• Zalo

Chuẩn ngoại ngữ quy chế đào tạo tiến sĩ mới: Chuyên gia tranh luận

Diễn đànThứ Năm, 15/07/2021 15:06:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Các chuyên gia tranh luận về quy định chuẩn ngoại ngữ mới trong tuyển sinh và đào tạo bậc tiến sĩ vừa được Bộ GD&ĐT sửa đổi, ban hành mới đây.

Vừa qua, Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mới (Quy chế 18), trong đó bỏ quy định nghiên cứu sinh tiến sĩ phải có ít nhất 2 công bố trên tạp chí quốc tế và thay đổi chuẩn ngoại ngữ. Thông tin này nhận được nhiều sự quan tâm của giới chuyên gia học thuật.

Cao hơn chuẩn cũ

Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Hà Nội đánh giá, quy định thang điểm năng lực ngoại ngữ đầu vào tại quy chế 18 mới ban hành năm 2021 đáp ứng yêu cầu đầu vào tại quy định về chuẩn chương trình đào tạo của Bộ GD&ĐT.

Theo ông, yêu cầu về năng lực ngoại ngữ đầu vào ở Quy chế 18 phù hợp thực tại Việt Nam. Quy chế 18 nhất quán trình độ ngoại ngữ với yêu cầu đầu vào  quy định về chuẩn chương trình đào tạo (Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT). Chuẩn chương trình đào tạo yêu cầu đầu vào bậc tiến sĩ là trình độ ngoại ngữ bậc 4/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (tương đương với trình độ B2 theo khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ).

Đồng thời, quy định này được chi tiết hóa trong Quy chế 18 để thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học tổ chức thực hiện tuyển sinh.

Về chứng chỉ tiếng Anh, quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ năm 2017 yêu cầu ngoại ngữ đầu vào là chứng chỉ ngoại ngữ IELTS 5.0-6.5 và TOEFL iBT từ 45 - 93 điểm.

Quy chế mới quy định IELTS từ 5.5 trở lên, TOEFL iBT từ 46 điểm trở lên, bậc 4/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, Cambridge Assessment English B2 và First/B2 Business Vantage/Linguaskill từ 160 trở lên.

Theo Tổ chức khảo thí tiếng Anh Cambridge, trình độ B2 khung tham chiếu chung châu Âu tương đương với mức điểm từ 160 đến 180 điểm và mức điểm IELTS 5.5 - 6.5. Quy chế mới sử dụng cận dưới của mức điểm là IELTS 5.5 là hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn chung cho cả nước, còn các cơ sở đào tạo có thể yêu cầu trình độ cao hơn quy định này.

Chuẩn ngoại ngữ quy chế đào tạo tiến sĩ mới: Chuyên gia tranh luận  - 1

So sánh chứng chỉ B2 theo khung tham chiếu chung châu Âu với chứng chỉ IELTS.

TS Thạch nhấn mạnh, nhiều ý kiến cho rằng, quy chế quy định đầu vào tiến sĩ là IELTS 5.5, trong khi với TOEFL iBT thì quy định 46 điểm = B2 là không chuẩn. Bới, hiện nay, khung tham chiếu châu Âu bậc B1 TOEFL iBT từ 42 - 71 điểm, B2 phải tối thiểu 72 điểm. Như vậy,  5.5 IELTS tương đương với 46 - 59 điểm TOEFL iBT.

Việc lựa chọn mức điểm 46 TOEFL iBT vẫn bảo đảm tương đương IELTS 5.5. Quy chế năm 2017 yêu cầu mức điểm 45 TOEFL iBT. Như vậy, nói yêu cầu về ngoại ngữ của quy chế mới thấp hơn so với quy chế trước là không chính xác. Mà phải nói rằng, quy định thang điểm năng lực ngoại ngữ đầu vào tại quy chế mới cao hơn so với quy chế năm 2017.

Quy chế mới yêu cầu ứng viên phải đạt cấp độ 4/6 cũng tương đương với trình độ B2 theo khung tham chiếu chung châu Âu là phù hợp. Bởi đây là điều kiện tối thiểu (mức sàn) và các trường có thể phát huy quyền tự chủ, yêu cầu cao hơn mức yêu cầu tối thiểu của Bộ GD&ĐT.

