Mong muốn gia nhập NATO của Ukraine là một trong những lý do Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào nước này. Moskva cho rằng, điều này là “lành răn đỏ”, và Nga phải hành động để ngăn điều đó xảy ra.
Đòn phủ đầu của Nga đối với Ukraine được cho là động thái khiến cho các nước châu Âu lo sợ, mong muốn gia nhập NATO để nhận được bảo trợ an ninh. Hôm 11/4, tờ The Times đưa tin, Phần Lan có thể nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 6, và Thụy Điển dự kiến cũng sẽ sớm nộp đơn.
Tìm "ô bảo trợ"
Mới đây, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin tuyên bố nước này sẽ quyết định về việc gia nhập NATO "chỉ trong vài tuần tới", trong khi Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson đặt mục tiêu gia nhập NATO kịp thời gian diễn ra cuộc họp thượng đỉnh vào cuối tháng 6 tới. Cả hai nước này đang tiến hành những bước tham vấn trong nước, xem xét chính sách an ninh quốc tế để đưa ra quyết định cuối cùng về việc có nên gia nhập NATO hay không.
Điều này cũng dễ hiểu bởi mối quan tâm chung lớn nhất của hai quốc gia Bắc Âu hiện không có gì khác ngoài vấn đề an ninh. Họ mong muốn tìm kiếm giải pháp nhằm đảm bao an ninh quốc gia trước môi trường quốc tế biến động mạnh, nhất là khi chứng kiến những gì đang diễn ra tại Ukraine.
Không có gì chắc chắn rằng câu chuyện đang diễn ra tại Ukraine không tái diễn tại cả Thụy Điển lẫn Phần Lan. Lo sợ cuộc chiến tại Ukraine sẽ là một tiền lệ nguy hiểm có thể lặp lại trong tương lai, Thụy Điển và Phần Lan có thể sẽ rơi vào hoàn cảnh tương tự. Hai quốc gia Bắc Âu này đều có vị trí địa lý sát Nga và có những vướng mắc lịch sử nhất định với Moskva.
Phần Lan có hơn 1.300km biên giới trên bộ tiếp giáp với Nga. Nước này là đối tác thân thiết của NATO, nhưng không gia nhập liên minh quân sự này. Ngay cả khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, 3 nước Baltic có biên giới chung với Nga (Estonia, Latvia và Litva) nhanh chóng gia nhập NATO, Phần Lan vẫn giữ nguyên quy chế trung lập. Trong trường hợp Phần Lan bị tấn công, NATO sẽ không danh chính ngôn thuận điều quân ứng cứu.
Cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine hiện nay làm thay đổi cơ bản tình hình an ninh tại châu Âu. Vị thế của Phần Lan trở nên mong manh hơn so với các nước Baltic đang là thành viên NATO khi không nhận được bảo trợ an ninh từ liên minh quân sự hùng mạnh này. Đó chính là động lực để Phần Lan phải đánh giá lại chính sách quốc phòng.
Thụy Điển cũng chọn hướng đi tương tự Phần Lan. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nước này gia nhập EU và tăng cường hợp tác với NATO song nhiều năm qua từ chối phương án trở thành thành viên chính thức của khối quân sự lớn nhất thế giới. Thụy Điển đã tránh tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào trong hơn 200 năm qua.
Trong nhiều thập niên qua, Phần Lan và Thụy Điển nổi tiếng với chính sách trung lập, thậm chí trung lập đã trở thành bản sắc của hai quốc gia này. Khác với đa số thành viên Liên minh châu Âu (EU), hai nước này không phải thành viên của NATO. Trước 2022, các cuộc thăm dò tại Phần Lan đều cho thấy đa số người dân không mặn mà với việc gia nhập NATO. Trong cuộc khảo sát tháng 1, khi quân Nga áp sát biên giới Ukraine, số người muốn gia nhập chỉ là 28%.
Chiến sự tại Ukraine cũng đã thay đổi quan điểm về vị thế trung lập ở Thụy Điển và Phần Lan. Các cuộc thăm dò dư luận sau bùng nổ chiến sự ở Ukraine cho thấy, có đến 68% số người ở Phần Lan được hỏi ủng hộ gia nhập NATO, và chỉ có 12% phản đối. Con số ủng hộ tại Thụy Điển thấp hơn nhưng cũng trên 50%. Đáng lưu ý, các đảng phái chính trị tại 2 nước Bắc Âu này giờ đa số đều coi thảo luận gia nhập NATO là nghiêm túc, xu hướng ủng hộ cao.
