Dịch COVID-19 "điểm huyệt" vận tải biển
Từ trước đến nay, vận tải biển được đánh giá là cầu nối thương mại giữa các quốc gia trên thế giới, là giải pháp hữu hiệu nhất cho vận chuyển hàng hóa. Theo thống kê, hơn 80% lượng hàng hóa trên thế giới được vận chuyển bằng đường biển. Do đó, lao động hàng hải, cụ thể là thuyền viên tàu buôn (tàu viễn dương) đóng góp một phần quan trọng cho nền kinh tế của thế giới.
Tuy nhiên, cũng như các ngành nghề khác, dịch COVID-19 đang khiến ngành vận tải biển bị "điểm huyệt". Tại Việt Nam, không ít doanh nghiệp buộc phải cầu cứu khắp nơi bởi những vấn đề do dịch COVID-19, trong đó nghiêm trọng nhất là việc hàng nghìn thuyền viên đang "mắc kẹt" trên tàu viễn dương ở khắp các cảng trên thế giới nhiều tháng liền.
Thuỷ thủ trưởng Nguyễn Duy Tùng đặt chân lên con tàu chở dầu NSH-Singapore vào tháng 9/2019, cũng như những cuộc hành trình trước đó trong sự nghiệp hàng hải nhiều năm của mình, anh an tâm lên đường và hẹn 9 tháng sau trở về với vợ con.
Theo hợp đồng, thời gian anh làm việc trên tàu là 9 tháng, đến tháng 5/2020 anh sẽ trở về. Thế nhưng, dịch COVID-19 ập đến, buộc chính phủ các nước ban bố lệnh hạn chế di chuyển khiến các thuyền viên dù đã hết hợp đồng vẫn không thể trở về nhà.
"Đến hôm nay là tháng thứ 14 tôi ở trên tàu, tôi đã quá hạn hợp đồng gần 5 tháng. Tàu chúng tôi vừa trả hàng ở Bangladesh, tàu chỉ vào cảng nhận và trả hàng rồi đi. Dịch bệnh nên các nước không cho anh em chúng tôi lên bờ", thuỷ thủ trưởng Nguyễn Duy Tùng chia sẻ qua tin nhắn Zalo từ con tàu đang lênh đênh ở Bangladesh.
Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhu cầu vận chuyển hàng hóa sụt giảm mạnh đang khiến nhiều doanh nghiệp ngành vận tải biển lao đao. Nhiều chủ tàu thậm chí bị huỷ bỏ các hợp đồng vận tải đã đăng ký vì người thuê tàu không tìm được hàng.
Áp lực từ việc neo đậu lâu ngày không có việc làm, tới nghĩa vụ đưa thuyền viên hồi hương không có cách giải đang khiến doanh nghiệp trên đà phá sản.
Quả bom nổ chậm
Vụ nổ kinh hoàng ngày 4/8/2020 từ con tàu MV Rhosus chở 2.750 tấn hóa chất để sản xuất phân bón đã làm rung chuyển thủ đô Beirut (Lebanon). Vụ nổ khiến ít nhất 135 người chết, 5.000 người bị thương.
Trước sự cố kinh hoàng này, các chủ tàu viễn dương, nơi các thuyền viên đang buộc làm việc quá công suất bắt đầu lo lắng về độ an toàn của thuyền viên cũng như các quốc gia nơi tàu đi qua.
Ông Lê Minh Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CPTM Vận tải biển Trường Phát Lộc cho biết, tàu của doanh nghiệp ông thường chở xăng, dầu, gas với khối lượng lên tới 44.000 tấn, gấp 20 lần so với tàu MV Rhosus bị nổ ở Lebanon.
Trong khi đó, xăng, dầu và gas đều là những chất đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ cháy nổ cao và tác động khủng khiếp tới môi trường xung quanh.
"Nếu như một con tàu chở gas của công ty chúng tôi phát nổ, thì độ ảnh hưởng còn gấp 10 lần so với tàu MV Rhosus ở Liban", ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, việc các thuyền viên làm việc quá hạn hợp đồng, gần 2 năm trời không được đặt chân xuống đất liền đã tạo một áp lực vô hình khiến chính chủ tàu không thể kiểm soát.
