• Zalo

Thủ tướng Đức: Áp trần giá khí đốt Nga, nguồn cung cho EU sẽ bị thiếu

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 21/10/2022 07:06:28 +07:00Google News
(VTC News) -

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết quyết định chính trị nhằm áp đặt giới hạn giá năng lượng có thể dẫn đến việc giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu.

"Chúng tôi đang xem xét rất thận trọng các đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC). Mức giới hạn giá được thiết lập về mặt chính trị luôn tiềm ẩn rủi ro khi các nhà sản xuất sẽ bán khí đốt cho những nơi khác. Và chúng tôi, những người châu Âu, sẽ không nhận được nhiều khí đốt hơn mà sẽ ít khí đốt hơn", Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói.

"Về vấn đề này, EU nên phối hợp chặt chẽ hành động với các nước tiêu thụ khí đốt khác như Nhật Bản và Hàn Quốc để không cạnh tranh lẫn nhau. Đồng thời, chúng tôi cũng đang trao đổi với các nhà sản xuất khác về mức giá phù hợp", ông Olaf Scholz cho biết thêm.

Thủ tướng Đức: Áp trần giá khí đốt Nga, nguồn cung cho EU sẽ bị thiếu - 1

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: Getty)

Thủ tướng Đức nhấn mạnh: "Tôi tin rằng các quốc gia như Mỹ, Canada và Na Uy, cùng với chúng tôi hỗ trợ Ukraine trên cơ sở đoàn kết, quan tâm đến việc có năng lượng giá cả hợp lý ở châu Âu".

Đề xuất nhằm giới hạn giá khí đốt nằm trong chương trình nghị sự của cuộc họp Hội đồng châu Âu, được tổ chức vào ngày 20-21/10 tại Brussels (Bỉ).

Hôm 25/9, nhóm gồm 15 quốc gia đã kêu gọi EU áp đặt trần giá đối với tất cả khí đốt nhập khẩu. Tuy nhiên, Đức, Đan Mạch và Hà Lan đã phản đối việc hạn chế như vậy vào thời điểm đó, cho rằng điều đó sẽ gây tổn hại cho các nỗ lực kiềm chế cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.

Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne van der Straeten đề xuất xem xét "hành lang giá linh hoạt" như một biện pháp khả thi để đối phó với giá khí đốt tăng. Trong khi đó, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nêu rõ sự cần thiết phải đưa ra mức giới hạn về giá đối với khí đốt của Nga.

Đầu tháng 9, bộ trưởng tài chính các nước thuộc nhóm G7 tuyên bố sẽ khẩn trương làm việc để hoàn thành và thực hiện biện pháp áp giá trần với dầu Nga, song không nêu rõ mức trần là bao nhiêu. Mục đích của biện pháp này là nhằm ngăn Nga thu nguồn tiền quan trọng cho chiến dịch quân sự ở Ukraine, cũng như ngăn giá năng lượng toàn cầu tiếp tục tăng.

Bên cạnh các đợt trừng phạt của Mỹ thời gian qua, EU cũng đã trừng phạt nặng nề lĩnh vực năng lượng của Nga, áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với nhập khẩu dầu thô dự kiến ​​sẽ có hiệu lực vào tháng 12.

Kông Anh(Nguồn: TASS)
Bình luận
vtcnews.vn