Qua trường hợp Ukraine có thể thấy rằng, quan hệ đối tác thân thiết với NATO không có gì bảo đảm cho việc liên minh quân sự này sẽ bảo vệ các nước nếu xảy ra xung đột. NATO chỉ bảo vệ các nước thành viên dựa trên điều 5 Hiệp ước về phòng thủ tập thể. Theo đó, một khi xảy ra cuộc tấn công nhằm vào một quốc gia thành viên sẽ bị coi là cuộc tấn công vào toàn khối. Do đó, "cái ô bảo trợ an ninh" của NATO chỉ được áp dụng cho các nước thành viên.
Hệ lụy khó lường
Trường hợp Phần Lan và Thụy Điển trở thành những quốc gia thành viên tiếp theo của NATO, sức mạnh của khối này sẽ tăng đáng kể ở sườn đông bắc. Biên giới giữa khối này và Nga khi đó sẽ được nối liền từ Bắc Băng Dương tới biển Baltic và đến Belarus.
Thụy Điển và Phần Lan sẽ nhận được những đảm bảo an ninh chắc chắn sau khi gia nhập NATO. Họ sẽ không lo lắng bị tấn công hay bị gây sức ép, vì khi đó tấn công Phần Lan và Thụy Điển nghĩa là tuyên chiến với toàn NATO. Thế nhưng, viễn cảnh hai nước này trở thành thành viên NATO có thể làm căng thẳng leo thang tại châu Âu, sẽ khiến Nga phật lòng.
Nga khó mà bằng lòng nếu điều đó xảy ra bởi lẽ một phần biên giới phía Tây từ nhiều năm nay đã có 3 nước thành viên NATO, nay Phần Lan gia nhập NATO thì biên giới Nga - NATO sẽ càng dài thêm. Khi đó, Nga sẽ có đường biên giới trực tiếp dài nhất với 1 quốc gia thành viên NATO - hơn 1.300km biên giới với Phần Lan.
Căng thẳng sẽ leo thang, nguy cơ đối đầu trực diện giữa NATO và Nga sẽ ngày càng lớn hơn trước viễn cảnh NATO kết nạp Thụy Điển và Phần Lan. Phạm vi đối mặt trực tiếp giữa lực lượng quân đội hai bên sẽ trải rộng hơn rất nhiều, không chỉ bó hẹp ở biên giới giữa Nga với 2 nước Latvia và Estonia ở Baltic như hiện nay.
Một khi Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO có nghĩa là mối đe dọa với Nga sẽ gia tăng, chắc chắn Moskva sẽ không ngồi yên. Ngay sau khi Phần Lan tuyên bố ý định của mình, Moskva đã triển khai tên lửa cực mạnh tới sát biên giới nước này.
Phản ứng trước thông tin Phần Lan, Thụy Điển có ý định gia nhập NATO, Nga cho rằng điều này sẽ phá vỡ thế cân bằng trong khu vực và Moskva sẽ đáp trả bằng các biện pháp kỹ thuật - quân sự, trong đó có cả bố trí vũ khí hạt nhân đến khu vực Baltic… Rõ ràng, nguy cơ xung đột và huỷ diệt tại châu Âu sẽ gia tăng, trong khi Phần Lan, Thụy Điển là những quốc gia tiền đồn, sẽ phải gánh chịu hậu quả đầu tiên.
Trên thực tế, các phản ứng của Nga với chủ đề này đã được cảnh báo trước. Điện Kremlin cũng cho biết, Nga sẽ phải "tái cân bằng tình hình" bằng các biện pháp của riêng mình và phải củng cố sườn phía Tây biên giới để đảm bảo an ninh, nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.
Trước khi động phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin từng yêu cầu NATO ngừng mở rộng về phía Đông và rút quân khỏi khu vực gần biên giới Nga. Đây là quan điểm được lãnh đạo Nga nhấn mạnh nhiều lần, chừng nào NATO còn tiếp nhận thêm thành viên, mở rộng sang phía Đông thì quan hệ Nga - NATO sẽ tiếp tục căng thẳng.
Chính Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cũng phải thừa nhận rằng, việc gia nhập NATO vào thời điểm hiện tại có nhiều "rủi ro lớn", đặt trong bối cảnh căng thẳng ở châu Âu vì cuộc xung đột ở Ukraine. Theo ông Niinisto, hiện tại tình hình Bắc Âu vẫn ổn nhưng nếu có leo thang lớn ở châu Âu, tất cả các nước đều bị ảnh hưởng.