Chuẩn ngoại ngữ quy chế đào tạo tiến sĩ mới: Chuyên gia tranh luận  - 2

Mặc dù một bảng so sánh khác gợi ý trình độ B2 của CEFR tương đương với 72 điểm của TOEFL iBT, so sánh này dựa vào trình độ tiếng Anh của các nước nói tiếng Anh là Vương quốc Anh, Australia, Canada và Hoa Kỳ (Papageorgiou và cộng sự). Việc đòi hỏi ứng viên của Việt Nam đạt được mức điểm tối thiểu 72 theo thang điểm TOEFL iBT là chưa thực tế.

Ngoài ra, Quy chế 18 yêu cầu ứng viên phải đạt cấp độ 4/6 cũng tương đương với trình độ B2 theo Khung tham chiếu chung châu Âu do Bộ GD&ĐT quy định.

TS Thạch cho rằng, chọn mức điểm như vậy là phù hợp. Bởi đây là điều kiện tối thiểu (mức sàn) và các trường có thể phát huy quyền tự chủ của mình, yêu cầu cao hơn mức yêu cầu tối thiểu của Bộ GD&ĐT. Thí dụ, các ngành đào tạo như ngành Ngôn ngữ có thể yêu cầu trình độ cao hơn như IELTS 6.0 hoặc 6.5 trong Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ riêng của mình.

Hạ chuẩn ngoại ngữ?

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, nhiều chuyên gia cho rằng, nghiên cứu sinh phải có trình độ ngoại ngữ cao thì mới có thể nghiên cứu, viết bài báo khoa học và công bố quốc tế tốt. Thế nhưng quy chế mới lại không cần công bố quốc tế cả người hướng dẫn, nghiên cứu sinh và hạ chuẩn ngoại ngữ đầu vào và đầu ra trong đào tạo tiến sĩ.

Theo các chuyên gia nếu chuẩn đầu ra không cao hơn, thì ít nhất cũng nên giữ như quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ năm 2017 chứ không nên quay về cách đo chất lượng như quy chế cũ từ lâu đời. Đó rõ ràng là bước lùi của khoa học.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ ra, theo quyết định khung trình độ quốc gia do Thủ tướng ban hành, tiến sĩ phải đạt trình ngoại ngữ tương đương bậc 4/6 (B2), tuy nhiên trong khi quy chế mới quy định điểm TOEFL iBT 46 điểm là quá thấp (B2 phải tối thiểu 72 điểm).

Như với quy chế năm 2017 cũng yêu cầu nếu nghiên cứu sinh có ngoại ngữ khác phải đạt chuẩn B2, thì vẫn phải giao tiếp được bằng tiếng Anh. Rất tiếc, những điểm tiên quyết về chuẩn chất lượng và ngoại ngữ như quy chế 2017 lại bị hạ thấp. So sánh về chuẩn đầu ra so với quy chế cũ thì quy chế mới là bước thụt lùi.

Không những thế, trình độ ngoại ngữ cũng liên quan đến việc nghiên cứu và công bố quốc tế. Từ trước đến nay, từng nhiều lần dư luận bức xúc về hiện tượng nghiên cứu sinh mua bài báo quốc tế. Tuy nhiên, đó chỉ là những "con sâu làm rầu nồi canh", yêu cầu về công bố quốc tế vẫn phải là tiêu chí quan trọng và khách quan để cộng đồng khoa học quốc tế đánh giá kết quả nghiên cứu.

Vị chuyên gia băn khoăn, khi chúng ta bỏ yêu cầu bài báo quốc tế để ưu tiên các công bố quốc nội, liệu xóa bỏ được hết hiện tượng viết hộ luận án như dư luận lâu nay vẫn xì xào trong một số lĩnh vực, đặc biệt trong khối khoa học xã hội, nhân văn? Hơn nữa, nếu quy chế quy định chuẩn đầu ra cao hơn nữa, như phải đăng trên những tạp chí quốc tế ISI uy tín Q1 thì cũng khó có thể mua bán được bằng tiền.

Không những thế, việc hạ tiêu chuẩn khiến các ngành khoa học trong nước khó đăng quốc tế hơn và làm chậm nhịp hội nhập, khó theo kịp với trình độ, chuẩn mực quốc tế. 

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn