Tàu phá băng mới của Nga hướng đến chinh phục vùng cực?

Tư liệuThứ Tư, 10/07/2024 11:37:00 +07:00
(VTC News) -

Tàu Ivan Papanin đã bắt đầu chạy thử nghiệm trên biển, trong bối cảnh tham vọng của Nga ở Bắc Cực trở lại.

Tàu phá băng chiến đấu mới của Nga, được gọi là Dự án 23550 Ivan Papanin, đã bắt đầu chạy thử nghiệm trên biển. Động thái được cho là báo hiệu Nga đang có sự tập trung chiến lược mạnh mẽ vào Bắc Cực trong bối cảnh nguy cơ chiến tranh lạnh mới.

Tàu phá băng chiến đấu Ivan Papanin thuộc Dự án 23550 của Nga. (Ảnh: Europäische Sicherheit & Teknik)

Tàu phá băng chiến đấu Ivan Papanin thuộc Dự án 23550 của Nga. (Ảnh: Europäische Sicherheit & Teknik)

The War Zone đưa tin, tàu phá băng Nga không chỉ thiết kế để di chuyển qua băng mà còn có trang bị vũ khí, có khả năng trang bị tên lửa hành trình.

Theo The War Zone, con tàu này đóng tại Xưởng đóng tàu Admiralty ở St Petersburg. Ban đầu, tàu dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2023, nhưng bị hoãn lại một phần do cuộc xung đột ở Ukraine.

Vũ khí trên Ivan Papanin bao gồm một khẩu pháo AK-176MA 76mm. Tàu cũng trang bị các bệ phóng cho tên lửa hành trình Klub và Kalibr, giúp tăng cường đáng kể khả năng chiến đấu.

Nga có một hạm đội đang phát triển với khoảng 40 tàu phá băng và tàu có khả năng vượt băng. Hạm đội bao gồm các tàu thuộc lớp Dự án 23550, được thiết kế riêng cho mục đích chiến đấu và phá băng dày tới 1,67 m.

Việc Nga đưa Ivan Papanin vào hạm đội tàu phá băng thể hiện sự quan tâm đến lợi ích và chiến lược quân sự rộng lớn hơn ở Bắc Cực, theo các nhà bình luận. Các vấn đề về an ninh và kinh tế đa dạng liên quan đến khu vực này cũng nằm trong đó.

Trong bài báo tháng 3/2020 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Heather Conley và các tác giả khác đã cho rằng, việc Nga hiện diện quân sự ở Bắc Cực là nhằm tăng cường an ninh nội địa.

Sự hiện diện quân sự ở khu vực này có thể giống như một cơ chế phòng thủ tiền tuyến, giúp Nga chống lại sự xâm nhập từ bên ngoài. Đây là địa điểm để Nga triển khai các lực lượng ở Bắc Đại Tây Dương, đồng thời, trong bối cảnh khu vực thu hút ngày càng nhiều đầu tư quốc tế, việc phòng thủ cũng góp phần đảm bảo tương lai kinh tế của Nga.

Trong đó, theo chuyên gia Conley, Nga xem tuyến đường biển phía Bắc (NSR), một tuyến đường thủy dài 5.600 km trải dài từ eo biển Bering đến biển Kara, là tuyến đường thủy quan trọng về mặt chiến lược.

Ngoài việc có các tuyến đường biển quan trọng như NSR, tác giả John Grade đề cập trong một bài báo của Viện Hải quân Hoa Kỳ (USNI) vào tháng 3/2024 rằng Bắc Cực nắm giữ 13% trữ lượng dầu mỏ chưa được khám phá của thế giới, đối với khí đốt tự nhiên là 30%, và các khoáng sản có giá trị khác như paladi, coban và niken... là trữ lượng tương đương 1 nghìn tỷ USD – đây đều là các khoáng sản đang được săn đón trong nhiều ngành công nghiệp công nghệ cao.

Những nguồn tài nguyên này có thể khuấy động một cuộc cạnh tranh quốc tế tại Bắc Cực, trong khi tình trạng nóng lên toàn cầu lại khiến khu vực dễ tiếp cận hơn. Cho đến nay, Canada, Mỹ dvà các nước Scandinavia đã có sự hiện diện đáng kể ở Bắc Cực. Trung Quốc tự tuyên bố mình là "quốc gia gần Bắc Cực" vào năm 2018, tạo tiền đề cho cuộc cạnh tranh quyền lực lớn tại khu vực băng giá xa xôi này.

Grade cho rằng Nga đang theo đuổi chiến lược "nước đầu tiên ra thị trường" bằng cách mở rộng kiểm soát đối với các tuyến đường thủy liên quan.

Hạm đội phương Bắc đóng vai trò then chốt trong khả năng răn đe hạt nhân, lợi ích kinh tế và bảo vệ tài nguyên của Nga, được đánh giá là sự hiện diện quân sự quan trọng nhất của nước này ở Bắc Cực. Các chuyên gia cho rằng tầm quan trọng chiến lược của Bắc Cực đối với lợi ích của Nga còn thể hiện ở các ví dụ như việc xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự mới, trình diễn khả năng nổi qua lớp băng dày của tàu ngầm hạt nhân và việc đưa tàu ngầm không người lái vũ trang hạt nhân Poseidon "ngày tận thế" gây tranh cãi của Nga vào kho vũ khí của hạm đội.

Trong một bài báo của SWP tháng 11/2020, Janis Kluge và Michael Paul đề cập rằng ưu tiên của Hạm đội phương Bắc là bảo vệ tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân (SSBN) của Nga, chiếm hai phần ba lực lượng răn đe hạt nhân trên biển của nước này.

Các chuyên gia cũng cho rằng chiến tranh Ukraine có thể tác động một phần đến thế trận quân sự Bắc Cực của Nga, ở cấp độ tác chiến và chiến thuật.

Trong một bài báo của CSIS vào tháng 1/2023, Colin Wall và Njord Wegge đề cập rằng các nhánh quân sự Bắc Cực của Nga, đặc biệt là Hạm đội phương Bắc, vẫn duy trì khả năng tấn công hạt nhân lần hai đáng tin cậy bất chấp những ảnh hưởng của cuộc chiến Ukraine. Họ cho rằng khả năng khí tài của Nga trên không và trên biển vẫn chủ yếu không bị ảnh hưởng, nhưng các lệnh trừng phạt có thể tác động đến ngành công nghiệp quốc phòng của Nga trong dài hạn.

Tuy nhiên, Wall và Wegge cho rằng Nga ngày càng sử dụng các chiến thuật "chiến tranh hỗn hợp" ở Bắc Cực. Tất cả những điều này làm phức tạp thêm bối cảnh an ninh đang thay đổi nhanh chóng ở khu vực này.

Phương Anh (Nguồn: Asia Times )
Bình luận
vtcnews.vn