• Zalo

Thai Airways xin phá sản: Hàng không Việt Nam đối diện kịch bản nào?

Đầu TưChủ Nhật, 17/05/2020 16:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng COVID-19 là “giọt nước tràn ly” dẫn đến khả năng phải cho phá sản Thai Airways vì tài chính quá khó khăn.

Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Uttama Savanayana cho biết, các cơ quan có trách nhiệm của Thái Lan đang xem xét khả năng cho hãng hàng không quốc gia Thai Airways phá sản. Nguyên nhân do Thai Airways gặp khó khăn về tài chính sau nhiều năm thua lỗ liên tiếp và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Thai Airways xin phá sản: Hàng không Việt Nam đối diện kịch bản nào? - 1

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống.

Chia sẻ về việc này, chuyên gia hàng không PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng việc một doanh nghiệp phá sản do làm ăn thua lỗ là bình thường, dù đó là hãng hàng không quốc gia Thái Lan.

“Hàng không là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19. Bình thường Thai Airways đã không có lãi, lỗ nhiều năm nay. Dịch COVID-19 là “giọt nước tràn ly” khiến khó khăn của Thai Airways thêm trầm trọng, dẫn đến khả năng phá sản”, ông Tống nói.

Nguyên chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa TP.HCM nhấn mạnh một doanh nghiệp nếu có uy tín, có khả năng trả nợ, khi rơi vào khó khăn, các Chính phủ sẽ có phương án hỗ trợ tài chính để hoạt động. "Chính phủ có thể cho vay vốn với lãi suất ưu đãi nhưng tuyệt đối không nên cấp vốn một cách dễ dãi. Doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh đúng đắn để tận dụng lợi thế cạnh tranh của mình”, chuyên gia cho hay.

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, tại Việt Nam, dịch COVID-19 khiến các hãng hàng không trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề. “Vietnam Airlines, Vietjet, Bambo Airway... đang chịu tổn thất lớn về doanh thu và lợi nhuận do tác động tiêu cực của dịch bệnh”, ông Tống nói.

Tuy vậy, chuyên gia cho rằng các hãng hàng không trong nước sẽ nhanh chóng vượt qua khủng hoảng, nhờ tiềm lực tài chính mạnh và những chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ. “Vietnam Airlines gần đây gặp khó khăn nhưng tôi nghĩ sẽ sớm vượt qua do tài chính gần đây khá tốt. Những năm gần đây hoạt động kinh doanh luôn có lãi”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhận định.

Để giúp các hãng hàng không trong nước lấy lại phong độ, Chính phủ cần có biện pháp mạnh để hỗ trợ. “Các hãng hàng không đang phải gánh chịu nhiều khoản thuế, phí. Giá dịch vụ và thuế cao khiến giá vé bị đội lên, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Chính phủ cần sớm có giải pháp mạnh để hỗ trợ hãng bay”, ông Tống nói.

Bên cạnh đó, theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, về lâu dài, cần đẩy nhanh xã hội hóa, thay đổi thế độc quyền cảng hàng không, tạo sự cạnh tranh lành mạnh để giảm thuế, phí, cải thiện chất lượng dịch vụ…

Chia sẻ trên Bangkokpost mới đây, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Uttama Savanayana cho biết, việc Thai Airways International (THAI) nộp đơn xin phá sản sẽ là một lựa chọn để tái xây dựng hãng hàng không quốc gia nước này.

Theo ông Uttama, việc cho Thai Airways phá sản sẽ phải tiến hành cẩn thận và theo luật pháp vì đây là doanh nghiệp nhà nước.

Kế hoạch phục hồi cho Thai Airways có thể được chấp thuận bởi Ủy ban Chính sách Doanh nghiệp Thái Lan và nội các, hoặc thông qua phán quyết của Tòa án Phá sản nếu chọn cách cho phá sản.

“Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải giám sát Thai Airways vì đây là doanh nghiệp nhà nước. Hai bộ đã thảo luận về việc xây dựng kế hoạch phục hồi, nhưng quyết định sau cùng phụ thuộc vào nội các, sẽ chọn phương án tốt nhất cho hãng này và tất cả bên liên quan”, ông Uttama nói.

Thai Airways được thành lập năm 1960 dưới hình thức liên doanh giữa Scandinavian Airlines (SAS) và hãng hàng không nội địa của Thái Lan, Công ty Thai Airways.

Đến ngày 1/4/1988, Thủ tướng khi đó là Tướng Prem Tinsulanonda, với mong muốn tìm kiếm một hãng vận tải quốc gia duy nhất, đã sáp nhập các hoạt động quốc tế và trong nước của hai công ty để thành lập công ty hiện tại, Thai Airways International.

Ngày 25/6/1991, Thai Airways niêm yết cổ phiếu của mình trên Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan và chào bán ra công chúng.

Ngày 1/4/1977, chính phủ Thái Lan đã mua 15% cổ phần còn lại của SAS và Thái Airways trở thành một hãng hàng không thuộc sở hữu của chính phủ Thái Lan.

Tính tới tháng 10/2017, Thai Airways hoạt động với 80 tàu bay, với 74 điểm đến trong và ngoài nước. Hãng sở hữu một đội bay hiện đại như Boeing 747-400, Boieng 737-400...Theo số liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan, lỗ ròng của Thai Airways tăng từ mức 2,11 tỷ baht năm 2017 lên 11,6 tỷ năm 2018 và 12 tỷ baht vào năm ngoái. Tính đến tháng 10/2019, khoản nợ tích lũy của Thai Airways lên tới hơn 100 tỷ baht.

Cuối tháng 4 vừa qua, để tránh nguy cơ trở thành hãng hàng không quốc gia đầu tiên trên thế giới bị phá sản bởi COVID-19, Thai Airways phải đề nghị một gói cứu trợ 10 tỷ baht (307 triệu USD) từ chính phủ Thái Lan để trả tiền lương 1 tháng cho nhân viên.

Hãng hàng không quốc gia Thái Lan cũng yêu cầu phê duyệt khoản vay trị giá 70 tỷ baht khác, với Bộ Tài chính là đơn vị bảo lãnh, để tiếp tục khả năng hoạt động.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn