• Zalo

Trung Quốc huỷ hoại Biển Đông không thương tiếc, nghề cá trước nguy cơ sụp đổ

Kinh tếThứ Tư, 31/08/2016 08:23:00 +07:00Google News

Nguyên phó Tổng cục trưởng Biển Đảo, PGS-TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng nghề cá đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ và hàng triệu ngư dân rơi vào cảnh khốn khó do Trung Quốc đang huỷ hoại Biển Đông không thương tiếc.

Tiếp nối bài viết Trung Quốc ‘càn quét’ quy mô chưa từng có, Biển Đông sắp cạn kiệt cá, PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường có bài phân tích gửi tới VTC News.

Ông cho rằng, Biển Đông đang bị Trung Quốc huỷ hoại không thương tiếc và nghề cá đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ, hàng triệu ngư dân rơi vào cảnh khốn khó.

tau-ca-trung-quoc-2232

Tàu cá Trung Quốc ồ ạt tiến ra Biển Đông

Biển Đông là một trong 4 biển có diện tích lớn trên thế giới, có trên 7.000 đảo lớn nhỏ phân bố gần bờ và tập trung thành các quần đảo (cụm đảo) lớn ở ngoài khơi xa như Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, Đông Sa (Đài Loan tuyên bố chủ quyền),…

Các quần đảo ngoài khơi được cấu thành từ các rạn san hô kế thừa trên nền đá núi lửa cổ, bao gồm các thực thể địa lý như đảo nhỏ (thường dưới 1km2), đá (reef), bãi cạn (shoal) và các vụng nước nông (lagun) trong các rạn san hô vòng (atoll). Rạn san hô (coral reef) là hệ sinh thái dễ bị tổn thương nhất trong đại dương và biển, là ‘ngôi nhà chung’ của khoảng 3.000 loài sinh vật trong Biển Đông.

chu hoi

 

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên là phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường. Hiện ông là Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển; tham gia nghiên cứu khoa học và giảng dạy tại ĐH Khoa học Tự nhiên thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội.

Đặc biệt, vùng biển nam Biển Đông, quanh quần đảo Trường Sa và mở rộng vào bờ biển đảo Luzon (Philipin), Brunei và Khánh Hòa-Ninh Thuận (Việt Nam) là nơi có đa dạng loài san hô cao nhất (khoảng 517 loài), gần bằng mức độ đa dạng loài san hô (566 loài) của Tam giác San hô Quốc tế mà trung tâm là vùng biển Indonesia và Philippines.

Không chỉ là ngôi nhà chung, các rạn san hô còn là ‘xưởng sản xuất’ cung cấp, phát tán và lan tỏacác chất dinh dưỡng, nguồn giống hải sản và các ấu trùng tôm cá,…từ các quần đảo ngoài khơi ra các phần biển còn lại của Biển Đông.

Nhờ đó, Biển Đông có mức đa dạng sinh học và giá trị bảo tồn cao, có nguồn lợi thủy sản phong phú, giàu có, mang không ít các giá trị di sản cấp  khu vực và toàn cầu. Biển Đông chiếm tới 1/10 tổng sản lượng cá đánh bắt trên thế giới và dự báo đến năm 2030 Trung Quốc sẽ chiếm 40% tiêu thụ cá toàn cầu.

Biển Đông cũng là một trong những hệ sinh thái biển lớn rất quan trọng trong khu vực và của thế giới.

Khoảng 300 triệu dân sống ở 9 quốc gia (Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Brunei, Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Campuchia) và 1 vùng lãnh thổ (Đài Loan) quanh biển này có sinh kế phụ thuộc vào nguồn lợi của khu vực biển này, đặc biệt thủy sản là nguồn sinh kế hàng ngày của các cộng đồng dân cư ven biển và trên các đảo.

Các nhà khoa học đã lượng giá kinh tế của một hecta rạn san hô là 350 nghìn USD hecta/năm. Điều này cho thấy, bảo vệ được môi trường biển và các hệ sinh thái của các quần đảo ngoài khơi, sẽ bảo đảm được an ninh môi trường, đa dạng sinh học và nghề cá toàn Biển Đông.

