Video: Bác sĩ thông tin tình trạng sức khoẻ của các thuyền viên tàu Vietship 01
Trưa qua (11/10) trực thăng của Bộ Quốc phòng cùng đặc công nước của Quân chủng Hải Quân phối hợp với lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị ứng cứu thành công 8 thuyền viên tàu Vietship 01 gặp nạn trên vùng biển Cửa Việt, tính mạng bị đe doạ.
Hiện tất cả các thuyền viên vẫn đang được điều trị, hồi phục sức khoẻ tại Khoa Nhiệt đới – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. Với họ, những ngày đối mặt với tử thần trên vùng biển Quảng Trị là những ký ức chẳng thể nào quên.
‘Chúng tôi như được sống thêm lần nữa’
Theo lời kể của một số thuyền viên tàu Vietship 01 vừa được cứu sống, rạng sáng 8/10 khi thuyền đang neo đậu tránh mưa bão ở khu vực cảng Cửa Việt (huyện Gio Linh) thì tàu bị sóng đánh tuột neo, trôi dạt ra khu vực luồng cảng, cách bờ gần 1 km.
Lúc này, trên tàu có 12 thuyền viên và khoảng 9h cùng ngày, tàu bị sóng xô đánh nhiều lần, trúng bãi kè nên bị thủng thân, nước tràn vào bên trong khiến tàu nghiêng và chìm dần.
Đang nằm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị , xương sườn bị gãy, ông Nguyễn Văn Thí (56 tuổi, trú tỉnh Nam Định) vẫn chưa thể tin mình được cứu sống. Bởi lẽ, thời gian hơn 3 ngày ngồi trên ống khói của tàu Vietship 01 trước mưa to, sóng lớn ông nghĩ mình sẽ chết.
Ông Thí kể, lúc tàu gặp nạn và rung lắc rất mạnh, bản thân ông bị va vào hành lang thuyền gây chấn thương. Dù gặp nạn nhưng các thuyền viên vẫn ráng sức dìu ông Thí lên vị trí cao của tàu và cùng động viên, an ủi nhau chờ lực lượng cứu hộ.
"Nhiều lúc đuối sức, ai nấy rệu rã, bất an và đến giờ khi đã vào bờ an toàn, chúng tôi mới thấy như mình sống thêm lần nữa”, ông Thí nói.
Là một trong 8 thuyền viên tàu Vietship 01 vừa được cứu sống, nằm trên giường bệnh anh Đặng Văn Nghị (quê Thanh Hoá) không thể quên cảnh hơn 3 ngày bám trên ống khói tàu Vietship 01, nhịn đói uống nước mưa để chờ lực lượng cứu hộ.
“Lúc tàu gặp sự cố mình bất an vì tàu rơi vào dòng xoáy, sóng gió lớn. Tàu không thể cầm cự nên bị thủng thân, nước tràn vào nhanh. Không nghĩ mình có thể sống nhưng vẫn phải giữ bình tĩnh, động viên nhau cố gắng chờ cứu hộ”, anh Nghị nói.
Khi tàu bị thủng, nước biển tràn vào khoang máy, chìm dần và chỉ còn tầng trên nhô lên khỏi mặt nước thì anh Nghị cùng những đồng nghiệp trên tàu luôn hướng mắt vào bờ nhìn lực lượng cứu hộ với hi vọng được ứng cứu.
Tuy nhiên, dù trên bờ có rất đông người và cố gắng nhưng không tiếp cận được tàu. Lúc đó, anh Nghị và các thuyền viên trên tàu Vietship 01 thấu hiểu thời tiết xấu đang cản đường lực lượng cứu hộ, nhiều lúc các thuyền viên rơi vào cảnh hoang mang và tuyệt vọng.
Anh Đặng Văn Nghị kể: “Hơn 3 ngày không thức ăn, không nước uống, nhiều anh em đói, khát, lạnh nhưng chỉ biết uống uống nước mưa, nước biển cầm cự, chờ cứu hộ. Khi trực thăng mang lương khô, nước uống rồi cứu hộ vào bờ, tôi như thấy mình như được sinh ra lần nữa”.
Nằm điều trị tại bệnh viện những thuyền viên tàu Vietship 01 không quên bày tỏ lòng cảm phục và cảm ơn lực lượng tham gia cứu hộ. Đặc biệt là tổ bay trực thăng Bộ Quốc phòng và đặc công nước của Quân chủng Hải quân không ngại nguy hiểm ứng cứu thành công những người trên tàu.
Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Chiến - Khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị), cho biết: “Tình trạng sức khỏe 8 bệnh nhân đang tạm ổn nhưng trong 3-4 ngày tới các bệnh nhân có thể bị viêm họng, viêm phổi do nhiễm lạnh lâu. Việc điều trị phải tăng cường sức đề kháng, bù nước điện giải, dự phòng viêm phổi cho bệnh nhân…”, cho hay.
