Nội dung trên vừa được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) kiến nghị Chính phủ trong bối cảnh ngành dầu khí đang phải chịu tác động kép do dịch COVID-19 lan rộng và giá dầu thế giới giảm sâu dẫn tới doanh thu, lợi nhuận sụt mạnh.
PVN cho biết, giá dầu lao dốc trong suốt thời gian từ đầu 2020 đến nay đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu, hiệu quả của PVN và các đơn vị thành viên trong cả 5 lĩnh vực kinh doanh chính ở mức độ khác nhau.
Cụ thể, với lĩnh vực khai thác dầu khí, giá dầu cứ giảm 1 USD/thùng thì doanh thu sẽ giảm khoảng 2,2 nghìn tỷ đồng/năm. Với giá dầu ở mức 30 USD/thùng thì doanh thu sẽ giảm khoảng 55 nghìn tỷ đồng/năm (so với giá dầu kế hoạch là 60 USD/thùng).
Hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu cũng chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19 và giá dầu xuống thấp khi nhu cầu vận tải, lưu thông sụt giảm. Các nhà máy lọc dầu bị lỗ do tồn trữ, chênh lệch giá sản phẩm thấp (có lúc giá xăng thấp hơn giá dầu), nguy cơ dừng hoạt động do tồn kho cao.
Lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí cũng gặp khó tương tự khi các chủ đầu tư, nhà thầu có xu hướng cắt giảm và tối ưu hóa chi phí sản xuất.
Trước thực tế trên, PVN kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành xem xét điều chỉnh sửa đổi một số chính sách thuế để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn.
Theo PVN, nhằm ứng phó với biến động chưa từng có trong lịch sử trên thị trường dầu thô hiện nay, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ ngày tài chính bằng các khoản vay giá rẻ về vốn lưu động cho PVN và các đơn vị thành viên của PVN; giãn khoản nợ vay tại các dự án, doanh nghiệp khó khăn của ngành.
Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước cho phép PVN và các đơn vị thành viên được sử dụng khoản tiền gửi của PVN và các đơn vị thành viên tại Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) hoặc cho phép được sử dụng khoản tiền này để thanh toán các nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước.
Đồng thời điều tiết thị trường bán lẻ xăng dầu, xem xét tạm dừng nhập khẩu xăng dầu, xem xét cân đối cung cầu giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu, điều hành giá xăng dầu ở mức hợp lý để duy trì hoạt động cho chuỗi sản xuất kinh doanh từ khai thác đến chế biến, cung ứng sản phẩm để cứu nền kinh tế chung của đất nước, duy trì công ăn việc làm của người lao động.
Áp dụng những giải pháp thuế trong giai đoạn hiện nay như đưa sản phẩm phân bón vào diện sản phẩm phải chịu thuế VAT với mức thuế suất 0%; đưa sản phẩm xăng dầu được chế biến từ tài nguyên dầu thô khi xuất khẩu được vào chịu thuế VAT. Xem xét bỏ quy định về thuế suất thuế xuất khẩu đối với sản phẩm phân bón.
Thêm nữa, Chính phủ chỉ đạo tăng cường hợp tác trong khâu phân phối sản phẩm giữa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cùng phân phối tiêu thụ sản phẩm như PVN, Petrolimex, Vinachem…
Cùng với các kiến nghị trên, PVN cho biết, ngay từ khi dịch COVID-19 có nguy cơ xảy ra và tác động kép của khủng hoảng giá dầu giảm, PVN đã xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp về quản trị, đầu tư, tài chính, thị trường và cơ chế chính sách.
Cụ thể, về quản trị, PVN tập trung chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, cắt giảm tối đa chi phí sản xuất kinh doanh (tối thiểu 15%), giảm lương (10-20%), giảm hội họp, giao lưu...tăng cường quản trị chi phí tối ưu, triển khai áp dụng các công cụ, giải pháp nhằm giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và nâng cao năng suất lao động.
Về tài chính, PVN đánh giá tác động dòng tiền, có phương án hạn chế tác động và tận dụng cơ hội tối ưu, tái cơ cấu nguồn vốn, giảm chi phí vốn; tiết giảm chi phí lãi vay; huy động vốn vay; tăng cường quản lý thu hồi công nợ; cơ cấu lại các khoản nợ; đàm phán điều chỉnh lãi vay…
PVN cũng cập nhật, đánh giá, phân loại xác định nhóm các dự án ưu tiên; phân kỳ đầu tư, điều chỉnh tiến độ hợp lý; giãn dừng các dự án chưa thực sự quan trọng; tăng cường kiểm soát các hợp đồng; tìm kiếm cơ hội đầu tư mua mỏ tận dụng giá dầu thấp…
Trong nhóm giải pháp về thị trường, PVN đã bám sát diễn biến cung cầu, giá dầu thô và sản phẩm để có giải pháp kịp thời; đa dạng hóa kênh phân phối, tăng thị phần bán lẻ; xây dựng chính sách bán hàng linh động; mở rộng và tích hợp hệ thống phân phối để chia sẻ, tiết giảm chi phí.
PVN cũng tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong nước có ngành nghề kinh doanh liên quan đến sản phẩm của đơn vị mình cung cấp; song song kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành xem xét có các chỉ đạo định hướng cân đối cung cầu, khuyến khích sản xuất trong nước, xử lý gian lận thương mại…
Video: Giá dầu xuống mức âm, hàng ngàn công ty Mỹ nguy cơ phá sản
Bình luận