Từng 7 năm làm thư ký cho nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Đại tá Khuất Biên Hòa là một trong số những người thân cận và có nhiều kỷ niệm đặc biệt với vị "Đại tướng Nhân dân".
Chia sẻ với VTC News, Đại tá Khuất Biên Hòa xúc động: “Bao nhiêu năm gắn bó cùng Đại tướng, giờ nhận tin Đại tướng từ trần, dù biết đó là một sự ra đi có chuẩn bị vì Đại tướng đã ốm từ trước Tết năm ngoái, gia đình mọi người thân đều có sự chuẩn bị về tư tưởng, nhưng vẫn thấy thật hẫng hụt, đau thương, cảm xúc bàng hoàng khó tả”.
Đại tá Khuất Biên Hòa chia sẻ, trước lúc lâm bệnh, Đại tướng Lê Đức Anh vẫn thường xuyên nhắn tin qua lại với ông. Buổi tối hôm đó, nhận tin báo nguyên Chủ tịch nước từ trần, ông Hòa bàng hoàng, cầm điện thoại lên muốn nhắn tin nhưng chân tay run lập bập.
Nhắc về những kỷ niệm với nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Đại tá Khuất Biên Hòa cho biết, từ đáy lòng ông luôn coi Đại tướng như một người thầy, một người cha, một con người có tầm nhìn chiến lược, thông minh, sắc sảo, cẩn trọng nhưng cũng giàu lòng nhân ái, giản dị và rất đời thường.
“Đại tướng Lê Đức Anh là người có nhiều đóng góp rất lớn và hiệu quả cùng với các đồng chí Bộ Chính trị đưa đất nước vượt qua những khó khăn nghiệt ngã và phát triển đi lên, nhưng lối sống, phẩm chất của Đại tướng luôn đậm chất Bộ đội Cụ Hồ.
Cuộc sống từ bé cho đến khi vào quân ngũ và đến lúc trở thành người đứng đầu Nhà nước, Đại tướng vẫn rất giản dị và tiết kiệm, không phải tiết kiệm cho bản thân ông mà cho nhân dân, đất nước”, Đại tá Khuất Biên Hòa chia sẻ.
Ông Hòa kể, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh vẫn hay mặc bộ quần áo Tô Châu màu rêu đã sờn cũ, mùa đông thì thêm chiếc áo len bên trong, khoác chiếc áo bông của quân đội phát.
“Khi có ngày lễ quan trọng hay có đồng chí cán bộ của Trung ương sang làm việc hay thăm hỏi, trước đó 15 phút ông nói công vụ lên lấy bộ comple để ông mặc. Sau đó, ông ngồi đón khách trước giờ hẹn 5 phút”, Đại tá Hòa nói.
Từ năm 1986 đến nay, Đại tướng và Phu nhân ở trong căn nhà công vụ N8 (ở số 5, Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội), vốn là ngôi nhà của một sỹ quan Pháp trong khuôn viên Thành cổ Hoàng Diệu, đã có từ hơn 100 năm. Đồ đạc trong nhà từ bàn ghế, giường tủ đến các vật dụng khác đều đã cũ kỹ và đơn sơ.
Năm 2003-2004, khi quy hoạch “Khu chính trị Ba Đình” được công bố, cùng lúc Bộ Quốc phòng bàn giao khu di tích Điện Kính Thiên - Cửa Bắc - Lầu Công chúa cho Sở Văn hoá Hà Nội và xây dựng cơ quan Bộ ở đường Nguyễn Tri Phương.
Lúc đó, Cục Hậu cần của Bộ tổng Tham mưu cũng xây cất hai ngôi nhà 4 tầng bên bờ Hồ Tây để phòng khi phải bàn giao khu nhà khách T66, nơi có căn N8, thì sẽ mời nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh và Bộ trưởng Phạm Văn Trà di chuyển ra đây ở.
Khi biết chuyện, Đại tướng nói: “Từ lâu nay Quân đội đã có quy định mỗi cán bộ chỉ hưởng một suất nhà-đất. Tôi đã được cấp nhà từ sau giải phóng miền Nam. Tôi không thể nhận thêm cái thứ 2. Khi nào TP Hà Nội thu nhà công vụ này thì tôi vào nhà tôi trong TP.HCM”.
