Trong khuôn khổ Hội thảo Khoa học Quốc tế Biển Đông lần thứ 11 tại Hà Nội, tại phiên thảo luận riêng về Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), Thẩm phán Tòa án Luật biển Quốc tế (ITLOS) GS. Stanislaw Michal Pawlak khẳng định, những yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông đi ngược lại UNCLOS 1982.
Thẩm phán Stanislaw Michal Pawlak nêu rõ: “UNCLOS là công ước đã tạo ra hệ thống pháp luật toàn diện, góp phần vào việc định hình trật tự tại các đại dương và biển trên thế giới, thiết lập các nguyên tắc điều chỉnh về việc sử dụng tài nguyên biển và đại dương”.
“Hiện nay, Công ước này đã được công nhận trên toàn thế giới và giải quyết các vấn đề quan trọng liên quan tới Luật Biển. Trong vòng một phần tư thế kỷ qua, Công ước đóng góp nhiều vào việc góp phần đảm bảo hòa bình, hợp tác và quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên thế giới”.
Theo Thẩm phán Stanislaw Michal Pawlak, ITLOS khẳng định rõ ràng rằng, các yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử đối với tài nguyên tại Biển Đông là không phù hợp với những quyền cụ thể và các vùng biển quy định trong UNCLOS 1982.
Các yêu sách của Trung Quốc đang đi ngược lại với những quy định của Công ước quốc tế và không có hiệu lực pháp lý, vì Trung Quốc mở rộng quá lớn về giới hạn địa lý và các quyền trên vùng biển của mình.
GS. Stanislaw Michal Pawlak cho biết thêm, hiên nay ITLOS đang là một cơ quan tài phán hoạt động hiệu quả trên thế giới. Việc tuân thủ UNCLOS 1982, đồng thời xây dựng nhiều thông lệ trong công pháp quốc tế, ITLOS góp phần vào việc thúc đẩy tinh thần thượng tôn pháp luật trên biển, duy trì hòa bình công lý và tiến bộ trong quan hệ quốc tế.
UNCLOS là văn kiện pháp lý quan trọng đóng vai trò là nền tảng của trật tự dựa trên luật lệ trên Biển trong suốt một phần tư thế kỷ. UNCLOS 1982 có hiệu lực từ ngày 16/11/1994.
Ông Pawlak là một trong 5 thẩm phán xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2013. Năm 2016, ITLOS ra phán quyết, dựa trên Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS), trong đó bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" Trung Quốc đơn phương đưa ra nhằm chiếm gần như trọn Biển Đông.
Bình luận