Gần đây, tôi thấy mọi người chia sẻ câu chuyện của người Nhật trong khủng hoảng, rằng họ chỉ mua lượng nhu yếu phẩm ít hơn hoặc bằng nửa ngày thường để nhường cho những người khác. Đó là điều tuyệt vời của người Nhật mà không phải dân tộc nào cũng làm được. Họ đáng khen và đáng để chúng ta học hỏi.
Nhưng từ câu chuyện đó, tôi thấy người Việt ta cũng thật lạ! Bên cạnh việc hết lời ca ngợi dân Nhật (tất nhiên điều này tôi chẳng ý kiến) thì người ta cũng không quên trách móc, bỉ bôi chính dân tộc mình ích kỉ, nhỏ nhen, hèn mọn.
Người ta vội đánh giá điều đó khi thấy các quầy hàng trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đặc biệt là khu vực bán thực phẩm tươi sống và rau củ thường xuyên trong tình trạng cháy hàng.
Tôi không cho rằng đó là sự ích kỉ bởi trong bối cảnh hiện tại, khi mà dịch bệnh do Covid-19 (nCoV) còn đang hoành hành, ai mà không lo lắng cho gia đình, cho chính những người thân yêu của mình? Mua nhiều hơn một chút để không phải đi lại nhiều lần, mua nhiều hơn một chút để trong nhà có sẵn đồ, nếu tình hình căng thẳng hơn vẫn có thể yên tâm.
Bản thân tôi, khi nghe câu chuyện của người Nhật xong cũng thấy thật ngưỡng mộ và dự định sẽ không tích trữ đồ. Ấy vậy mà, mấy hôm trước, vào siêu thị thấy quầy rau dưa trống trơn, quầy thực phẩm khô cũng "tan tác", nỗi lo lắng mơ hồ bỗng xuất hiện, vậy là tôi cũng nhặt đầy một giỏ mang về.
Nói vậy để thấy, đôi khi chúng ta tích trữ đồ còn là vì tâm lý đám đông, thấy người ta mua thì mình cũng mua chứ cũng không hẳn là đi mua với cái suy nghĩ ích kỷ rằng phải vơ vét càng nhiều càng tốt hay giành giật với người khác để có cho bằng được thứ mình cần.
Tôi nghĩ việc tích trữ nhu yếu phẩm khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh là tâm lý chung của mỗi người. Đâu phải điều này chỉ xảy ra ở mỗi Việt Nam chúng ta. Những ngày này, Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc,...cũng rơi vào tình trạng tương tự đấy thôi. Đó là điều bình thường, nó bình thường như bản năng sống của con người nên không thể đem ra trách móc hay chỉ trích được.
Những hành vi ích kỉ, vô nhân đạo như om hàng rồi tăng giá các mặt hàng cần thiết trong mùa dịch bệnh để trục lợi còn đáng lên án gấp nhiều lần. Còn tích trữ thực phẩm, e cũng là văn hóa ứng xử trước thiên tai của con người xưa đến nay, để tránh được cũng khó.
Độc giả có đồng tình với quan điểm trên? Hãy gửi ý kiến của bạn TẠI ĐÂY.
Bình luận