• Zalo

Tổng thống Mỹ đến thăm nhà máy chế tạo tên lửa viện trợ cho Ukraine

Thời sự quốc tếThứ Năm, 28/04/2022 14:51:27 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo thông báo của Nhà Trắng, Tổng thổng Joe Biden sẽ ghé thăm là một trong những cơ sở sản xuất tên lửa chống tăng Javelin của Lockheed Martin vào đầu tháng 5.

Reuters dẫn thông báo của Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ ghé thăm dây chuyền sản xuất tên lửa chống tăng dẫn đường Javelin của Lockheed Martin tại Alabama vào ngày 3/5 tới đây.

“Tổng thống Biden sẽ đến Alabama để thăm một cơ sở của Lockheed Martin chịu trách nhiệm sản xuất các hệ thống vũ khí như tên lửa chống tăng đang được chúng tôi viện trợ cho Ukraine”, thông báo của Nhà Trắng cho biết.

Lockheed Martin hiện là một trong nhiều nhà thầu quốc phòng của Mỹ tích cực hỗ trợ chính quyền ông Biden thực hiện các gói viện trợ vũ khí cho Ukraine. Nhiều loại vũ khí đang được quân đội Ukraine sử dụng đều do nhà thầu này chế tạo, như tên lửa chống tăng Javelin.

Tổng thống Mỹ đến thăm nhà máy chế tạo tên lửa viện trợ cho Ukraine - 1

Bên trong một dây chuyền sản xuất tên lửa chống tăng Javelin của Lockheed Martin. (Ảnh: Lockheed Martin)

Còn theo kênh CNN, tên lửa Javelin nằm trong số những vũ khí quân đội Ukraine có nhau cầu cao nhất hiện nay. Vào tháng 3, Ukraine đề cập với Mỹ rằng nước này cần 500 tên lửa chống tăng Javelin mỗi ngày.

Tuy nhiên, việc Washington mạnh tay viện trợ Javelin cho Ukraine cũng dẫn đến một vấn đề khác đó là kho dữ trự tên lửa chống tăng của quân đội Mỹ suy giảm nghiêm trọng. Theo ước tính Mỹ có thể đã gửi khoảng 1/3 số tên lửa Javelin họ có đến đến Ukraine, việc bổ sung lại số vũ khí này sẽ cần ít nhất 32 tháng.

Chỉ tính riêng trong 3 năm trở lại gần đây, quân đội Mỹ chỉ đặt mua hơn 2.000 tên lửa Javelin từ Lockheed Martin, điều này đã tác động xấu đến dây chuyển sản xuất loại vũ khí này. Nếu Washington muốn có thêm tên lửa họ buộc phải hỗ trợ Lockheed Martin mở rộng quy mô các nhà máy.

Ngày 26/4, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã họp để thảo luận về tình trạng của cơ sở công nghiệp quốc phòng và khả năng đáp ứng cho nhu cầu của các lực lượng vũ trang.

Cuộc họp đã tiết lộ một vấn đề nghiêm trọng về nguồn cung, một phần xuất phát từ sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.

Tổng thống Mỹ đến thăm nhà máy chế tạo tên lửa viện trợ cho Ukraine - 2

Ba năm trở lại gần đây, quân đội Mỹ chỉ đặt mua hơn 2.000 tên lửa Javelin từ Lockheed Martin. (Ảnh: Lockheed Martin)

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Richard Blumenthal của bang Connecticut cảnh báo, nếu Mỹ tiếp tục cung cấp cho Ukraine tên lửa Javelin theo tốc độ sản xuất trong nước như hiện nay, thì Mỹ có thể thiếu hụt đáng kể vũ khí chủ chốt này trong tương lai gần.

Ngoài Javelin, tên lửa phòng không vác vai Stinger của Mỹ cũng trở thành vũ khí được Ukraine "săn đón" trong cuộc xung đột với Nga. Tuy nhiên, nguồn cung tên lửa đang bị cạn kiệt và việc sản xuất thêm vũ khí phòng không này đang gặp trở ngại đáng kể.

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đến nay, Mỹ đã viện trợ quân sự cho chính quyền Kiev hơn 3,4 tỷ USD. Gần đây, cùng với các đồng minh châu Âu, Washington đang mở rộng gói viện trợ cho Ukraine khi bổ sung thêm các loại vũ khí hạng nặng như pháo tự hành, lựu pháo, xe tăng, vũ khí phòng không.

Trà Khánh(Nguồn: Reuters)
Bình luận
vtcnews.vn