Theo Tổng cục Môi trường, hướng dẫn cách đo chỉ số chất lượng không khí này sẽ được áp dụng với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, các tổ chức, cá nhân tham gia vào mạng lưới quan trắc môi trường, và tham gia vào việc công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng.
Chỉ số chất lượng không khí (AQI) được tính toán từ các thông số quan trắc các chất ô nhiễm trong không khí.
Điều này cho biết tình trạng chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, được thể hiện qua thang điểm.
Theo hướng dẫn, AQI được áp dụng cho 2 loại: AQI ngày là giá trị đại diện cho chất lượng không khí trong 1 ngày; AQI giờ là giá trị đại diện cho chất lượng không khí trong 1 giờ.
Chỉ số chất lượng không khí được tính theo thang điểm gồm 6 khoảng giá trị AQI. Tương ứng với đó là biểu tượng và các màu sắc để cảnh báo chất lượng không khí, mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Theo đó, AQI ở khoảng giá trị từ 0 - 50 tương ứng chất lượng không khí tốt, màu xanh.
AQI (51 - 100), chất lượng không khí trung bình, màu vàng. AQI (101 - 150), chất lượng không khí kém, màu da cam. AQI (151 - 200), chất lượng không khí xấu, màu đỏ.
AQI (201 - 300), chất lượng không khí rất xấu, màu tím. AQI (301 - 500), chất lượng không khí nguy hại, màu nâu.
Các thông số về chất lượng không khí được sử dụng để tính AQI bao gồm: SO2, CO, NO2, O3, PM10 và PM2.5. Trong đó, phương pháp tính toán AQI yêu cầu bắt buộc phải có tối thiểu 1 trong 2 thông số PM10, PM2.5 trong công thức tính.
Bình luận