Đại tá Khuất Biên Hòa chia sẻ, một trong những phẩm chất khiến ông ấn tượng nhất về người thầy của mình đó là Đại tướng Lê Đức Anh luôn đặt lợi ích của đất nước lên trên hết, không vì tình cảm cá nhân, gia đình mà nâng đỡ, ứu ái cho người thân.
“Con người như Đại tướng trong giai đoạn đương thời ngày càng hiếm. Ông có 1 người con trai, 2 người con gái và 6 cháu nội-ngoại, nhưng Đại tướng không bao giờ tận dụng cương vị và các mối quan hệ xã hội của mình để nâng đỡ con, cháu.
Đại tướng nói với các con phải tự mình rèn luyện, phấn đấu, cố gắng làm việc theo luật pháp, theo phẩm chất, nỗ lực của bản thân. Nếu bản thân làm tốt, có phẩm chất tốt thì các cơ quan Đảng, Nhà nước sẽ dung nạp chứ không có chuyện xin xỏ, gọi điện, thư tay này kia.
Có lần ông Lê Hữu Độ - anh ruột của Đại tướng Lê Đức Anh từ Huế ra Hà Nội thăm và có lời nhờ vả người em trai “giúp cho cháu lớn một chỗ làm ở quanh Hà Nội cho tiện đi về và chăm sóc vợ con”. Nhưng Đại tướng từ chối và nói: “Nơi làm việc thì anh nhủ cháu cứ rèn luyện và phấn đấu cho tốt, khắc có cơ quan, xí nghiệp thu nạp”, thư ký của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh nhớ lại.
Đại tá Hòa kể, trong những năm tháng làm trợ lý giúp việc cho Đại tướng, có khá nhiều những chuyến đi đường dài cùng Đại tướng mà ông không thể nào quên.
Là nguyên thủ quốc gia, tuổi đã cao, từng trải qua 2 lần tai biến xuất huyết não, vậy mà mỗi khi đi xa, Đại tướng bảo: “Không gọi xe Cảnh sát có còi hú dẫn đường. Không thông báo cho các đơn vị Quân đội và các cơ quan, chính quyền địa phương trên dọc tuyến đường đi”.
Mỗi chuyễn đi, Đại tướng thường dặn trợ lý và cận vệ mang theo sữa, cam tươi, bánh mì, cơm nắm, nước suối. Tới giờ nghỉ trưa thì dạt xe vào tán cây bên đường chừng 30 phút để dùng bữa chứ không muốn phiền các đơn vị.
Đại tướng Lê Đức Anh từng nói: “Các tỉnh nằm trên đường mà ta chỉ đi qua chứ không có nội dung làm việc, nhưng lâu ngày thấy bác tới, các đơn vị quý thì đón tiếp. Nhưng tục lệ ở ta, cứ Bí thư tỉnh tiếp thì cũng phải có Phó Bí thư, rồi Chủ tịch và Phó Chủ tịch, Chánh - Phó Văn phòng, đủ các ban bệ.
Trong khi chỉ có bác cháu ta mà tốn kém 4-5 mâm cơm thì mang tiếng, mà tiền đó cũng do nhân dân đóng góp mà có. Như vậy thì không nên”.
Đại tá Hòa chia sẻ, với tính cách của Đại tướng Lê Đức Anh, nhiều người không hiểu nên cứ nghĩ ông là người nghiêm khắc, khó gần, nhưng thực sự ông lại là người sống rất tình cảm và mọi ứng xử rất nhân văn.
Đại tướng là người rất thận trọng, kiệm lời, chứ không vồ vập. Mỗi khi trao đổi với ai, ông thường thu thập thông tin nhiều chiều, phân tích, tổng hợp, sau đó trao đổi với họ rất thận trọng.
“Khi tôi làm trợ lý kiêm thư ký phục vụ bác ở đây, bác nói: "Chú dặn bảo vệ tiếp cận và các cháu cảnh vệ, riêng cửa số 5B Hoàng Diệu luôn luôn mở rộng để đón mọi người, không phân biệt đẳng cấp, từ người lao động bình thường như ông đạp xích lô hay cán bộ các ngành, các địa phương. Tôi không quan cách, phân biệt ai cả”, Đại tá Hòa nói.
Đại tá Khuất Biên Hòa nhấn mạnh con người Đại tướng Lê Đức Anh đối với cấp dưới, đối với nhân dân, ông luôn đối xử bằng thứ tình cảm yêu thương, trân trọng và gần gũi nhất, đó là tình cảm giữa con người với nhau, không phân biệt giai cấp, sang hèn.
Bình luận