Cách đây hơn chục năm, khi quy định yêu cầu bắt buộc người điểu khiển xe máy phải đội mũ bảo hiểm trên mọi tuyến đường được thực hiện, nhiều cuộc tranh luận gay gắt đã nổ ra. Thậm chí nhiều sự chống chế bằng các loại mũ bảo hiểm thời trang 50 nghìn đồng ra đời nhan nhản khắp vỉa hè ngõ phố.
Nhưng sau 10 năm thực hiện, là thói quen ra đường phải đội mũ bảo hiểm của tất cả những người điều khiển xe máy, và giảm hơn 50.000 ca chấn thương sọ não; số người chết vì tai nạn giao thông cũng giảm xuống dưới 9000 ca mỗi năm.
Cấm xe máy ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM cũng vậy, đó là một việc khó, khó gấp nhiều lần quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm, vì nó sẽ tác động trực tiếp đến đời sống hàng ngày và cả kế sinh nhai của hàng ngàn hàng vạn người dân.
Nhưng khó - chứ không phải không thể làm. Vì chỉ có giải quyết tình trạng ì ạch nhích trên đường hàng centimet, với đủ thứ khí bụi ô nhiễm, với nguy cơ mất an toàn hàng giờ hàng phút, với cách hành xử vô văn hóa chợ búa khi ra đường, thì mới có thể kéo cả đoàn tàu hàng triệu người mệt mỏi chen chúc giữa dòng đường kia, thoát ra khỏi sự trì trệ.
Người hàng xóm Trung Quốc đã phóng tàu vũ trụ từ bao giờ, khai phá những thứ con người chưa dám tưởng tượng, Việt Nam vẫn mang tư duy tiểu nông loay hoay quanh việc cấm xe máy, thì đến khi nào chạm tới văn minh?
Chúng ta từng đổ lỗi cho việc chưa có hệ thống giao thông công cộng đủ đáp ứng nhu cầu của người dân, và đặc biệt vin vào 2 chữ "mưu sinh" để lấy lý do cho sự trì hoãn việc cấm xe máy ở các đô thị lớn.
Nhưng giờ, trước sự cấp bách của việc mỗi năm có tới hơn 8000 người chết, 15000 người bị thương vì tai nạn giao thông - như cách so sánh là bằng dân số một huyện, trước sự bức thiết cao nhất của việc phát triển các đô thị, đã đến lúc không có lý do gì để ngụy biện.
Xe bus khắp các phố, tuyến BRT đã mở, đường sắt trên cao sắp sửa được nghiệm thu, Metro đang đốc thúc hoàn thiện, những dự án tiếp tục được lên phương án triển khai - 10 năm nữa sẽ là hạ tầng giao thông công cộng rất khác so với bây giờ - thì lý do gì để kêu ca không có và không đủ?
Còn mưu sinh - đó là ngụy biện lớn nhất cho mọi sự bất tuân luật pháp ở đất nước này. Mưu sinh không phải nhất định bằng xe máy, không phải nhất định bằng tư duy ngõ xóm hàng rong, bằng thuốc lào xe ôm. Đã đến lúc, định nghĩa mưu sinh bằng những suy nghĩ văn minh hơn.
Cần nhớ, trên thế giới, không chính quyền đô thị nào có thể đảm bảo đủ đường sá cho dân đi lại thông thoáng nếu 100% người dân sử dụng phương tiện cá nhân. Hơn nữa, phải nhìn vào thực tế rằng, mật độ phương tiện lưu thông trên đường của Hà Nội đang vượt 4 lần so với năng lực thiết kế. Điều đó có nghĩa nếu không cấm dần các phương tiện cá nhân (bao gồm xe máy, ô tô), cảnh tắc đường sẽ không thể giảm bớt mà thậm chí ngày càng khủng khiếp hơn.
Nói vậy để thấy, thậm chí hơn chục năm nữa Hà Nội mới bắt đầu thực hiện việc cấm xe máy, có khi tương đối muộn. Nhiều nước láng giềng đều đã cấm từ lâu. Dù thuộc một nước nghèo nhưng 16 năm trước, thành phố Yangon (Myanmar) đã cấm xe máy trong nội thành, tức là còn sớm hơn cả việc chúng ta bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Đường phố Yangon mặc dù không được đầu tư nhưng rất thông thoáng, sạch sẽ.
Năm 2007, thành phố Quảng Châu trở thành địa phương đầu tiên của Trung Quốc áp dụng chính sách cấm lưu thông xe máy. Xin nói thêm là Quảng Châu là thành phố lớn thứ 3 của Trung Quốc nên khi đó lượng xe máy ở Quảng Châu đạt con số kỷ lục, nhưng họ vẫn cấm vì nhìn thấy được lợi ích lâu dài.
Nếu không cấm, thật khó tưởng tượng nổi Quảng Châu giờ sẽ ra sao.
Tất nhiên, không phải nói là làm ngay tắp lự, mà từ đây cho tới khi việc hạn chế và cấm xe máy bắt đầu còn tới hơn 10 năm nữa. Sẽ còn rất nhiều việc phải làm và còn nhiều những cuộc tranh luận nữa diễn ra. Nhưng dù có bất cứ lý do gì được đưa ra, chúng ta vẫn phải nhìn nhận thực tế rằng việc cấm xe máy là điều cần thiết, bắt buộc để thúc đẩy Hà Nội phát triển. Đó chắc chắn sẽ là một cuộc ‘đại phẫu’ đau đớn, nhưng không thể không làm. Khối u không cắt, thì còn dai dẳng và gây nhức nhối.
Năm 2015, Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair từng có một câu nói rất hay rằng: "Không có phản đối, cần xem lại đề xuất đó có hay hay không". Dường như câu nói này đang rất đúng với đề xuất cấm xe máy tại các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội và TP.HCM.
Chúng ta lúc nào cũng kêu gọi phải văn minh, phải đổi mới, thế thì tại sao cấm xe máy vào nội thành lại không ủng hộ? Văn minh ở đấy chứ đâu.
Người Việt mình rất lạ, cứ bị động tới lợi ích là nhao nhao phản đối. Những lời kêu ca chẳng qua là vì lợi ích cá nhân và nhận thức kém, tầm nhìn không bắt kịp với sự phát triển của xã hội. Hãy nghĩ đến việc nếu một cơ hội đóng lại thì cơ hội khác sẽ mở ra, xã hội sẽ tự vận động, thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh.
Cái khó không nằm ở việc chúng ta sẽ đi gì, đi như thế nào mà nằm ở ý thức hệ, tư duy không thích đổi mới của đại đa số người Việt. Để phát triển, để văn minh chúng ta cần phải hy sinh. Xe máy tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, chộp giật, vì sự tiện lợi và kinh tế. Còn xã hội là của cả cộng đồng, lẽ dĩ nhiên không nên tồn tại chủ nghĩa cá nhân.
Thật buồn là trong khi nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có nước láng giềng Trung Quốc, đã tiến một bước rất dài, khi đang tập trung để phát triển ngành công nghiệp vũ trụ, đưa con người đến với những hành tinh xa xôi, khám phá những điều con người còn chưa tưởng tượng ra, thì tại Việt Nam, chúng ta vẫn đang đau đầu với bài toán thay đổi tư duy, ý thức hệ, vẫn cãi nhau việc có nên cấm xe máy hay không?
Loay hoay tiểu nông, thì khi nào mới khá được?
Bình luận