• Zalo

Trái đất đang nóng lên: ‘Nhà khoa học Việt đang nói theo phong trào, thiếu chứng cứ’

Thời sựThứ Sáu, 11/08/2017 06:58:00 +07:00 Google News

TS Ngô Quang Toàn cho rằng, nhiều nhà khoa học trong nước nói nhiệt độ Trái đất đang nóng dần lên chỉ là nói theo phong trào chứ không đưa ra được những chứng cứ khoa học xác thực và cụ thể để chứng minh.

Bài viết‘Kỷ băng hà mới bắt đầu nên nói Trái đất đang nóng dần lên là lừa đảo’ của TS Ngô Quang Toàn, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng Khoa học và Công nghệ Biển (IARMST), thành viên Tổng hội Địa chất Việt Nam, với góc nhìn hoàn toàn mới về biến đổi khí hậu đã nhận được nhiều ý kiến phản biện. 

Để có những góc nhìn khoa học, đa chiều hơn, VTC News tiếp tục đăng tải bài viết của TS Ngô Quang Toàn về vấn đề này.

Lát cắt trầm tích: Chứng cứ “biết nói” về biến đổi khí hậu

Cho đến nay chưa có những nghiên cứu chi tiết về sự ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết - khí hậu (trong quá khứ và hiện tại) đến việc thành tạo vỏ phong hóa ở Việt Nam.

Hiện nay, về cơ bản, Việt Nam vẫn thuộc miền khí hậu cận nhiệt đới ẩm với mùa rõ rệt phù hợp với hai thời kỳ xâm nhập của gió mùa.

Năng lượng tổng cộng lớn hơn 100 kcal/cm2/năm, cân bằng bức xạ quanh năm dương và đạt đến 75 kcal/cm2/năm; nhiệt độ trung bình từ 22-27 độ C, tổng lượng nhiệt lớn hơn 100 độ C cả năm. Trong điều kiện đó, xu hướng chung là phát triển các vỏ phong hóa laterit hóa với các mức độ khác nhau.

ok1

 TS Ngô Quang Toàn: "Biến đổi khí hậu phải nhìn tổng thể, nói phải dựa trên căn cứ khoa học và có chứng cứ cụ thể, không phải cứ thấy người ta nói thế nào thì mình nói theo như thế theo kiểu phong trào được". 

Tuy nhiên, bức tranh đó không hoàn toàn thống nhất trong toàn lãnh thổ. Có những vành đai á nhiệt đới và ôn đới núi cao.

Ở vĩ tuyến 11-120 của Đà Lạt, ta vẫn gặp những rừng thông hai lá và ba lá thuần nhất, đại diện của xứ ôn đới. Các vành đai đó cũng gặp ở Đông Trường Sơn, Việt Bắc, Tây Bắc...

Ở những nơi đó, quá trình phong hóa laterit hóa bị yếu đi, xu hướng sialit hóa có biểu hiện rõ rệt hơn. Một số nơi có chỉ số khô nóng tăng cao, điển hình là vùng Phan Rang - Phan Thiết, trong vỏ phong hóa vùng này nhiều nơi có gặp các tích tụ calci dưới dạng kết vón.

Để thành tạo được vỏ phong hóa dày cần có một khoảng thời gian nhất định. Do đó, nói đến ảnh hưởng của khí hậu trong quá trình phong hóa phải đề cập đến lịch sử tiến hóa của cổ khí hậu.

Các kết quả nghiên cứu cổ khí hậu ở Việt Nam cũng rất tản mạn và hầu như chưa có kết quả định lượng.

Quá trình laterit hóa là quá trình phong hóa điển hình ở miền nhiệt đới nóng ẩm. Cơ chế đặc trưng của quá trình laterit hóa là giải phóng đưa ra khỏi vỏ phong hóa các nguyên tố kiềm (và kiềm đất) đồng thời tích tụ ngày càng nhiều nhôm và sắt. Quá trình này xảy ra cũng sẽ tạo vỏ phong hóa feralit, tích tụ hầu như tuyệt đối sắt và nhôm.