Tuy nhiên, các quần đảo/cụm đảo san hô ngoài khơi nói trên chứa đựng các lợi ích chiến lược đan xen của các quốc gia trong và ngoài khu vực Biển Đông, nên đã rơi vào tầm ngắm của các cường quyền nước lớn.

Video: Bộ đội biên phòng bắt quả tang tàu cá Trung Quốc đánh bắt trộm ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam

Với các tuyên bố chủ quyền đơn phương và yêu sách phi lý của ‘đường đứt khúc’ (còn gọi là đường lưỡi bò) chiếm hơn 80% diện tích toàn Biển Đông, Trung Quốc đã từng bước chiếm đóng trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và trên 7 bãi cạn trong cụm đảo san hô Trường Sa của Việt Nam.

Nghiêm trọng hơn, những tuyên bố và hành động đơn phương tôn tạo các bãi cạn thành các đảo nhân tạo của Trung Quốc gần đây chưa có dấu hiệu dừng, đang đe dọa đến an ninh môi trường và nghề cá của hàng triệu ngư dân trong khu vực Biển Đông.

Giáo sư E. D. Gomez (2015) đến từ Viện Khoa học biển, Đại học tổng hợp Philipin cho rằng ‘trong lúc vội vàng giành lấy sự kiểm soát Biển Đông, Chính phủ và lãnh đạo quân đội Trung Quốc có vẻ như rất ít hoặc không hề quan tâm tới sự thật rằng những rạn san hô, thảm cỏ biển và những hệ sinh thái biển nông ở Biển Đông đang bị phá huỷ và bị chôn vùi một cách nhanh chóng’.

Tính đến nay, Trung Quốc đã không chỉ lấn mở rộng gần 1.400 hecta ‘đảo nhân tạo’ từ các bãi cạn ở một số quần đảo trong Biển Đông, mà còn phá hủy nhiều ngàn hecta rạn san hô, thảm cỏ biển và các hệ sinh thái biển nông khác để lấy làm vật liệu tôn tạo thành các ‘đảo nhân tạo’ như vậy.

Việc làm này đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nghề cá của các quốc gia ven Biển Đông, bao gồm chính Trung Quốc với số tiền ước tính khoảng gần 500 triệu USD/năm. Con số thiệt hại này tiếp tục gia tăng, nếu Trung Quốc không dừng hoạt động khai phá và bồi đắp các bãi cạn làm đảo nhân tạo.

Các hành vi trên của Trung Quốc không chỉ làm thay đổi cấu trúc và chức năng tự nhiên vốn có của các bãi cạn, các đá và rạn san hô vòng ở quần đảo Trường Sa, mà còn ‘cắt đứt’ mối liên kết sinh thái giữa quần đảo này với phần còn lại của Biển Đông.

Điều này, gây ảnh hưởng rộng hơn đến khả năng cung cấp dinh dưỡng, nguồn giống và nguồn lợi thủy sản cho phần lớn Biển Đông và các vùng biển phụ cận của các quốc gia trong khu vực biển này. Ngư dân Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và cả chính ngư dân Trung Quốc sẽ phải gánh chịu thiệt hại.

GS. John McManus (Đại học Miami, Mỹ) cảnh báo ‘Chúng ta đang tiến tới sự đổ vỡ lớn trong nghề cá và thảm họa môi trường này sẽ ảnh hưởng cuộc sống của hàng triệu người ngư dân khu vực Biển Đông. Đã đến lúc phải hành động ngay bây giờ!’.

Ngoài ra, hoạt động khai thác hải sản mang tính hủy diệt của ngư dân Trung Quốc trong khu vực Biển Đông đã gây ra suy thoái hệ sinh thái và nguy cơ tuyệt chủng của một số loài, như: rùa biển (rùa xanh, đồi mồi,…), vài loài cá mập và các giống cá khác, đặc biệt là loài trai tai tượng khổng lồ.