Ngoài việc xảy ra xung đột do tâm lý bị ức chế, truờng hợp thuyền viên không kiểm soát được bản thân cũng là điều có thể xảy ra. Cũng chính trên các con tàu của Công ty CPTM Vận tải biển Trường Phát Lộc, có trường hợp tàu đang chạy mà thuyền viên bỏ việc ra ngoài boong chỉ để... ngắm đất liền.
"Nói các tàu chở hàng đang như một quả bom nổ chậm cũng không hề sai, vì không ai có thể lường trước được hệ luỵ từ những người vận hành, điều khiển tàu khi họ không còn thật sự minh mẫn. Thuyền viên căng thẳng, mất tập trung do áp lực công việc sinh ra ảo giác và dẫn đến tâm lý mặc kệ.
Những lúc như vậy, việc tàu bị đâm hay mắc cạn khiến hàng hoá bị tràn, gây ô nhiễm và phát nổ là điều có thể xảy ra. Chưa kể đến việc các thuyền viên mâu thuẫn, xô xát, có những hành động không kiểm soát được... Tất cả cũng vì việc ở trên tàu quá lâu, giải cứu họ cũng chính là giải cứu tính mạng của hàng triệu người khác và là giải cứu môi trường khỏi thảm hoạ ô nhiễm nghiêm trọng", ông Dũng phân tích.
Không chỉ riêng Công ty CPTM Vận tải biển Trường Phát Lộc, đây cũng là mối lo khiến nhiều doanh nghiệp vận tải biển đau đầu.
Cụ thể, Công ty Dịch vụ quản lý tàu PSM, Công ty CP Vận tải Dầu Phương Đông Việt, Công ty CP Vận tải Biển - Hợp tác lao động Quốc tế Inlaco Saigon và Công ty Thanh Hà - TMAS là 4 doanh nghiệp đang thấp thỏm trước các mối nguy từ việc thuyền viên trễ hẹn hợp đồng có thể xảy đến.
Chỉ riêng 5 doanh nghiệp này đã có tới hàng trăm thuyền viên bị "kẹt" trên tàu, trễ hạn hợp đồng nhiều tháng.
Theo đại diện Công ty Dịch vụ quản lý tàu PSM, ngành hàng hải là ngành đặc thù và thuyền viên là những người đòi hỏi chịu được áp lực cao. Do vậy, việc hiện nay có rất nhiều thuyền viên đã hết hạn hợp đồng nhưng chưa thể thay ca, hồi hương do lệnh cấm xuất nhập cảnh của các quốc gia đã khiến tình hình thực tế "nóng" lên rất nhiều.
Trong khi đó, các trường hợp tàu chở xăng dầu, hoá chất phát nổ trong thời gian gần đây ngày càng nhiều, gây thiệt hại nặng nề đến sinh mạng, kinh tế cũng như môi trường xung quanh.
Mới đây, trong bản tuyên bố mạnh mẽ được đưa ra trước Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 4/9/2020, Tổng Thư ký Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) Kitack Lim kêu gọi các chính phủ hành động nhanh chóng để giải quyết cuộc khủng hoảng thay đổi thuyền viên.
Theo ông Kitack Lim, ước tính có hơn 300.000 thuyền viên và nhân viên hàng hải hiện đang mắc kẹt trên biển khắp thế giới và không thể hồi hương dù đã hết hạn hợp đồng làm việc. Một số thuyền viên hiện đã ở trên tàu của họ hơn 17 tháng, vượt quá giới hạn 12 tháng được quy định trong Công ước Lao động hàng hải (MLC).
Ông Kitak Lim cho rằng việc giải quyết cuộc khủng hoảng thay đổi thuyền viên sẽ đòi hỏi một cách tiếp cận "toàn bộ chính phủ" liên quan đến một số bộ ngành của quốc gia.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cũng đã thúc giục tất cả các quốc gia trên thế giới công nhận người đi biển là người lao động chủ chốt và cung cấp hỗ trợ đi lại cần thiết để đảm bảo thuyền viên được thay thế, hồi hương an toàn.
Bình luận