TS Đỗ Tuấn Đạt – Chủ tịch Vabiotech (Công ty TNHH MTV vaccine và sinh phẩm số 1 – Bộ Y tế) cho biết, các nhà khoa học đã "cài" được kháng nguyên SARS-CoV-2 vào vaccine, tiêm thử nghiệm vaccine trên chuột để theo dõi tính sinh miễn dịch.
Sau 10 ngày tiêm thử nghiệm vaccine, hiện chuột thí nghiệm khỏe mạnh. Thời gian tới, số chuột này tiếp tục được theo dõi các đáp ứng miễn dịch giai đoạn 1. "Đây có thể coi là thành công bước đầu của nghiên cứu", ông Đạt nói.
Theo ông Đạt, công nghệ nghiên cứu giai đoạn này tuy khá khó khăn trong việc tạo ra protein đáp ứng miễn dịch. Tuy nhiên, giai đoạn sau sẽ nhanh hơn so với công nghệ tổng hợp gene, từ đó rút ngắn được thời gian phát triển vaccine.
Các mẫu máu xét nghiệm trên chuột sẽ được chuyển đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để đánh giá các đáp ứng miễn dịch chống lại virus corona. Nếu miễn dịch tốt, tức là kháng nguyên chủng vaccine hoạt động tốt.
Các nhà khoa học sau đó sẽ tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm chính thức trên động vật để đánh giá thêm về miễn dịch và khả năng bảo vệ dự tuyển của vaccine. Cuối cùng là thử nghiệm trên người ở nhóm nhỏ sau đó tăng lên nhóm lớn hơn.
Công tác nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 được triển khai ngay khi Việt Nam ghi nhận các ca bệnh đầu tiên. Nghiên cứu dựa trên công nghệ vector virus cùng với sự hợp tác của các nhà khoa học Anh (Đại học Bristol).
Vector virus là hệ thống được cài đặt một hoặc nhiều vùng gene mã hóa vùng kháng nguyên mong muốn. Khi tiêm chủng, kháng nguyên protein sẽ được biểu hiện tương tác với vật chủ để tạo ra đáp ứng miễn dịch phòng tác nhân đích gây bệnh.
Bước đầu, nghiên cứu thành công trong việc tạo ra chủng mang vùng kháng nguyên đặc hiệu của virus corona. Kháng nguyên thành phần này khi sử dụng sẽ giúp cơ thể sinh ra kháng thể chủ động chống lại corona, phòng tránh nguy cơ nhiễm bệnh. Đây là nguyên liệu quan trọng để sản xuất vaccine phòng COVID-19 về sau.
Video: Vaccine lao có tác dụng phòng chống COVID-19 không
Bình luận