• Zalo

Thượng tôn pháp luật – nhân tố chính duy trì hòa bình, ổn định tại Biển Đông

Thế giớiThứ Năm, 07/11/2019 21:46:00 +07:00Google News

Chiều 7/11, Hội thảo Khoa học Quốc tế Biển Đông lần thứ 11 kết thúc tốt đẹp với sự đồng thuận cao giữa các đại biểu.

Trả lời phỏng vấn của VTC News, TS. Nguyễn Hùng Sơn, Quyền Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao – đơn vị đồng tổ chức Hội thảo Quốc tế lần thứ 11 về Biển Đông, khẳng định:

Kết quả quan trọng nhất của Hội thảo lần này chính là sự đồng thuận rất cao giữa các đại biểu về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc xây dựng một khu vực thượng tôn pháp luật, tôn trọng luật pháp quốc tế. Và điều đó sẽ là nhân tố chính giúp duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông, cũng như ở khu vực rộng lớn hơn”.

IMG_8820

Quang cảnh Hội thảo Quốc tế lần thứ 11 về Biển Đông. (Ảnh: Minh Tuấn) 

Hội thảo Quốc tế lần thứ 11 về Biển Đông với chủ đề “Hợp tác vì An ninh và Phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức đã kết thúc tốt đẹp sau 2 ngày làm việc tích cực (ngày 6-7/11).

Trải qua 6 phiên toàn thể, 6 phiên chuyên ngành, các đại biểu, bao gồm các quan chức cấp cao, các luật sư và chuyên gia uy tín quốc tế, đã đưa ra thảo luận nhiều vấn đề quan trọng đối với khu vực, như sự định hình của khu vực mà thế giới hay gọi là Ấn Độ-Thái Bình Dương, sự gắn kết giữa khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, về các vấn đề hệ trọng đối với biển và đại dương như bảo vệ môi trường biển, bảo tồn nghề cá, về các bài học mà các vùng biển khác nhau có thể chia sẻ như Biển Đông, vùng cực, Nam Thái Bình Dương, về các hiện tương mới như là nhiều nước đang sử dụng chiến thuật “vùng xám” trong việc thực thi yêu sách của mình.

Trong tất cả các cuộc thảo luận, các đại biểu đưa ra nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau. “Có những quan điểm đạt được sự nhất trí chung, nhưng cũng có những quan điểm đang còn khác biệt. Cái chung ở đây là thống nhất được nhận thức, thống nhất việc áp dụng, triển khai luật pháp quốc tế vào việc củng cố môi trường khu vực. Cái khác biệt chỉ là cách làm như thế nào và một số khái niệm, định nghĩa cụ thể” - TS. Nguyễn Hùng Sơn kết luận.

Việc có sự tham dự của đông đảo các chuyên gia, các nhà nghiên cứu cũng như các nhà ngoại giao đến từ các nước trong và ngoài khu vực chứng tỏ tầm quan trọng và ý nghĩa rộng rãi của việc tăng cường nhận thức vấn đề Biển Đông.

Văn Đức
Bình luận
vtcnews.vn