Anh Định Nguyễn (35 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội), cho biết con trai anh năm nay vừa lên 7 tuổi. Một tuần trở lại đây, anh và gia đình hạn chế cho các con ra ngoài trời khi không thật sự cần thiết.
Khi đi học, anh đều đeo khẩu trang y tế để giảm thiểu con hít phải bụi mịn. Dù con đến trường học nhưng anh vẫn chưa yên tâm do con còn nhỏ không nhận thức hết mức độ nguy hiểm của ô nhiễm không khí nên khó phòng tránh.
Khi tan trường, anh liền đến đón con, đeo khẩu trang kín mặt rồi đưa về nhà. Ngoài lúc đi học, anh hạn chế cho con ra ngoài trời nếu không thật sự cần thiết vì trẻ nhỏ thuộc nhóm nhạy cảm với môi trường.
Hàng ngày anh Nguyễn vẫn theo dõi chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội và địa điểm nơi gia đình anh sinh sống. Hôm nào Hà Nội có chất lượng không khí kém, chỉ số AQI cao, anh sẽ đóng kín các cửa sổ, cửa chính để hạn chế bụi bay vào trong nhà.
Gia đình anh cũng trồng thêm cây xanh ngoài ban công để góp phần thanh lọc không khí, giảm thiểu khí bụi vào nhà.
“Con trai tôi khá nhạy cảm với thời tiết, đặc biệt là khói bụi. Ngày nào ra ngoài tiếp xúc không khí ô nhiễm về đều xuất hiện tình trạng ho, trán nổi mẩn đỏ”, anh Định nói.
Anh cho biết, để con đỡ chán nản khi ở nhà nhiều, anh thường chọn những địa điểm vui chơi trong nhà, khu mua sắm, siêu thị, ăn uống thay cho các hoạt động ngoài trời.
Cũng trong tâm trạng lo lắng cho con về tình hình ô nhiễm không khí tại Hà Nội, chị Nguyễn Thị Yến (29 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội), cho biết chị có một người con trai hơn 3 tháng tuổi, da nhạy cảm với thời tiết, môi trường.
Chị đọc báo chí, xem thông tin về chỉ số AQI tại Hà Nội thường xuyên để có thói quen sinh hoạt phù hợp. Một tuần trở lại đây, chị hạn chế mở cửa phòng tối đa và lau dọn nhà cửa để giảm thiểu bụi mịn PM2.5 trong nhà. Mỗi khi ra ngoài chị đều đóng cửa lại ngay để tránh bụi.
Nhiều khi con ở trong nhà lâu buồn chán, chị bế con ra ngoài hóng mát nhưng khi vào nhà con lại dụi vầng trán, khu vực chân mày đỏ lên vì ngứa, khó chịu và quấy khóc. Vì thế, chị đành để con trong nhà suốt ngày đêm trong những ngày chỉ số ô nhiễm không khí cao. Chỉ hôm nào thời tiết nắng ráo, chỉ số ô nhiễm giảm, chị mới tranh thủ cho con ra ngoài chơi.
“3 tháng tuổi, con đang phát triển, thỉnh thoảng nên cho con ra ngoài để tăng khả năng quan sát, tiếp xúc môi trường, nhưng với mức độ ô nhiễm bụi mịn hiện tại, tôi đành để con trong nhà để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của con”, chị Yến nói.
Theo số liệu quan trắc ô nhiễm không khí Pam Air (kênh thông tin tham khảo chất lượng không khí), 17h ngày 12/3, chỉ số ô nhiễm không khí trung bình từ 154 - 175, mức không lành mạnh.
Cùng thời điểm, IQAir (ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới) xếp Hà Nội đứng thứ hai thế giới về mức độ ô nhiễm không khí với chỉ số AQI trung bình 163.
Theo Cục Bảo Vệ Môi Trường Hoa Kỳ, bụi mịn PM2.5 là những hạt bụi li ti có trong không khí với kích thước 2.5 micron trở xuống, nhỏ hơn khoảng 30 lần so với tóc con người.
Bụi mịn mang vi khuẩn có hại cho cơ thể, gây ra hiện tượng dị ứng da. Nếu tiếp xúc với lượng bụi mịn nhiều có thể gây ra các hiện tượng viêm mũi, đau mắt, các bệnh về tai mũi họng.
Bụi mịn có thể hấp thụ chất độc, mang theo vi khuẩn và virus ngoài môi trường. Khi xâm nhập vào cơ, chúng sẽ thải độc tố ngầm vào cơ thể, từ đó làm suy giảm hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến phổi.
Bụi mịn phá hủy và đẩy nhanh quá trình Apoptosis - một trong những cơ sở sinh bệnh học quan trọng nhất của bệnh tim mạch. Khi hít phải 1 lượng lớn bụi mịn có thể làm tăng nguy cơ tử vong ở những người mắc bệnh tim.
Bụi mịn chứa kim loại được các nhà khoa học nghiên cứu là nguyên nhân gây ung thư và biến đổi gen ở người.
Bình luận