Nhiều nhà nghiên cứu quan niệm đó là sản phẩm cuối cùng của phong hóa laterit và không thể bị phong hóa tiếp tục trong điều kiện cân bằng hóa lý của môi trường tạo vỏ không bị phá vỡ. Thực tế phát triển vỏ phong hóa laterit ở Việt Nam cũng đã chứng minh điều đó.

Tuy nhiên, không phải ở bất kỳ chỗ nào quá trình phong hóa nhiệt đới ẩm cũng có đủ điều kiện để diễn ra đến giai đoạn cuối cùng mà thường dừng lại ở một giai đoạn nhất định, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của môi trường tạo vỏ, tạo ra các sản phẩm phong hóa trung gian cân bằng tự nhiên.

Với điều kiện môi trường hình thành các kiểu vỏ ferosialit, sialit... Chế độ nhiệt ẩm của các mùa trong năm cũng có ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của vỏ phong hóa laterit, đặc biệt là vỏ phong hóa laterit thấm đọng dưới dạng đỏ ong.

Đỏ ong được thành tạo trong vỏ phong hóa thông qua giai đoạn tạo sét loang lổ và cần có sự tương phản giữa hai mùa để vào mùa khô, mực nước ngầm hạ xuống, sắt và mangan trong các tầng sét bị oxy hóa tạo ra các vết đốm màu đỏ và vào mùa mưa chúng lại bị khử và trở nên di động tạo tầng sét loang lổ.

Chu trình này tiếp diễn lâu năm dẫn tới phần trên cùng của tầng sét loang lổ được tích lũy sắt, mangan với hàm lượng cao, trở nên già hóa và các kết tụ oxyt, hydroxyt sắt, mangan được gắn kết bởi vật liệu sét loang lổ, tạo đỏ ong thực thụ.

Tại sao lại phải nói sâu về phong hóa của các trầm tích, bởi đây là chứng cứ rõ ràng nhất của biến đổi khí hậu.

Nhà khoa học Việt đang “nói theo phong trào”

Liên quan đến biến đổi khí hậu, các nhà khoa học nghiên cứu về thời Đệ tứ người ta thường nghiên cứu về thành phần biến đổi vật chất, màu sắc của đất và đá, kể cả sinh vật lưu trữ trong đó.

Nghiên cứu mặt cắt hoặc lớp vật chất trong một lỗ khoan, thành phần hạt thô, mảnh đá còn tươi nguyên mà ít bị phong hóa sẽ nói lên điều gì?

Đó là khi khí hậu mát, bề mặt của mặt đá, mặt hạt cát chưa bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ và phong hóa nhiều thì nó mới còn tươi như vậy.

Thông thường những mẫu này thì màu sắc thường sáng, nó thể hiện môi trường trầm đọng và quá trình diễn ra rất nhanh, khí hậu lúc đó là mát.

Khi nói một thời kì khí hậu mát lạnh, các nhà khoa học quan tâm đến những vật liệu, những mảnh đá đấy bị phong hóa như thế nào. Bề mặt của những vật chất dưới lớp trầm tích nếu bị phong hóa cao thì thể hiện nhiệt độ nóng ấm và độ ẩm cao.

Khi thăm dò và phân tích các mẫu trầm tích, các thông số của nó nói lên rất nhiều về quá trình biến đổi khí hậu và quá trình đó đang diễn ra theo xu thế nào. Có thể nói, xu thế chủ đạo hiện nay của khí hậu vẫn đang là xu thế biển thoái.

Biển thoái thể hiện quá trình khí hậu mát dần. Nhưng mát dần chỉ có chu kì. Trong thời kì cách đây khoảng 4.500 năm thì biển tiến cực đại, sau đó biển lùi (cách nay khoảng 3.000 năm), sau đó dừng lại. Khí hậu khi đó giảm xuống một chút nhưng đến thời điểm cách đây khoảng 2.000 năm thì lại nóng lên một chút.

