Khác với các doanh nghiệp, công ty, ngành giáo dục không có quy định thưởng tháng lương thứ 13, hầu hết tiền Tết đều được trích từ quỹ công đoàn, quỹ tiết kiệm chi. Như các năm trước, năm nay thưởng Tết dao động từ 500.000 - 2 triệu đồng/giáo viên, tuỳ thâm niên, vị trí công tác, thậm chí nhiều thầy cô đang dạy hợp đồng chỉ nhận được cân gạo, con gà.
"10 năm nay mức thưởng Tết của thầy cô giáo cắm bản ở đây không tăng, cũng không giảm", cô giáo Hoàng Bích Thuỷ (Văn Chấn, Yên Bái) nói và cho biết mức thưởng tuy không nhiều, nhưng cũng là món quà nhỏ, an ủi các thầy cô giáo mỗi dịp Tết đến xuân về.
Cô hiểu chuyện thưởng Tết là điều xa xỉ và cũng chẳng thầy cô nào dám mơ ước nhiều. Nhiều khi thấy người thân trong gia đình đi làm được thưởng cao, cô Thủy cũng chạnh lòng, nhưng cô cùng đồng nghiệp luôn động viên nhau "có tiền nhiều thì ăn Tết to, tiền ít thì ăn Tết nhỏ, khéo co kéo rồi cũng xong cái Tết".
12 năm công tác ở Đồng Văn, Hà Giang, thưởng Tết cao nhất cô giáo Lò Thị Phương Thảo từng nhận được là 3.675.000 đồng - năm 2020, kèm hộp mứt tết và 10 cân gạo nếp.
"Sở dĩ năm đó được thưởng Tết cao do dịch COVID-19, học sinh nghỉ ở nhà, trường không nhiều hoạt động nên quỹ tiết kiệm chi cũng cao hơn so với các năm trước. Tôi và các thầy cô vẫn hay đùa, 2020 là năm lịch sử, giá như thưởng Tết năm nào cũng vậy thì vui", cô Thảo chia sẻ. Còn lại các năm hầu hết chỉ chỉ khoảng được 500.000 - 1.000.000 đồng, năm nào ít thì cái bánh chưng, ít thịt lợn…
Cô Thảo tâm sự, giáo viên trẻ chưa lập gia đình thì còn có tiền tiết kiệm được tiền lương cả năm, nhưng nếu có con thì khó mà dành dụm. “Nào là tiền quần áo cho con, tiền sắm Tết hai bên gia đình, tiền đi lại bên nội, bên ngoại. Có năm chúng tôi còn nghĩ đến chuyện đón con lên bản ăn Tết", cô nói.
Câu chuyện tiền lương, thưởng Tết lúc nào cũng là trăn trở với nhiều giáo viên. Trong khi các ngành, nghề khác, người lao động hân hoan với các khoản tiền thưởng cuối năm thì với ngành giáo dục, nhất là hệ thống trường công lập gần như không có "khái niệm thưởng tết".
Theo thầy giáo Nguyễn Công Hướng, trường THCS Sìn Hồ (Lai Châu), để có khoản tiết kiệm chi mỗi năm không phải chuyện dễ với các trường vùng cao, có khi lũ lụt phá hoại hết trường lớp, học sinh bỏ học, còn giáo viên phải gồng mình lên để bám trường, bám lớp. Năm nào may mắn không có lũ quét qua, trường an toàn thì tiền thưởng Tết cho thầy cô cao, còn không chỉ chai dầu ăn, hộp mứt Tết… là nhiều.
“Gáo viên vùng cao luôn tự động viên nhau bớt nghe, bớt đọc mấy chuyện thưởng Tết để đỡ chạnh lòng. Cứ thế mà sống, cái bánh chưng, con gà luộc rồi cũng xong”, thầy Hướng kể.
Thầy Lê Thế Anh, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở dân tộc bán trú Lùng Tám (Hà Giang) chia sẻ, tiền thưởng Tết theo đúng ngân sách chi thường niên của địa phương rất ít, chỉ gọi là chút hỗ trợ các thầy cô. Hầu như các trường đều thực hiện tiết kiệm chi và tăng gia sản xuất trong năm học để khi Tết về các thầy cô có thêm tiền thưởng động viên.
Để đảm bảo các thầy cô giáo đều được thưởng và đặc biệt giúp đỡ các cá nhân đặc biệt khó khăn ở xa, trường luôn dự phòng một quỹ riêng dành hỗ trợ các thầy cô. Ví dụ như những ngày lễ 20/11, 8/3, 20/10… nhẽ ra các thầy cô được tổ chức liên hoan ăn cơm, thì trường chỉ gói gọn ăn uống đồ ngọt nhẹ nhàng. Cứ mỗi sự kiện lại tối giản chi một chút để đưa tiền vào quỹ chung. Rồi đến cuối năm giáo viên nào cũng được thưởng Tết lớn tính theo thâm niên công tác, số lớp phụ trách và số giờ dạy, phần nào thấy yên tâm công tác hơn rất nhiều.
Bình luận