghèo.

Hôm 17/2, phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về COVID-19, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, hợp tác chống đại dịch không nên được xem là tổng bằng không (Zero-sum game - trò chơi mà phần thắng của người này đúng bằng phần thua của người kia), và Trung Quốc không có ý định địa chính trị trong việc cung cấp vaccine.

“Trung Quốc đã hỗ trợ vaccine cho 53 quốc gia, xuất khẩu các sản phẩm vaccine mà Bắc Kinh phát triển cho 22 quốc gia. Ngoài ra, Trung Quốc đã cung cấp 10 triệu liều vaccine COVID-19 cho sáng kiến COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và sẽ phân phối vaccine cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc”, Ngoại trưởng Vương Nghị cho hay.

“Trung Quốc không tìm kiếm bất kỳ mục tiêu địa chính trị hoặc lợi ích kinh tế nào trong hợp tác quốc tế vaccine COVID-19 và sẽ không gắn các điều kiện chính trị với điều đó”, ông Vương Nghị nhấn mạnh.

Trung Quốc lên án nước giàu trữ vaccine COVID-19 - 1

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. (Ảnh:  EPA-EFE)

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Trung Quốc chỉ trích sự bất bình đẳng ngày càng tăng trong việc phân phối vaccine và kêu gọi thế giới làm việc cùng nhau để đảm bảo các quốc gia đang phát triển có thể tiếp cận được vaccine.

“Các quốc gia có thu nhập cao dễ dàng sở hữu vaccine một cách nhanh chóng và với số lượng lớn, chỉ để lại một số ít cho các quốc gia nghèo. Điều này đã dẫn đến sự phân biệt, gia tăng khoảng cách phát triển giữa các quốc gia giàu và nghèo.

Chúng ta nên cùng nhau chống lại chủ nghĩa dân tộc vaccine, thúc đẩy phân phối vaccine công bằng và bình đẳng. Đặc biệt, cần làm cho việc tiếp cận vaccine dễ dàng hơn và có giá cả phải chăng cho các nước đang phát triển”, ông Vương Nghị cho hay.

“Tất cả các quốc gia nên đoàn kết thay vì chia rẽ, và kiên quyết đi theo con đường hợp tác chống lại dịch bệnh và cùng nhau vượt qua khó khăn. Hãy triệt tiêu tất cả các loại thông tin sai lệch và các nỗ lực chính trị hóa đại dịch”, Ngoại trưởng Vương Nghị nói thêm.

Đến nay, hơn 109 triệu người đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 2,4 triệu người chết. Cuộc đua sản xuất và phân phối vaccine đang được đẩy nhanh nhưng nhiều nước cho biết họ không có đủ nguồn cung.

Sáng kiến COVAX của WHO đã không đạt được mục tiêu bắt đầu tiêm chủng vaccine ở các nước nghèo, song song với việc tiêm chủng ở các nước giàu. WHO cho biết COVAX sẽ cần 5 tỷ USD trong năm nay để thực hiện chương trình tiêm chủng.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng chỉ trích việc phân phối vaccine COVID-19 "không đồng đều và không công bằng", cho biết 10 quốc gia sở hữu 75% tổng số vaccine và yêu cầu nỗ lực toàn cầu để mọi người dân ở mọi quốc gia được tiêm chủng càng sớm càng tốt .

“Hơn 130 quốc gia đã không nhận được một liều vaccine duy nhất. Những nước bị ảnh hưởng bởi xung đột có nguy cơ bị bỏ lại phía sau”, ông Antonio Guterres nói, cho biết phân phối công bằng vaccine là bài kiểm tra đạo đức lớn nhất.

Trong diễn biến liên quan đến việc mua vaccine COVID-19, Đài Loan cáo buộc Trung Quốc ngăn chặn nỗ lực mua vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 từ công ty dược phẩm BioNTech. Theo đó, hôm 17/2, người đứng đầu cơ quan Y tế Đài Loan, Chen Shih-chung, cho biết khi Đài Loan chuẩn bị ký hợp đồng mua 5 triệu liều vaccine COVID-19 từ công ty dược phẩm của Đức vào tháng 12 năm ngoái thì bất ngờ kế hoạch đổ vỡ.

“Chúng tôi tin rằng đã có áp lực chính trị. Chúng tôi đã trao đổi bản thảo thông cáo báo chí với đối tác. Mọi thứ thay đổi khi bước cuối cùng không được thực hiện”, Chen Shih-chung cho hay.

BioNTech có hợp đồng với Fosun Pharmaceutical, một đơn vị có trụ sở tại Thượng Hải, tập đoàn được niêm yết tại Hong Kong, làm đại lý phân phối. Trước đó, Đài Loan đã đàm phán trực tiếp với BioNTech từ tháng 6 mà không có sự tham gia của các nhà phân phối Trung Quốc.

“Chúng tôi thấy khôn ngoan khi trực tiếp đàm phán với người Đức hơn là thông qua một công ty Trung Quốc phải tuân theo chính sách của Bắc Kinh. Chúng tôi hiểu rằng, Fosun Pharmaceutical đã bị tác động khi chúng tôi sẵn sàng ký hợp đồng vào tháng 12”, Chen Shih-chung nói.

Kông Anh(Nguồn: SCMP, Financial Times)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp