Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ Đốc giáo (CDU/CSU) đã ghi nhận kết quả bầu cử tồi tệ nhất ở nước Đức thời hậu chiến khi chỉ nắm giữ 24,1% số phiếu bầu, đứng thứ hai sau đảng SPD của ứng cử viên Olaf Scholz với 25,7% số phiếu.
Nhưng ông Armin Laschet, với hy vọng khối bảo thủ sẽ tiếp nối nhiệm kỳ của Thủ tướng Angela Merkel, vẫn khẳng định rằng CDU/CSU sẽ cố gắng xây dựng một liên minh cầm quyền và sẵn sàng đàm phán với Đảng Xanh cũng như Đảng Dân chủ Tự do (FDP) về khả năng hợp tác. Mặc dù thừa nhận “không hài lòng với kết quả bầu cử”, nhưng ông Laschet cũng tuyên bố “không đảng phái nào” - thậm chí là SPD, có quyền để điều hành chính phủ sau cuộc bỏ phiếu ngày 26/9.
Hiện ngày càng có nhiều lời kêu gọi ông Laschet thừa nhận thất bại và từ chức, ngay cả trong chính đảng của ông. Ellen Demuth – một thành viên của CDU tại quốc hội bang Rhineland-Palatinate viết trên Twitter rằng: “Ông đã thua cuộc. Xin hãy có cái nhìn sâu sắc. Tránh gây thiệt hại thêm cho CDU và từ chức”.
Marcus Muendlein, Chủ tịch hội thanh niên của CDU tại bang Sachsen kêu gọi “một sự khởi đầu mới”. Theo ông, điều này “chỉ có thể thành công nếu lãnh đạo và ứng cử viên thủ tướng của chúng ta Armin Laschet… từ chức”.
Giới phân tích cho rằng, sự quay lưng của đồng minh sẽ khiến ông Armin Laschet gặp rất nhiều khó khăn trong "cuộc đua song mã" với Scholz đến ghế thủ tướng.
Được bầu làm Chủ tịch CDU vào tháng 1/2021, trong suốt thời gian dài, ông Armin Laschet từng được kỳ vọng là người kế nhiệm phù hợp của bà Merkel sau khi bà rút lui khỏi chính trường. Nhưng tỷ lệ ủng hộ nhân vật này đã bắt đầu giảm sút do một loạt sai lầm, từ thái độ không phù hợp khi thị sát tình hình lũ miền Tây nước Đức hồi tháng 7, tới sự cố bỏ phiếu không hợp quy cách trong ngày bầu cử 26/9.
Kết quả bầu cử ngày 26/9 cho thấy, lần đầu tiên liên minh CDU/ CSU, lực lượng thống trị chính trường Đức kể từ Thế chiến II, nhận được số phiếu bầu dưới 30% trong một cuộc tổng tuyển cử.
Bình luận