NATO sẽ làm gì?
Khác với Ukraine, cả Phần Lan và Thụy Điển từ lâu đã thừa đủ điều kiện để gia nhập NATO. Cả hai nước Bắc Âu đều là các nhà nước pháp quyền, được tổ chức tốt, kinh tế phát triển… Do đó, việc gia nhập NATO chỉ là vấn đề chính trị, không có bất cứ cản trở nào về hạ tầng kỹ thuật cũng như về luật pháp.
Hơn nữa, cả hai nước cũng sẵn sàng đạt được mục tiêu của NATO là dành 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng. Phần Lan - quốc gia vẫn duy trì quy chế tổng động viên, có thể tập hợp một đội quân thời chiến gồm 280.000 người và lực lượng dự bị bổ sung. Còn Thụy Điển cũng có một ngành công nghiệp quân sự hiện đại. Và dù không thuộc liên minh quân sự nào, nhưng cả hai nước vẫn tham gia một số cuộc tập trận của NATO ở biển Baltic trong những năm qua.
Câu hỏi lớn nhất lúc này là liệu NATO đã sẵn sàng kết nạp Phần Lan và Thụy Điển và liệu hai nước này có nhận được đảm bảo an ninh trong khoảng thời gian nộp đơn gia nhập hay không?
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh hoan nghênh Phần Lan và Thụy Điển nếu họ quyết định xin gia nhập. Ông khẳng định NATO sẵn sàng cung cấp đảm bảo an ninh cho hai nước từ lúc họ công bố quyết định xin gia nhập NATO đến khi đơn đăng ký được chấp thuận. Tuy nhiên cần nhớ rằng, theo quy định, Điều 5 trong Hiệp ước của NATO về phòng thủ chung chỉ có hiệu lực với các thành viên đầy đủ.
Về mặt điều kiện thì rõ ràng Phần Lan và Thụy Điển đáp ứng được các tiêu chí cần thiết của NATO. Thế nhưng, xét trong bối cảnh hiện nay, liên minh này không dễ để đưa ra quyết định dứt khoát để kết nạp hai quốc gia Bắc Âu này.
Trường hợp Ukraine là ví dụ nhãn tiền đối với NATO. Nga nhiều lần tuyên bố tham vọng gia nhập khối quân sự này của Kiev là “lằn ranh đỏ”, và Moskva không chấp nhận điều này. Chiến dịch quân sự mà Nga đang thực thi tại Ukraine là đòn phủ đầu, cảnh báo cho những nước có ý định gia nhập NATO, cũng như động thái lôi kéo, tập hợp lực lượng của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu này.
Hiện kịch bản lạc quan nhất là cả Phần Lan và Thụy Điển có thể ký nghị định thư gia nhập tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid (Tây Ban Nha) vào ngày 29-30/6. Nếu điều đó diễn ra, tốc độ này sẽ là chưa có tiền lệ. Thế nhưng, trong bối cảnh thế giới đang biến động mạnh mẽ, những định chế cũ liên tục được viết lại.
Quá trình phê chuẩn sau khi nghị định thư được ký kết có thể mất từ 3 tháng đến 1 năm vì nghị viện một số nước thành viên sẽ thảo luận vấn đề này tại các ủy ban khác nhau. Bắc Macedonia - thành viên mới nhất của NATO, phải mất 13 tháng để hoàn tất quá trình này.
Hơn nữa, vấn đề này cũng có thể trở thành lá bài thương lượng chính trị trong nội bộ NATO. Tuy nhiên, nếu quyết định gia nhập, cả Thụy Điển và Phần Lan đều muốn các thành viên khác trong liên minh phải đẩy thật nhanh quá trình thông qua tư cách thành viên cho họ vì lo ngại an ninh.
Điều 10 hiệp ước NATO quy định, các nước ứng viên phải nằm ở châu Âu và cần nhận được sự chấp thuận của toàn bộ thành viên của khối nếu muốn gia nhập. Chỉ một quốc gia phản đối cũng có thể ngăn cản quá trình này.
Bên cạnh đó, sau khi nộp đơn xin gia nhập, mỗi nước sẽ có một kế hoạch hành động riêng để có thể đáp ứng các điều kiện về quân sự, chính trị, kinh tế và pháp lý theo chuẩn NATO. Khi các yêu cầu được đáp ứng và toàn bộ thành viên chấp thuận, nghị định thư gia nhập hiệp ước sẽ được ký kết.
Bình luận