 
Các nhà khoa học trong nước cần phải đưa được ra những tài liệu cụ thể liên quan đến biến đổi khí hậu, những tài liệu xác thực và có tính khoa học nhất, liệu có làm được không?

TS Ngô Quang Toàn

Tuy nhiên, nhiệt độ nóng lên khi đó là so với phông nhiệt lúc đấy thôi. Sau 2.000 năm lại tiếp tục chu kì biển thoái kéo dài đến hiện nay. Và, sau 2.000 năm, nhiệt độ khẽ tăng lên một chút, song vẫn không đáng kể.

Thời gian qua các nhà khoa học đã nêu ra rất nhiều nguyên nhân để nhằm lý giải cho hiện tượng nhiệt độ tăng lên này.

Rằng đó là do khí thải nhà kính, là do nhiều nguồn khí thải từ sinh hoạt gây ra, khí thải mà sinh ra cộng hưởng với khí hậu nóng lên...

Trên thực tế, nếu chúng ta so sánh nhiệt độ tăng lên từ khí thải sinh hoạt với các hiện tượng sinh ra nhiệt từ tự nhiên như núi lửa phun hay khí nóng từ dưới lòng Trái đất đưa lên thì những biểu hiện của cái gọi là “hiệu ứng nhà kính” chưa là cái gì so với nhiệt độ khổng lồ thoát ra từ lòng đất cả.

Những đợt phun trào của núi lửa còn sinh nhiệt kinh khủng hơn nhiều. Cũng cần nói thêm là hiện nay cũng chưa có bất kì một cơ quan hay nhà khoa học nào nghiên cứu kĩ lưỡng về lượng nhiệt sinh ra từ các vành đai núi lửa ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương là bao nhiêu và nó tác động như thế nào đến nền nhiệt chung của Trái đất.

Cũng nên đặt ra câu hỏi là tại sao Mỹ gần đây đã tuyên bố hủy bỏ tham gia Nghị định thư Kyoto là Công ước khung Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu?

Đó là cả một câu chuyện dài. Người Mỹ không vô cớ rút bỏ khỏi chương trình này. Họ rút ra khỏi Nghị định thư Kyoto là có cơ sở của họ.

Khi đề cập đến vấn đề biến đổi khí hậu, đặc biệt là ý kiến cho rằng nhiệt độ Trái đất đang nóng lên, có vẻ các nhà khoa học Việt Nam hiện nay đang nói theo các nhà khoa học nước ngoài.

Tôi cho rằng lúc này các nhà khoa học trong nước cần phải đưa được ra những tài liệu cụ thể liên quan đến biến đổi khí hậu, những tài liệu xác thực và có tính khoa học nhất, liệu có làm được không?

Tôi cho rằng rất khó. Hầu hết là đang nói theo, thấy nước ngoài nói gì thì nói theo như vậy.

Video: Những thảm họa khủng khiếp Trái đất phải hứng chịu nếu băng tan hết

Các nhà khoa học hãy thử chứng minh lãnh thổ Việt Nam, tính từ 2.000 năm trở lại đây, những lớp vật chất trong cả hai quá trình xói lở và bồi tụ thì diện tích lãnh thổ Việt Nam tăng thêm lên hay giảm đi?

Tại sao tôi đặt ra câu hỏi này, bởi vì đây cũng là vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Thực tế thì hiện nay cũng chưa có nhà khoa học nào dám nói lên điều này.

Những chỗ bồi tụ thì các nhà khoa học quên lãng hoặc không nói, còn những chỗ xói lở một chút thôi thì lại thổi phồng lên, như thế là thiếu khách quan khoa học.

Biến đổi khí hậu phải nhìn tổng thể, nói phải dựa trên căn cứ khoa học và có chứng cứ cụ thể, không phải cứ thấy người ta nói thế nào thì mình nói theo như thế theo kiểu phong trào được. Làm như thế là thiếu tinh thần khoa học.

TS Ngô Quang Toàn
Bình luận
vtcnews.vn