Số lượng rạn san hô và loài cá ở các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông đã giảm từ 460 xuống 261 và danh sách loài trong tình trạng nguy cấp hiện bao gồm cả các loài nói trên. Trữ lượng hải sản khu vực quần đảo Trường Sa và phía tây Biển Đông được đánh giá là giảm khoảng 16% so với trước năm 2010.

Việc tiêu diệt các quần thể trai tai tượng ở các bãi cạn Hoàng Nham (Trung Quốc chiếm giữ của Philipin từ cuối năm 2012) cộng với khai thác khối lượng lớn các loại vỏ sinh vật từ bề mặt bãi cạn dẫn tới sự nhiễu loạn ‘sinh thái’ kéo dài, tiêu diệt nhiều loài sinh vật đáy,…Những chiếc vỏ như vậy được chạm khắc tinh tế, bán cho du khách và người địa phương ở Hải Nam, Trung Quốc.

Như vậy, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng các công ước quốc tế có liên quan, đặc biệt là Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), Công ước về Đa dạng sinh học (CBD), Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động thực vật đang bị đe doạ tuyệt chủng (CITES) và vi phạm điều 5, 6 trong Tuyên bố Ứng xử các Bên ở Biển Đông (DOC) mà chính Trung Quốc đã cam kết. Các hành động đứng trên pháp luật quốc tế, thiếu tôn trọng các cam kết song phương và với ASEAN như vậy đã vấp phải sự phản ứng quốc tế mạnh mẽ.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn bất chấp phản ứng của các nước trong khu vực và trên thế giới, vẫn ngang nhiên mở rộng xây dựng cơ sở hạ tầng các ‘đảo nhân tạo’ ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, công khai ‘quân sự hóa’ ẩn danh dưới chiêu bài ‘chiến tranh nghề cá’, không chỉ hủy hoại các hệ sinh thái, đa dạng sinh học và nghề cá trong Biển Đông mà còn làm gia tăng tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Cục diện Biển Đông thay đổi như vậy đã kéo theo xu thế ‘quốc tế hóa’ khu vực biển này dù chính Trung Quốc không muốn.

Trong bối cảnh như vậy, vào tháng 1/2013 Philippinesđã khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về Luật biển (ITLOS) liên quan đến vai trò của các quyền lịch sử và nguồn xác định quyền hưởng các vùng biển tại Biển Đông, quy chế của một số cấu trúc cụ thể và các vùng biển của các cấu trúc này, và tính hợp pháp của các hành vi của Trung Quốc mà Philippinescho là vi phạm UNCLOS.

ban do

Bản đồ Hải sản Biển Đông đang dần cạn kiệt - Nguồn: FAO

Trong số 15 đệ trình trong vụ kiện của Philipines đã đưa ra, Tòa đã lựa chọn, xác định đơn kiện đề nghị phán quyết về bốn vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong đó, hành vi gây hại cho môi trường biển và nghề cá Biển Đông của Trung Quốc đã được tòa phán quyết rõ ràng, khách quan và minh bạch.

Toà xem xét ảnh hưởng với môi trường biển của các hoạt động bồi đắp và xây dựng nhân tạo trên 7 cấu trúc của quần đảo Trường Sa gần đây của Trung Quốc, và nhận thấy rằng Trung Quốc đã gây hại nghiêm trọng với môi trường của các rạn san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe doạ và bị huỷ diệt.

Toà cũng cho rằng nhà chức trách Trung Quốc đã nhận thức được việc ngư dân Trung Quốc đã đánh bắt các loài rùa biển, san hô và trai tai tượng khổng lồ quý hiếm trên diện rộng ở Biển Đông và đã không thực hiện các nghĩa vụ của nước này trong việc ngăn chặn và chấm dứt các hoạt động này’.

