Tờ Iltalehti ở Phần Lan và Expressen ở Thụy Điển đều trích dẫn các nguồn tin cho rằng hai nước sẽ cùng bắt đầu quá trình xin gia nhập NATO vào tháng 5.
Còn theo Reuters, trước đó, mặc dù thắt chặt hợp tác với liên minh quân sự NATO kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, các nước Bắc Âu đã chọn đứng ngoài. Nhưng "chiến dịch đặc biệt" của Nga ở Ukraine dường như khiến Thụy Điển và Phần Lan muốn kiểm tra xem liệu thái độ trung lập về quân sự lâu nay của họ có còn là phương án tốt nhất để đảm bảo an ninh quốc gia hay không.
Cũng theo Iltalehti, các nhà lãnh đạo của Phần Lan và Thụy Điển dự kiến gặp nhau vào khoảng ngày 16/5 và sau đó công khai kế hoạch xin gia nhập liên minh. Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Pekka Haavisto từ chối bình luận về thông tin này, nhưng nhắc lại rằng ông mong Phần Lan và Thụy Điển đưa ra những lựa chọn giống nhau.
Trong khi đó nhật báo Thụy Điển Aftonbladet đưa tin riêng, trích dẫn các nguồn tin thân cận với văn phòng chính phủ Thụy Điển, cho rằng Mỹ và Anh đã hứa với Thụy Điển về việc tăng cường hiện diện quân sự, các cuộc tập trận quân sự chuyên sâu và hỗ trợ "chính trị mạnh mẽ" từ các nước NATO trong quá trình nước này xin gia nhập.
Bộ Ngoại giao Thụy Điển từ chối bình luận về các thông tin báo chí nêu.
Cách đây hai tuần, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin khi thăm người đồng cấp Thụy Điển Magdalena Andersson cho biết bà mong Phần Lan sẽ đưa ra quyết định có xin gia nhập NATO hay không trong vòng vài tuần tới.
Stockholm đang tiến hành xem xét lại chính sách an ninh, bao gồm khả năng trở thành thành viên NATO, và dự định đưa ra kết quả vào giữa tháng 5. Ngoài ra, các đảng viên đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của Thụy Điển cũng đang xem xét lại sự phản đối lâu nay của họ đối với việc gia nhập NATO. Họ dự kiến đưa ra kết quả muộn nhất là vào ngày 24/5.
Trong một diễn biến khác, tàu chiến NATO đã đến Phần Lan để huấn luyện quân sự.
Lực lượng phòng vệ Phần Lan cho biết các tàu dò mìn LVNS Virsaitis của Latvia, ENS Sakala của Estonia và HNLMS Schiedam của Hà Lan sẽ huấn luyện với hai tàu từ hạm đội của Phần Lan.
Cuộc tập trận kéo dài hai ngày, dự kiến bắt đầu vào ngày 28/4, sẽ chuẩn bị cho việc các tàu Phần Lan tham gia lực lượng phản ứng của NATO vào năm 2022 và tập trung vào "các biện pháp đối phó với mìn và hoạt động trong khuôn khổ đa quốc gia", theo các tuyên bố.
Bình luận