• Zalo

Trẻ từng mắc COVID-19 khi nào cần được khám lại?

Tư vấnThứ Hai, 11/04/2022 12:18:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Ngoài việc tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ (nếu có), trẻ từng mắc COVID-19 cần được đưa đi khám lại khi xuất hiện một số triệu chứng đáng lo ngại.

PGS.TS Trần Minh Điển – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, với trẻ em, hậu COVID-19 là thuật ngữ chỉ một nhóm triệu chứng như mệt mỏi, rối loạn vị giác, đau đầu, ho, khó thở… tồn tại lâu dài trong vòng 3 tháng sau mắc COVID-19 và có ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày.

Các triệu chứng này có thể tồn tại từ lúc mắc bệnh hoặc mới xuất hiện sau khi đã khỏi bệnh và không do các căn nguyên khác gây ra.

Trẻ từng mắc COVID-19 khi nào cần được khám lại? - 1

Không phải tất cả các triệu chứng xuất hiện ở trẻ sau mắc COVID-19 đều là hậu COVID-19.

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám trong những trường hợp sau:

  • Trẻ có tiền sử mắc COVID-19 hoặc tiếp xúc với người mắc COVID-19, sống trong vùng dịch và có những triệu chứng như: Sốt cao liên tục, rối loạn tiêu hóa, phát ban ngoài da, môi lưỡi đỏ, mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, rối loạn vị giác, khứu giác, có các biểu hiện rối loạn cảm xúc, kém tập trung, giảm trí nhớ, khó khăn trong học tập, ho kéo dài, đau họng, khó thở, đau khớp, đau cơ, nặng ngực, hồi hộp đánh trống ngực.
  • Trẻ xuất hiện bất kỳ dấu hiệu/triệu chứng nào mà trước khi mắc COVID-19 không hề có.

Việc đưa trẻ đi khám sẽ giúp xác định bệnh và có chế độ điều trị, can thiệp, chăm sóc hợp lý.

Trường hợp trẻ từng phải nhập viện trong đợt mắc COVID-19 cấp tính, cha mẹ nên cho đi khám lại theo lịch hẹn của cơ sở y tế (nếu có).

“Ngoài ra, dù trẻ không có các triệu chứng nghi ngờ của hậu COVID-19, cha mẹ cũng có thể đưa tới khám bác sĩ nhi khoa vào khoảng 4 – 12 tuần sau mắc COVID-19 để được kiểm tra, tư vấn về các vấn đề sức khỏe của trẻ” – PGS. TS Trần Minh Điển khuyên.

Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cũng lưu ý, không phải tất cả các triệu chứng xuất hiện ở trẻ sau mắc COVID-19 đều là hậu COVID-19. Trước khi kết luận triệu chứng đó do hậu COVID-19, cần loại trừ các nguyên nhân khác. Ví dụ, một em bé đến khám vì ho kéo dài, sụt cân sau mắc COVID-19 có thể bị bệnh lao phổi hoặc các bệnh lý hô hấp khác.

Khi tới bệnh viện, trẻ sẽ được các bác sĩ thăm khám, đánh giá sức khỏe tổng thể, xác định các triệu chứng chính hiện tại. Nếu cần thiết, trẻ sẽ được hội chẩn hoặc khám lại bởi bác sĩ các chuyên khoa khác nhau. Ví dụ, trẻ bị đau ngực sau mắc COVID-19 sẽ được bác sĩ chuyên khoa tim mạch khám, trẻ ho sẽ được bác sĩ chuyên khoa hô hấp khám, trẻ có các vấn đề về tâm lý kéo dài sẽ được thăm khám bởi các bác sĩ tâm bệnh…

“Chỉ làm các xét nghiệm thăm dò cần thiết khi có biểu hiện triệu chứng, không chỉ định tổng thể (gói) quá nhiều xét nghiệm cho trẻ em. Nguyên tắc trong điều trị là phối hợp nhiều chuyên khoa, chẩn đoán bằng phương pháp loại trừ và điều trị triệu chứng, phục hồi chức năng và tự điều chỉnh” – PGS.TS Trần Minh Điển nhấn mạnh.

Thanh Hải
Bình luận
vtcnews.vn