Toà cũng nhận thấy rằng ‘việc bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc gần đây là không phù hợp với nghĩa vụ của quốc gia thành viên UNCLOS trong quá trình giải quyết tranh chấp, trong chừng mực mà Trung Quốc đã gây ra những tác hại không thể sửa chữa được với môi trường biển, xây dựng một đảo nhân tạo lớn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, và phá huỷ các bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc ở Biển Đông mà là một phần của tranh chấp giữa các Bên’.

tau ca trung quoc

Đội tàu cá ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc

Phán quyết môi trường cung cấp các nguyên tắc pháp lý quốc tế để các quốc gia liên quan trong khu vực Biển Đông và các quốc gia trên thế giới, các tổ chức môi trường trên thế giới và trong khu vực có cơ sở đấu tranh với các hành vi hủy hoại môi trường Biển Đông của phía Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc tiếp tục ‘kiên quyết’ bác bỏ kết quả phán quyết của Tòa Trọng tài, nhưng cả thế giới đang nhìn vào một ‘Trung Quốc’ cường quyền có tôn trọng công lý và công bằng hay không, có đang tay tiếp tục ‘đầu độc’ môi trường và ‘tước đoạt sinh kế của hàng triệu ngư dân trong khu vực Biển Đông, bao gồm ngư dân Trung Quốc hay không, đẩy họ vào cảnh khốn khó.

Sau phán quyết của Tòa Thường trực, có nhiều kiến nghị giải pháp khác nhau được đưa ra để yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết về môi trường nói trên.

Nhà nghiên cứu Mỹ James Borton (công tác tại Đại học Nam Carolina và Viện Mỹ-Á)cho rằng, việc đánh bắt cá quá mức và việc ngày càng nhiều rạn san hô bị tàn phá đòi hỏi sự can thiệp chính sách dựa trên khoa học.

Ông đề xuất ‘trước thực trạng số vụ va chạm giữa tàu cá ở khu vực tranh chấp ngày càng tăng, các nhà lãnh đạo ASEAN có lẽ nên tìm cách giảm số lượng vụ việc như vậy, thay vì dùng đến cách gửi thêm tàu ra hiện trường,…;thành lập Hội đồng Khoa học biển khu vực để xử lý các vấn đề suy thoái môi trường, thúc đẩy đối thoại; thành lập Công viên biển hòa bình ở Biển Đông, đề xuất một Ủy ban Khoa học để xem xét Hiệp ước Nam Cực như là một mô hình cho Biển Đông?’.

Các bên liên quan và Trung Quốc nên xem xét một số biện pháp xây dựng lòng tin thông qua đẩy mạnh thực hiện điều 5 và 6 trong Tuyên bố Ứng xử các Bên ở Biển Đông (DOC). Việc mở rộng hợp tác khoa học giữa các nhà khoa học biển của ASEAN; độc lập điều tra khoa học ở khu vực tranh chấp, các đảo nhân tạo là một nhu cầu thực tế khách quan.

Có thể nói, hòa bình và ổn định ở Biển Đông phụ thuộc vào luật pháp quốc tế có được tôn trọng và phán quyết của Tòa Trọng tài Hague, trong đó có phán quyết về môi trường có được các bên liên quan nghiêm chỉnh chấp hành và thực hiện hiệu quả hay không.

Video: Bộ đội biên phòng đuổi 6 tàu cá Trung Quốc vào sâu vùng biển Việt Nam

Việc phá hủy rạn san hô để mở rộng và xây dựng các bãi cạn thành đảo nhân tạo không những không làm thay đổi được vị trí pháp lý của các bãi cạn theo UNCLOS, mà còn hủy hoại môi trường ở khu vực biển Trường Sa và phần còn lại của Biển Đông.

Các giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề môi trường theo phán quyết chỉ có thể thực thi hiệu quả khi các bên liên quan tạo dựng được lòng tin chiến lược, ngồi vào bàn đàm phán, minh bạch thông tin và phối hợp hiệu quả.

Trước hết, Trung Quốc phải ngừng ngay việc tôn tạo, mở rộng các bãi cạn san hô ở khu vực các đảo giữa Biển Đông và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh họctheo quy định của pháp luật, không đẩy nghề cá khu vực đến nguy cơ đổ vỡ. Trong đó cần minh bạch thông tin và phối hợp với các bên liên quan cùng giám sát môi trường ở 7 bãi cạn Trung Quốc tôn tạo.

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi
Bình luận
vtcnews.vn