Có hy sinh cũng quyết cứu thuyền viên gặp nạn
Thượng uý Phan Cao Thắng (39 tuổi, Lữ đoàn đặc công Hải quân 126 – Quân chủng Hải quân) là người trực tiếp bơi ra biển cứu hộ các thuyền viên Vietship 01.
“Dù biết bơi ra biển trong bối cảnh gió to, sóng giật mạnh là vô cùng nguy hiểm nhưng vì tính mạng của các thuyền viên đang trong cảnh ngàn cân treo sợi tóc nên chúng tôi xác định dù hi sinh cũng phải cứu được họ lên bờ”, Thượng uý Phan Cao Thắng nói.
Người đặc công của Quân chủng Hải quân kể, khoảng 8h ngày 11/10, anh cùng 2 người nhái Lê Duy Khánh và Đoàn Văn Đức men theo đường dây đã được máy bay trực thăng kết nối trước đó để ra tiếp cận chiếc tàu gặp nạn.
“Vị trí thuyền gặp nạn và ngư dân mắc kẹt có vòng xoáy luồng, sóng to, gió lớn nên rất khó khăn trong tiếp cận người gặp nạn. Nhóm đặc công nước được chia thành các tổ 3 người để tiếp cận, ứng cứu và đưa các thuyền viên vào bờ”, thượng úy Thắng nhớ lại.
Lúc này thượng uý Thắng cùng hai đồng đội được nối với nhau bằng các đoạn dây để giữ liên kết. Mỗi người sẽ có một móc sắt bám vào đường dây mà trực thăng buộc trước đó để giữ đúng hướng di chuyển, chỉ cần lệch ra khỏi đoạn dây thì sẽ bị trôi dạt.
Lúc nhóm đặc công tiếp cận tàu theo múi dây thì dây bị vô số que cọc, đoạn dây khác quấn chặt, tạo thành búi lớn. Họ phải tháo gỡ từng đoạn mới có thể tiếp tục hành trình. Nhiều đợt sóng cao hơn 5 m dồn dập ập đến càng gây khó khăn cho quá trình cứu hộ.
“Bơi hơn 400 m, tôi phát hiện có người từ tàu lênh đênh cạnh khu vực bờ kè nên tín hiệu đồng đội bỏ móc khóa khỏi đường dây để tiếp cận người bị nạn. Nạn nhân lúc ấy đã đuối sức, trôi lơ lửng nhờ áo phao, nếu không được hỗ trợ kịp thời sẽ rất nguy hiểm”, Thượng uý Thắng nói.
Khoảng 8h30 ngày 10/10, anh Trần Xuân Cường (27 tuổi trú xã Gio Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) cùng 3 người khác đi trên một tàu cá hướng về phía tàu hàng gặp nạn để cứu hộ người. Càng ra xa, sóng biển càng đánh mạnh, dâng cao mấy mét, chiều tàu cá của nhóm ngư dân bị sóng đánh nghiêng ngả.
Hơn 30 phút vật lộn với từng đợt sóng dữ, nhóm của anh Cường tiếp cận được tàu Vietship 01. Tuy nhiên, khi đang cố tung dây thừng cứu hộ, tàu cá bất ngờ bị sóng đánh chìm. Một người bị rơi xuống biển nhưng bơi được vào bờ, 3 người còn lại đu bám vào con tàu mắc cạn, trèo lên khung sắt nhô lên trên mặt nước.
Thời điểm mắc kẹt trên tàu cùng các thuyền viên tàu Vietship 01, anh Cường cho biết nhiều lần có ý định nhảy xuống biển bơi vào bờ song anh cố gắng trụ lại, cùng động viên người trên tàu ngồi yên vị trí để chờ lực lượng cứu hộ. Cũng trong thời điểm này, một thuyền viên trên tàu ở khu vực ống khói vì quá lo lắng đã cố bơi đến mũi (nơi tàu cứu hộ dễ tiếp cận hơn), nhưng khi đến giữa tàu thì không bám được, bị cuốn trôi.
“Nguy hiểm luôn cận kề khi ra cứu người gặp nạn nhưng đã thấy là phải cứu. Lúc bị mắc kẹt và ở cùng thuyền viên trên con tàu gặp nạn, chỉ còn ống khói và khung sắt, tôi không lo sợ nhưng rất mong chờ người ứng cứu tất cả mọi người trên tàu vào bờ”, anh Cường nói.
Được biết, Tỉnh đoàn Quảng Trị đã lập hồ sơ, đề xuất với Trung ương Đoàn trao tặng huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” đối với anh Trần Xuân Cường.
Bình luận